Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

Tri thức dân gian về dự báo thời tiết với biến đổi khí hậu thời nay

Hòa Vang



Tri thức dân gian
về dự báo thời tiết
với biến đổi khí hậu thời nay



            Tri thức là danh từ để chỉ điều hiểu biết nhờ kinh nghiệm hay học tập (Connaissance) mà có được, còn dân gian là toàn dân, chung cả dân (Tiếng Pháp viết là Le peuple, la population). Vậy tri thức dân gian chính là những hiểu biết thông qua kinh nghiệm mà có của người dân thể hiện trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong xã hội nông nghiệp, tri thức dân gian chủ yếu ra đời từ kinh nghiệm trong sản xuất, trong chữa bệnh, trong dự báo thời tiết,…Vấn đề đặt ra trong bài viết này là tri thức dân gian thông qua kinh nghiệm dân gian có còn đúng về dự báo thời tiết trong biến đổi khí hậu thời nay không?
            Để sản xuất nông nghiệp được thuận lợi, người nông dân qua kinh nghiệm nhiều đời, có khi cả thế kỷ đã đưa ra được kinh nghiệm tích lũy về khả năng dự báo thời tiết, nhằm theo đó tranh thủ thời vụ kịp thời, hoa màu, lương thực phát triển tốt, cho năng suất cao. Do ở ta văn học bác học thành văn phát triển sau nên văn học dân gian là thể loại đi trước, đi trước một thời gian dài, là nơi có nhiều đất cho kinh nghiệm dân gian trú ẩn, trụ bám cùng với người dân. Và để cô đọng, dễ nhớ, những đúc kết kinh nghiệm, đôi khi dân gian tạo nên vần điệu cho tục ngữ để dễ thuộc, dễ nhớ và nhớ lâu. Người dân đặt thành thành ngữ, tục ngữ, mà phần lớn là trong kho tàng tục ngữ chứa đựng nhiều kinh nghiệm dân gian hơn cả. Để tuân thủ theo quy luật tự nhiên, người nông dân ngước mặt nhìn trời xem các biến đổi của hiện tượng tự nhiên: mống (cầu vồng), mây, quầng trăng, tán trăng, sấm sét,…hay dậm chân xuống đất nhìn kiến tha mồi, làm tổ, di chuyển, xem các loại côn trùng kiếm ăn, trú ẩn,…là có thể đưa ra tục ngữ dự báo về thời tiết trong một vùng. Dự báo như vậy thường đúng (do tích lũy được qua kinh nghiệm) nên đã trở thành lệ, thành quy luật phổ quát, đôi khi dưới con mắt người nông dân quy luật này trở thành bất biến, không thể chọn lựa được; đặc biệt vào thời con người chưa có các công cụ khoa học để nhìn ngắm, đo đạt, phân tích,…các hiện tượng biến đổi của tự nhiên như ngày nay.
            1. Về dự báo lũ lụt:
Ông tha mà bà không tha
 Làm cho cái lụt Hâm ba tháng Mười.
Qua quan sát trong vài ba năm trở lại đây, nhất là khi các nhà khí tượng học khám phá và công bố trái đất đang ở vào thời kỳ biến đổi khí hậu. Lượng CO2 do con người hoạt động thải ra ngày càng nhiều, làm cho có sự thay đổi khí hậu trên trái đất. Các nhà khoa học nhìn thấy tầng ozone bị thủng, trái đất tiếp nhận một lượng Q nhiều hơn gấp nhiều lần bình thường, theo đó các tia độc hại trong vũ trụ chiếu thẳng xuống loài người gây hại. Mặt khác làm cho khí hậu trái đất biến đổi mà quan trọng là trái đất nóng thêm lên, nước biển tăng thêm lên xâm thực vào lục địa làm cho một số khu vực thấp có nguy cơ bị nước tràn ngang. Mà khi nhiệt độ trái đất tăng, nước biển tăng lên thì các dòng hải lưu rất có nhiều khả năng sẽ thay đổi vận tốc và hướng chảy. Điều này là một sự xáo trộn to lớn, có tác động quan trọng đến sự phát triển của loài người. Trong điều kiện như vậy thì tri thức dân gian trong dân gian có kinh nghiệm về thời tiết có còn phù hợp không, khi mà vài ba năm trở lại đây, hiện tượng:
                                    Ông tha mà bà không tha,
                                    Làm cho cái lụt Hâm ba tháng Mười.
không còn đúng nữa. Ba, bốn năm nay, vùng trời, vùng đất Đà Nẵng vào ngày Hâm ba tháng Mười lại có nắng chang chang, không tìm đâu ra giọt mưa. Nhưng trước đó, các trận mưa lớn đã đổ xuống như hũ trút cũng đã nửa tháng trước rồi. Vậy thì người nông dân làm sao xoay trở khi thời tiết trong vùng đã biến đổi. Cái lụt ngày Hâm ba tháng Mười đã dịch chuyển lên tháng chín, thời vụ có dịch chuyển theo không? Tri thức dân gian người Quảng là sự đúc kết qua kinh nghiệm, tổng kết các hiện tượng tự nhiên mới có thể đưa ra bài học như vậy, thì nay sự biến đổi khí hậu đã tác động vào thời tiết làm cho kinh nghiệm những ngày Hâm của tháng Mười có lụt mà thường lụt to không xảy ra nữa. Năm nay 2011, ngày Hâm ba tháng Mười nắng nóng, nhiệt độ cao nhất là 280C, làm sao mà có mưa lụt cho được!
            2. Về dự báo hạn hán:
                                    Mống Cửa Đại cá mại chết khô
            Qua quan sát hiện tượng tự nhiên sau một chu kỳ, người Quảng đúc kết và đưa ra kinh nghiệm vận dụng vào dự báo thời tiết trong vùng nhằm kịp thời bảo vệ mùa màng, chống lại thiên tai. Tháng 8 âm lịch, dân gian thường có kinh nghiệm rằng: Tháng tám nám trái bưởi. Có nghĩa là vào tháng tám thường có nắng nóng, khô hạn. Thế nhưng vào một buổi chiều tháng tám, tôi đi trên đường Lê Đại Hành của Đà Nẵng, trời hôm ấy mù đậm, nhiều mây tích, đang bắt đầu đổ xuống những hạt mưa nhẹ mỏng, lác đác. Những tia nắng từ phía tây chiếu dọc, xiên ngang vào những hạt mưa. Trong hiện tượng hòa mình vào tự nhiên vừa có nắng, vừa có mưa đổ vào một vùng địa lý thật thú vị. Điều này có nhà triết học cho rằng không thể có hiện tượng vừa nắng lại vừa mưa trong cùng một thời gian và địa điểm. Có lẽ tư tưởng triết lý này nhằm vào việc khác chăng?. Tôi và vài ba người khác dừng lại trước một căn nhà biệt thự tráng lệ với ý định mặc áo mưa vào cho khỏi ướt. Bỗng dưng ngước mặt nhìn trời, tôi phát hiện một cái mống/cầu vồng mọc lên từ phía đông nam. Nếu lấy tọa độ tại địa điểm tôi đang đứng thì đây đích thị là mống Cửa Đại rồi. Nghe mưa rơi lộp độp ngoài nhà, và có người xì xào, một bà cụ tuổi cũng đã trên “thất thập cổ lai hy”, bước từ nhà ra vỉa hè, bà giật mình nheo mắt nhìn cái mống đóng đến hai vòng cung, một nhỏ và một lớn. Chợt bà buộc miệng, nhìn tôi: chú nì, năm ni hạn nghe chú! Chú nhìn mống đóng Cửa Đại kia kìa. Rồi cụ đọc câu tục ngữ quen thuộc: Mống Cửa Đại cá mại chết khô! mà. Tôi bán tín bán nghi về kinh nghiệm “cá mại chết khô” của bà, nhưng mà tôi vẫn nhìn theo tay bà cụ chỉ lên trời về phía Cửa Đại. Cái mống có đến hai vòng. Nếu chọn từ địa điểm tôi đứng nói chuyện với bà cụ thì đúng là hướng Cửa Đại rồi. Tôi ậm ừ: cụ ơi, trời mù câm, đang mưa mà cụ bảo nắng hạn răng được hử cụ! Cụ khẳng định lại với tôi lần nữa: hạn đó chú nợ, chú để coi! Trời vẫn đổ những hạt mưa nhẹ tâng, mây tích trên trời vẫn vần vũ, những tia nắng vẫn xiên vào đám mưa ửng lên màu hừng hực như có lửa. Vậy là từ hôm tháng tám âm lịch năm 2011 vừa qua, tôi quan sát thường xuyên nhưng không thấy hạn hán đâu. Cá mại tại các con mương của vùng ngoại thành Đà Nẵng vẫn không chết khô, do mương vẫn có nước chảy thường xuyên. Như thế, có phải chăng từ sự biến đổi của khí hậu trên một vùng rộng lớn đã ảnh hưởng đến thời tiết tại các tiểu vùng. Năm nay (2011), người Quảng không phải chịu hạn hán!
           
            3. Về dự báo trời nắng, trời mưa:
                        Ráng đỏ thì nắng, ráng trắng thì mưa.
            Trước đây, khi khí hậu toàn cầu chưa có sự biến đổi lớn thì kinh nghiệm nhìn mây ráng đỏ hay trắng thường được dân gian người Quảng vận dụng để cấy trồng, các loại hoa màu khác, tránh được những thiệt hại. Tuy nhiên từ những năm 2000 trở lại đây do khí hậu trên toàn cầu biến đổi nên dù có nhìn lên mây ráng vàng hay mây ráng trắng cũng khó có thể dự báo được mưa hay nắng một cách chính xác. Những năm gần đây ráng vàng phía tây vào buổi chiều thường ít thấy xuất hiện và nếu có cũng chưa thành ráng thì mây che khuất, cũng khó mà dự báo.
Nhiều thế kỷ qua, quan sát các hiện tượng tự nhiên, có thể nói rằng trong lao động sản xuất, người Quảng thường xuyên tổ chức các cuộc đấu tranh mệt mỏi với thiên nhiên để sau đó hiểu được thiên nhiên, rút ra bài học chính xác về các hiện tượng thời tiết xuất hiện theo chu kỳ của nó, để khai thác thiên nhiên, vận dụng vào quy trình sản xuất của mình. Chúng ta ngày nay vẫn công nhận rằng, tri thức dân gian về dự báo thời tiết, thủy văn được lưu giữ trong kho tàng văn hóa dân gian người Quảng, nay vẫn còn đi cùng với cuộc sống đương đại, đặc biệt với người nông dân luôn thích ứng với sự thay đổi của thời tiết trong sự diễn biến của mưa nắng thất thường. “Mưa tháng bảy gãy cành trâm” ở Bắc, còn ở Trung thì lại: “Thương anh biết lấy chi đưa/ Đôi dòng nước mắt như mưa tháng mười”. Rõ ràng miền Trung vào tháng mười âm lịch có mưa, lại mưa lớn, mưa như trút đến cuối tháng mười mới chấm dứt. Dự báo như vậy đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Và còn rất nhiều kinh nghiệm dân gian về dự báo thời tiết một vùng được lưu hành đến nay vẫn chưa thôi, nhưng do sự biến đổi khí hậu toàn cầu có ảnh hưởng rất lớn đến trái đất, những tri thức dân gian trong dự báo thời tiết có còn đúng nữa không?. Trong một chừng mực nào đó, bài này đặt vấn đề rằng, có sự lệch đi của sự xuất hiện thời tiết trong một vùng địa lý cụ thể. Chắc chắn điều đó là có, vì trục trái đất nghiêng thêm vài cen-ti-mét, băng ở nam cực và bắc cực tang ra, nước sẽ dâng lên cả mét, rồi những vận động địa mạo làm cho núi lửa hoạt động trở lại, sóng thần xuất hiện, bão thổi từ biển vào ngày càng dữ dội, có nhiều cơn bão được ngành khí tượng, thủy văn dự báo là “siêu bão”, có cơn bão mà đường đi của nó khó mà dự đoán trước được,…lạnh sẽ lạnh hơn, nóng sẽ nóng hơn! [1] Nhìn xương con ếch có còn đoán được mưa nắng không, măng tre không thấy mọc giữa bụi, lấy cơ sở nào đoán có bão hay không? Vậy thì tri thức dân gian về dự báo thời tiết tại một vùng địa lý nhất định có còn là điều chắc đúng?
Có không ít các hiện tượng tự nhiên đã thay đổi theo sự biến đổi của khí hậu trên trái đất, nếu dự báo “trái đất tiếp tục nóng lên, nhiều nơi trên trái đất có sự biến đổi: rạn san hộ Great Barrier sẽ biến mất vào năm 2030”. Dự báo của các nhà khí tượng, thủy văn cho rằng “trong vòng mười năm tới các chóp tuyết và sông băng trên núi Kilimanjaro (Tanzania) đã tồn tại 117 thế kỷ sẽ biến mất. Đến năm 2020, băng ở Bắc Cực tan khiến loài người không còn nhìn thấy gấu Bắc Cực và gấu Trắng,…Đó thực sự là điều bi ai, nếu những lời dự đoán trên trở thành sự thật” [[2]] thì ở ta, việc vận dụng kinh nghiệm lâu đời qua dự báo thời tiết, khí hậu thủy văn của người Quảng hãy còn chính xác?


Tài liệu tham khảo:
1. Văn hóa dân gian Đà Nẵng - cổ truyền và đương đại, NXB Đà Nẵng, 2010.
2. Văn hóa dân gian Quảng Nam, Đà Nẵng, NXB. Đà Nẵng,2009
3. Hồ sơ sự kiện, số 195 (2011).


[1] Dự báo đến cuối thế kỷ XXI, nhiệt độ trái đất tăng từ  4 – 60C.
[2] Hồ sơ sự kiện, số 195/2011.

Không có nhận xét nào: