Thứ Hai, 26 tháng 3, 2012


Đỗ Thị Cẩm Nhung

NÓI CHÂM BIẾM
                                               
Nếu coi ngôn ngữ dân tộc là kho báu của văn hóa dân tộc, thì có thể nói kho tàng văn học là hình thức hiểu hiện độc đáo của bản sắc văn hóa dân tộc. Nó là phương tiện ngôn ngữ để giao tiếp, nhưng ẩn tàng bên trong là sự lấp lánh của một nền văn hóa, văn minh, phép đối nhân xử thế, đạo lí, thẩm mĩ … của dân tộc Việt Nam.
      Trong kho tàng văn học vô tận đó, có một bộ phận văn học dân gian như thành ngữ, tục ngữ, ca dao, hò vè, hát đối đáp… và cả một phận văn học viết mang đậm cách nói châm biếm, mỉa mai rất riêng của người Việt.  
      Tại sao người Việt tạo ra cách nói châm biếm, mỉa mai ?
      Trước hết, ta thử tìm hiểu tại sao người Việt rất hay dùng cách nói châm biếm, mỉa mai trong đời sống hàng ngày? Xét ở góc nhìn văn hóa, chúng ta cần chú ý tới tâm lý của người Việt trong giao tiếp. Khen tặng ai một điều gì dù đúng hay sai đều làm người ta vui vẻ, dễ chịu. Nhưng chê bai, phê phán ai điều gì quả là bao giờ cũng gây sự khó chịu. Nét nổi bật rất dễ nhận thấy của người Việt là tính ngại giao tiếp chính thức, trực diện khi phải phê phán một ai đó. Người ta không thích "chê vỗ vào mặt" nhau, mà dùng phương thức vòng vo, chiến thuật "vu hồi" tạo cảm giác chê mà như không chê, nhẹ nhàng như nói chơi vậy, nhưng hiệu quả lại rất cao.

      Cách nói mỉa mai, châm biếm là một phương thức ngôn ngữ đặc biệt, dùng để diễn đạt sự đánh giá "chênh" đi, thậm chí có khi còn ngược lại so với sự thật cần đánh giá. Vì thế ngôn ngữ ở đây bao giờ cũng mang sắc thái biểu cảm rõ nét, thường là thái quá. Người ta thường nhận được những câu quá khen, hoặc chê thậm tệ; hoặc cũng có khi lẽ ra phải khen thì lại chê, phải chê thì lại khen; và đặc biệt lại có cả những câu tưởng chừng phi lý. Ví dụ các bà mẹ khi nghe con mình thi điểm cao, dù rất vui nhưng vẫn nói: “Chó ngáp phải ruồi” ấy mà, hay nếu gặp may mắn thì lại nói "Mèo mù vớ cá rán"

      Có  mấy cách nói châm biếm, mỉa mai ?

      Trong khẩu ngữ, cách nói châm biếm, mỉa mai thường thể hiện bằng sự kéo dài hay nhấn mạnh giọng nói. Đôi khi có kèm theo cả sự thay đổi nét mặt, cử chỉ, điệu bộ ... ở người nói. Người nghe thường nhận ngay ra cái dáng vẻ của ngôn ngữ mỉa mai, giễu cợt. Ở đây, ta thường bắt gặp cả hai phương thức sử dụng ngôn ngữ được coi là đối lập nhau: lối dùng nhã ngữ kết hợp với ngoa ngữ. Khó có thể tách ra đâu là nhã ngữ, đâu là ngoa ngữ. Khen một ai đó tài ba, người ta nói "Khen phò mã tốt áo", khiến cho người được khen không hiểu rằng đó có phải là lời khen không.

      Lúc thề thốt, hứa hẹn, người ta không ngần ngại đưa ra những điều phi lý để làm điều kiện. Cách sử dụng ngôn ngữ như thế này khiến cho chúng ta cảm thấy sự mỉa mai lên đến ngoa ngoắt. Ta thường nghe "Em mà nói dối thì em chết", "Nó mà thi đỗ thì tôi đi đầu xuống đất"… Đành rằng nghĩa của các câu này thường cũng dễ hiểu vì chúng được giải thích bằng một quy tắc đơn giản của logic: trong thực tế "em không chết" suy ra "em không nói dối", "tôi không thể đi đầu xuống đất" suy ra "nó không thể thi đỗ", nhưng người ta vẫn thích cách sử dụng này vì nó thú vị hơn và hiệu quả hơn so với cách phủ định thông thường. Quả là, khả năng dùng ngôn ngữ để phủ định của người xưa thật tài tình.

      Như vậy, có hai cách nói châm biếm, mỉa mai và tạo ra hai tác dụng mà hình thức bên ngoài "có vẻ" như trái ngược nhau.

      Một là, trách móc, mắng mỏ, giễu cợt (theo chiều hướng phê phán).

      Hai là, khích cho người có khuyết điểm tự ái mà sửa chữa khuyết điểm để tiến bộ (theo chiều hướng tích cực).

      Người xưa thường dùng phương pháp "khích tướng" với quan niệm "khiển tướng không bằng khích tướng". "Khích" là một trong những biện pháp giáo dục hữu hiệu mà người xưa đã trọng dụng.

      Với sự kết hợp cả hai ý nghĩa "khiển" và "khích" một cách có hiệu quả,  cách nói châm biếm, mỉa mai đã trở thành một phương thức sử dụng ngôn ngữ mang bản sắc dân tộc rõ nét. Đó cũng chính là lý do để hiện tượng ngôn ngữ tưởng chừng "phi chính quy" này lại có ý nghĩa thật "chính quy" và có một chỗ đứng vững chắc trong hoạt động ngôn ngữ của người Việt chúng ta.

      Tìm hiểu cách nói châm biếm, mỉa mai trong văn học dân gian.

      Kho tàng văn học dân gian là nơi lưu giữ đầy đủ nhất cách nói châm biếm, mỉa mai của cha ông ta. Từ ca dao, dân ca, hò vè, hát đối đáp, thành ngữ, tục ngữ, câu đối… đều in dấu ấn của cách nói châm biếm, mỉa mai.

      Trước hết, chúng ta lần tìm dấu ấn của cách nói châm biếm, mỉa mai trong kho thành ngữ, tục ngữ, nơi ghi dấu rõ nhất lời ăn tiếng nói hằng ngày của nhân dân.

      Chỉ với những con vật hằng ngày như chó, mèo, lợn, gà…, nhưng khi đi vào thành ngữ châm biếm, mỉa mai, hình tượng trở nên hết sức sinh động,  phong phú và độc đáo.

      Chó  là con vật bị coi thường, khinh rẻ. Vì vậy, những câu thành ngữ thường mượn con vật này để mỉa mai, châm biếm những hành động xấu xa, lén lút.

      “Chó  ăn trứng luộc” châm biếm những con người vô tích sự nhưng vớ bở ngoài trí tưởng tượng, vì chó là loài mạng hạng mà lại được ăn trứng luộc, món ăn vừa ngon, lại vừa mềm.

      “Chó  ăn vụng bột” lại mỉa mai những hành vi lén lút nhưng biểu hiện rành rành ra, không che giấu được, như con chó ăn vụng bột, bị dính đầy mõm, không thể làm sạch được.

      “Chó cái bỏ con” mỉa mai những người mẹ sinh con ra lại bỏ rơi con của mình một cách tàn nhẫn.

      “Chó càn cắn giậu” chê bai những kẻ liều lĩnh, thiếu cân nhắc, tính toán trong hành động của mình.

      “Chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng” mỉa mai những con người ỷ thế, ỷ quyền, tỏ ra hống hách, bắt chẹt người khác.

      “Chó chê cứt nát” , “Chó chê cơm” mỉa mai những chuyện ngược đời, gây khó chịu cho mọi người.

      “Chó chê mèo lắm lông”  cười chê những kẻ đã xấu, kém lại còn hợm hĩnh, chê kẻ khác tồi kém.

      “Chó chê nhà dột ra nằm bụi tre” nói đến những kẻ chê bai điều xấu nhưng lại gặp điều tồi tệ hơn.

      “Chó chui gầm chạn” nói đến những người cam chịu, hèn mọn, phải nhờ cậy vào tiền bạc, thế lực của người khác.

      “Chó có váy lĩnh” chê cười những kẻ đua đòi một cách kệch cỡm, lố lăng, chướng mắt người đời.

      “Chó dại cùng đường”, “Chó dại cắn càn”  chỉ những kẻ hung hãn, liều mạng, không còn biết đến luân thường đạo lí.

      “Chó  đen giữ mực”, “Chó đen quen ngõ” mỉa mai những kẻ bảo thủ, cố hữu, biết sai mà không chịu sửa.

      “Chó ghẻ có mỡ đằng đuôi” chê bai những kẻ đã xâu, kém lại còn kiêu căng, hợm hĩnh.

      “Chó mái chim mồi” lên án bọn người cam tâm làm tay sai cho kẻ thù hại dân tộc mình.

      “Chó ngáp phải ruồi” nói những người gặp vận may một cách ngẫu nhiên, hiếm có.

      “Chó ngồi bàn độc” chỉ những kẻ bất tài vô dụng nhưng lại có địa vị cao sang.

      “Chó nhà quê đòi ăn mắm mực” mỉa mai những người ở địa vị thấp hèn mà không biết thân phận, đòi hưởng quyền lợi cao sang.

      “Chó  ông thánh cắn ra chữ” chỉ những kẻ dốt nát mà không biết thân phận, lại hay nói chữ, tỏ ra tài giỏi hơn người.

      Mèo lại là con vật ma mãnh, trông rất đạo mạo nhưng thường che giấu những điều xấu xa, gian xảo. Vì vậy, nhân dân ta thường mượn nó để châm biếm, mỉa mai những con người như vậy.

      “Mèo con bắt chuột cống”, “Mèo vật đống rơm” châm biếm những người nhỏ bé, yếu kém mà lại thích làm những việc lớn, quá khả năng của mình.

      “Mèo đàng chó điếm”  chỉ bọn người vô lại, ranh mãnh, bịp bợm, sống lang thang, đầu trộm đuôi cướp.

      “Mèo già hóa cáo” chỉ những người ở lâu ngày, sống lâu năm trở nên ma mãnh, quỉ quyệt, gian xảo.

      “Mèo già lại thua gan chuột nhắt” mỉa mai người nhiều tuổi nhát gan hơn trẻ con, hay người có thế lực lại bất lực trước sự mạnh mẽ của kẻ thường dân.

      “Mèo hoang lại gặp chó hoang”  chỉ bọn người vô lại kết bè kết cánh để toan làm những việc xấu xa, đồi bại.

      “Mèo khen mèo dài đuôi” mỉa mai những người không biết người biết ta, cứ tự đề cao mình một cách quá đáng.

      “Mèo mả gà đồng” chỉ hạng người vô lại, du thủ du thực, lăng nhăng bậy bạ.

      “Mèo mẹ bắt chuột con” lại mỉa mai những người có khả năng mà chỉ quanh quẩn làm những chuyện nhỏ nhặt, phí cả tài năng.

      “Mèo mù vớ cá rán” nói đến một sự may mắn bất ngờ ngoài khả năng vốn có.

      “Mèo thấy mỡ” mỉa mai những kẻ thèm thuồng, muốn chiếm đoạt ngay những của ngon vật lạ trước mắt.

      “Giấu như mèo giấu cứt”  mỉa mai những kẻ giấu giếm những điều xấu xa, đen tối như con mèo tự giấu cứt mình rất kĩ.

      Lợn, gà lại là những con vật hiền lành nhưng ngờ nghệt, khờ khạo. Vì vậy, người dân lại mượn nó để châm biếm, mỉa mai những kẻ khờ khạo, vụng về đó.

      “Lợn lành thành lợn què” mỉa mai những kẻ vụng về, kém cỏi, đang nguyên lành lại sửa chữa cho hư hỏng, tự tạo ra thiệt hại cho mình.

      “Lợn trong chuồng thả ra mà đuổi”  châm biếm những người không biết cân nhắc, tính toán, đã để tuột tay thì khó có thể lấy lại được.

      “Gà  đẻ gà tục tác” chê bai những con người không ai khiến mà tự nói ra, làm lộ ra những thành tích hay khuyết điểm của mình.

      “Gà mái gáy gở” chê trách những người đàn bà không biết gì mà thích chen vào việc đại sự, chỉ làm hỏng việc mà thôi.

      “Gà mượn áo công” châm biếm những người dựa thế, cậy quyền để chèn ép, hoạnh họe, vênh váo với người khác.

      “Gà nhà lại bươi bếp nhà” chê bai những người có quan hệ gần gũi hoặc cùng phe cánh lại bới móc, phá hoại lẫn nhau.

      “Gà què ăn quẩn cối xay” mỉa mai những kẻ hèn kém, chỉ làm ăn, kiếm chát nhỏ nhặt ở nơi quen thuộc chứ không biết nhìn xa trông rộng.

      “Con gà tức nhau tiếng gáy” châm biếm những kẻ chỉ biết ghen tị, tức tối khi người khác có điểm gì đó vượt trội hơn mình.

      Như vậy, chỉ mới đề cập đến một vài con vật quen thuộc mà chúng ta đã tìm ra được rất nhiều câu thành ngữ về cách nói châm biếm, mỉa mai độc đáo của nhân dân. Ngoài ra, chúng ta có thể tìm thấy vô số những câu châm biếm, mỉa mai mà toàn là câu cửa miệng rất quen thuộc của người dân như:

Áo gấm đi đêm

Đũa mốc mà chòi mâm son

Trứng mà đòi khôn hơn vịt

Trứng mà đòi chọi đá

Nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà

Yêu chó, chó liếm mặt
Yêu gà, gà mổ mắt
Điếc hay ngóng, ngọng hay nói
Gậy ông đập lưng ông
Khôn nhà dại chợ
Lời nói dối có đôi chân ngắn
Con sâu làm rầu nồi canh
Ba bà họp lại thành cái chợ
Cuối cùng mèo lại hoàn mèo
Đồng tiền liền khúc ruột
Giàu thì điếc, sang thì đui
Vàng có thể mở mọi cánh cửa
Túi tiền làm miệng phải nói
Cười người hôm trước, hôm sau người cười
Có mới nới cũ
Có trăng quên đèn
Múa gậy vườn hoang
Mặt người lòng thú
Khẩu phật tâm xà
Miệng nam mô bụng bồ dao găm
Chưa đỗ ông nghè đã đe thằng tổng
v.v…
      Cùng với kho thành ngữ, kho tàng ca dao của cha ông ta cũng không kém phần phong phú trong cách nói châm biếm, mỉa mai. Để cười mỉa những bà già không biết tuổi tác của mình, vẫn còn “muốn chồng”, tác giả dân gian nói:
                     Bà  già đã tám mươi tư/ Ngồi trong cửa sổ  viết thư kén chồng. 
                     Bà  già đi chợ cầu  Đông/ Xem một quẻ  bói lấy chồng lợi chăng?
                     Thầy bói xem quẻ  nói rằng:/ Lợi thì  có lợi nhưng răng không còn!

      Hoặc để mỉa mai những cặp vợ chồng không “xứng đôi vừa lứa”, cha ông ta lại viết:

          Ví  dầu chồng thấp vợ cao/  Qua sông nước lớn, cõng tao bớ mày.
         Bồng bồng cõng chồng đi chơi/ Đi đến chỗ lội đánh rơi mất chồng.
          Chị  em ơi, cho tôi mượn cái gầu sòng/ Để tôi tát nước múc chồng tôi lên.
          Gái khôn lấy phải  chồng dại/ Như  bông hoa lài cắm bãi cứt trâu.
          Tiếc thay cây quế  giữa rừng/ Để cho thằng Mán, thằng Mường nó leo.
          Một  đêm quân tử nằm kề/ Còn hơn thằng ngốc vỗ  về quanh năm.

      Hoặc trước sự khắc nghiệt, bất công của xã hội phong kiến đối với người phụ nữ, trong khi trai “năm thê bảy thiếp”, thì “gái chính chuyên một chồng”, dân gian đã mỉa mai bằng những câu đề cao phụ nữ:

        Gái chính chuyên lấy  được chín chồng/ Vo viên, bỏ  lọ, gánh gồng đi chơi
        Giữa  đường quang đứt, lọ rơi/ Bò  ra lổm ngổm chín nơi chín chồng.
      Không chồng mà chửa mới ngoan/ Có  chồng mà chửa, thế  gian sự thường.
      Để châm biếm, mỉa mai những điều phi lí, bất bình, cay đắng trong cuộc sống, cha ông ta lại mượn những hình ảnh, chi tiết khá độc đáo, với cách nói cũng rất độc đáo:
           Chuột chù  chê khỉ rằng hôi/ Khỉ  nói phải rồi, cả họ  mày thơm. 
            Lươn ngắn  đi chê trạch dài/ Thờn bơn méo miệng chê  trai lệch mồm. 
          Đồng tiền không phải vạn năng/ Không có  đồng tiền vạn vật bất năng.
 
           Tiếng đồn cha mẹ anh hiền / Cắn cơm không bể, cắn tiền bể đôi 
           Nghĩa nhân mỏng vánh tựa cánh chuồn chuồn/ Khi vui nó  đậu khi buồn nó bay. 
           May không chút nữa em lầm / Khoai lang xắt lát tưởng sâm bên Tàu. 
           Má  ơi con má chính chuyên /Chính chuyên với má, nó liền với trai. 
           Má  ơi con má chính chuyên /Ghe bầu  đi cưới một thiên mắm mòi 
           Không tin mở hộp ra coi /Rau răm  ở dưới mắm mòi ở  trên. 
           Nhà  bà giàu thịt thà đầu mâm  đầy thớt/ Phận tôi nghèo trớt quớt con cu
           Một mai bóng xế  trăng lu /Thịt thà  bà hết con cu tôi còn.
      Và còn nhiều, nhiều vô kể những cách nói châm biếm, mỉa mai như thế trong kho tàng văn học dân gian của cha ông ta mà muốn nghiên cứu nó chúng ta có thể làm một đề tài khoa học lớn. 

Không có nhận xét nào: