Thứ Hai, 26 tháng 3, 2012


Cónh Lê

VỀ MỘT ĐIỆU MÚA HAY
TÂN’TUNG, DA’DĂ CỦA DÂN TỘC C’TU


          Như các tộc người anh em trong cộng đồng dân tộc Việt Nam,  tộc người C’tu cũng có một nền văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú và đa dạng, hình thành và tồn tại cùng với sự phát triển của tộc người. Văn hóa vật thể có nhiều loại, có thể minh chứng được ngay rằng một trong những loại văn hóa vật chất ấy điển hình là ngôi làng của người C’tu. Làng người C’tu thường được xây dựng theo mô hình hình tròn hoặc hình bầu dục; trong làng ấy, ở giữa có một ngôi nhà chung, C’tu gọi Gươl. Đây là tài sản chung do cộng đồng làng góp công



góp sức dựng nên, là nơi thể hiện chức năng hội họp, sinh hoạt cộng đồng, liên quan đến đời sống dân làng và còn là nơi đặt những vật hiến tế của làng thờ cúng thần linh. Gươl là tài sản chung nên được toàn thể dân làng chăm sóc, sửa sang duy trì, bảo dưỡng hằng năm. Do tính trang nghiêm như vậy nên người ở lại Gươl ngủ qua đêm chỉ là đàn ông và trai trẻ son rỗi còn những người mang tang, vợ có thai, hoặc mới cưới vợ hay đàn bà con gái không được ngủ tại Gươl.
          Trong kho tàng văn hóa phi vật thể của người C’tu còn có rất nhiều thể loại đáng tự hào và cần được giữ gìn, phát huy, phát triển trong cộng đồng dân tộc như ba’bóoch (dân ca C’tu), bh’ nóoch (hát lý), pr’ma (nói lý), các điệu dân ca, dân vũ dân gian… trong đó, có một điệu múa đặc trưng của người C’tu mang tính tập thể rất cao, diễn trình múa là sự kết hợp giữa nam với nữ, giữa tân’ tung và da’dă hòa với điệu thức của âm thanh cồng chiêng cùng với tiếng “hú” vang xa, cao vút như nốt nhấn hạ âm làm mạnh mẽ thêm cho ngôn ngữ múa. Có thể nói, đây là một điệu múa hay, vui nhộn thu hút nhiều người tham gia mặc dầu không qua tập luyện dài ngày, đó là điệu múa tân’tung, da’dă.
          Tân’tung là điệu múa dân vũ cho đàn ông, con trai và da’dă là điệu múa cho đàn bà, con gái. Trong những lần sinh hoạt dân ca dân vũ, tất cả cùng múa và nhịp bước trong cùng một vòng tròn, chân bước đi ngược kim đồng hồ, sôi động, rộn ràng trên nền nhạc của tiếng trống, cồng chiêng vang vọng núi rừng bao la.
          Tân’tung hay còn gọi t’ung theo nghĩa của tiếng C’tu là vươn lên cao, sôi động hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa và vững chãi hơn nữa… Đó là biểu hiện của khát vọng chinh phục vũ trụ, muốn đưa con người vươn lên ở tầm cao mới trong không gian thoáng đãng, hằng mong cuộc sống mới tốt đẹp hơn. Với ý nghĩa lớn lao như vậy, ta hiểu điệu múa này thể hiện rất nhộn nhịp, rất mạnh mẽ và hùng dũng. Điệu múa chỉ dành cho nam thanh niên khỏe mạnh, thể hiện bằng những nhịp điệu mang bản sắc của tộc người C’tu. Được nghe và xem trình tấu điệu múa này, ta có thể nhận biết ngôn ngữ múa gởi gắm niềm hy vọng vào lớp thanh niên trai tráng C’tu vươn lên tiếp bước truyền thống những người đi trươc giữ gìn và bảo vệ quê hương núi rừng.
          Để thể hiện điệu múa tân’tung một cách sinh động giữa đại ngàn, đàn ông mặc khố, choàng một áo dệt bằng thổ cẩm, chân đi trần lết đất, tay nắm chắc cây khiên, cây dáo, cây mác hay cây dụ, hoặc không thì nắm chắc tay bạn bên cạnh tung đôi tay lên vừa bước vùa hú một cách tự tin, sôi động và hùng dũng, thể hiện sức mạnh của trai làng, không sợ khi đương đầu với khắc nghiệt của thiên nhiên hay kẻ thù đến phá hại, đồng thời còn thể hiện niềm động viên vững tin, yêu cuộc sống, yêu làng quê, yêu núi rừng và nhắn gởi bằng thông điệp vũ điệu và ngôn ngữ múa hãy vui lên, vươn lên mãi trong cuộc sống bình yên hòa với màu xanh của núi rừng, bản làng quê cha đất tổ.
          Da’dă theo tiếng C’tu có nghĩa là thẳng hàng, nhịp đều, mang khát vọng của ý nghĩa tâm linh là đón đợi, ơn đất nghĩa trời, trung thành với người, thương trên nhường dưới, nâng đỡ kẻ yếu hèn… Theo với điệu múa ta nhận ra đôi chân thẳng đứng, đôi tay vuông góc và cánh tay song song với thân mình, động tác múa còn thể hiện sự đứng đắn chung thủy và không bị khuất phục trước kẻ gian ác, bạo tàn…Với ý nghĩa đó, điệu múa da’dă dành cho phái đẹp vốn tính thùy mỵ, thương chồng yêu con, yêu núi rừng, quê hương đất nước, thầm lặng hy sinh phận gái tất cả vì sự sinh tồn, phát triển của nhân loại.
          Để thể hiện điệu múa da’dă mang đặc trưng bản sắc dân tộc, phụ nữ mặc váy dệt bằng thổ cẩm nhiều hoa văn với những sắc màu sinh động, vai trần lộ, cổ đeo vòng cườm, hai tay đưa lên ngang vai, cánh tay vuông góc song song với thân mình, bàn tay ngửa, thẳng ngón về phía sau thể hiện sự mừng rỡ đón đợi vật thiêng, mắt nhìn thẳng, miệng luôn tủm tỉm cười, chân đi trần nhón gót lên lết tròn ngược kim đồng hồ. Theo đó, động tác múa uyển chuyển, đều đăn, nhẹ nhàng và quyến rũ.
          Trong điệu múa da’dă một điều ít người quan tâm để ý, đó là giữa cánh chỏ tay trên luôn thẳng hàng với gót bàn chân đang nhún nhảy nhẹ nhàng trên mặt đất, chính từ đó, sự “ràng buộc” tạo cho bước đi đều đặn theo một quy tắc “đặc trưng” của điệu múa da’dă cổ kính và đặc sắc. Như vậy, điệu múa da’dă khi hiểu rõ nội hàm của nó ta nhận biết được ý nghĩa sâu sắc, thể hiện tính nhân văn của múa, đó là hướng đi chung của vòng múa luôn luôn ngược kim đồng hồ để tiến về phía trước một cách nhịp nhàng, đồng bộ. Còn nhịp riêng của từng người theo điệu múa bao giờ cũng xoay vòng trò nhỏ quanh bản thân mình theo chiều quay của kim đồng hồ. Như thế có nghĩa là toàn thể vòng tròn của điệu múa di chuyển chậm và ngược kim đồng hồ, theo nhịp điệu cồng chiêng và tiếng trống thập thình; ngược lại mỗi cá nhân trong tập thể múa lại nhịp nhàng trên đôi chân và nhẹ nhàng quay thân mình theo chiều thuận kim đồng hồ. Do đó, khi tham gia vào vòng  tròn trong điệu múa tân’tung, da’dă ta nhận biết ra rằng tập thể vòng múa di chuyển từ trái sang phải, còn từng người tự quay vòng tròn quanh mình, chân nhún nhẹ nhàng luôn thực hiện động tác từ phải sang trái. Điều này cho chúng ta nhận thấy giống đàn chim hạc trên mặt trống đồng Đông Sơn cổ xưa luôn bay ngược kim đồng hồ là thể hiện nhớ về quá khứ, hướng về cội nguồn, tổ tiên, “ăn quả nhớ người trồng cây”, vòng múa da’dă cũng thể hiện rõ điều đó. Còn động tác nhúm chân xoay tròn quanh mình theo chiều quay kim đồng hồ là biểu hiện cho hướng tới tương lai, cho khát vọng dựng xây cuộc sống mới ấm no, tự do, hạnh phúc. Mặt khác, nếu ta nhìn từ trên cao xuống, phát hiện ra sự ẩn dụ về vũ trụ được tái hiện lên trong các làng quê của đại ngàn hũng vĩ. Ngọn lửa được đốt lên ở trung tâm được xem như ánh lửa mặt trời luôn tỏa sáng, vòng tròn múa chung quanh ánh lửa được ẩn dụ như đường hoàng đạo của trái đất đang quay quanh mặt trời để có bốn mùa xuân, hạ thu đông, còn mỗi cá nhân trong vòng tròn được ẩn dụ bí ẩn vừa quay chung quanh mặt trời và đồng thời tự quay chung quanh mình nó để có ngày đêm như nhịp điệu tân’tung, da’dă xoay tròn. Một hệ vũ trụ được dựng lại, sinh động, nhịp nhàng cùng với điệu thức của tiếng trống thập tình và âm thanh cồng chiêng âm u ngân dài tan vào vũ trụ bao la, động đến từng trái tim nhân loại và thấu đến thần linh. Dưới tầm nhìn từ trên cao xuống như một hệ mặt trời nào có khác đâu! Và chính từ đó, con người nhận được ánh sáng mặt trời, có ngày, có đêm và có tất cả cho sự phát triển lâu dài. Và đấy cũng chính là ước vọng của người C’tu được gởi vào trong điệu múa tân’tung, da’dă của mình.
          Tân’tung và da’dă là điệu múa hòa trộn cho thấy sự hiệp lực của nam thanh, nữ tú cũng là âm dương trong vũ trụ bao la xảy ra trong cùng một thời gian và xoay vòng trong một vòng tròn nhất định. Tuy nhiên tự nó  thể hiện một nguyên tắc sau khi giàn trống chiêng ra sân vang lên “tinh toàng…”, “tư…tư”, “từng… từng…” thì bao giờ người con gái cũng bước ra múa trước, hết lượt con gái, nối tiếp hàng con trai và nếu người đông một vòng chật thì tạo thành hai vòng tròn cùng nhảy múa một lúc. Song, tự nó luôn sắp xếp đi trước là nữ, sau là nam; vòng trong là nữ, vòng ngoài là nam. Phải chăng chính điều này nói lên rằng tộc người C’tu tuy không phải theo chế độ mẫu hệ nhưng lại giành cho đàn bà con gái sự “ưu tiên” hơn cả, ngay trong văn hóa, nghệ thuật cũng thể hiện điều đó. Trong một gia đình khi hai vợ chồng đi làm, trên đường ra nương rẫy, người vợ luôn là người đi trước.
          Múa tân’tung, da’dă là điệu múa dân gian, dân vũ truyền thống lâu đời của người C’tu, nay đã có một vài đoàn nghệ thuật đã “nâng cấp hay mở rộng” thêm để nâng giá trị về mặt nghệ thuật phù hợp với thời đại mới, dầu vậy điều đáng mừng là “cái gốc” của điệu múa này vần còn được lưu truyền, bảo tồn, và gìn giữ, đặc biệt là trong những lần sinh hoạt văn hóa làng. Các đội múa của huyện xã luôn được nhân dân đón đợi và mến mộ như thuở ban đầu của nó.
          Tuy nhiên vẫn có khó khăn trong việc duy trì, bảo tồn phát huy và phát triển dễ dẫn đến thất truyền nhất là trong giai đoạn toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế đang diễn ra hiện nay. Do đó cần có biện pháp cụ thể, thích hợp, đầu tư thật sự cho lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, tạo điều kiện cho văn văn hóa, nghệ thuật phát triển cùng với phát triển kinh tế - xã hội. Hy vọng rằng trong đầu tư phát triển đó có điệu múa tân’tung, da’dă của dân tộc C’tu.
          

Không có nhận xét nào: