Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

Mục đồng chạy cờ


Cẩm Lệ
Mục đồng chạy cờ

Đoàn rước Thần Nông về đến đình làng, sắc phục của trăm mục đồng không lộng lấy, rực rỡ, có anh không đẹp vì không lành lặn nhưng vì thường ngày họ ăn mặc sơ sài, rách rưới đến lúc này y phục của nhiều mục đồng, họ mặc đồng bộ nên trông anh nào anh nấy như lạ lẫm. Chiếc kiệu lớn của làng được đưa vào chính điện, các kiệu còn lại của các chư phái tộc nối tiếp nhau thành một hàng kéo dài đến tận phía ngoài bức bình phong. Bên trong đình lại một đợt cúng thần như lễ vọng, chỉ khác là lễ vật lúc này nhiều hơn, phong phú chủng loại hơn và trang pháo ngoài sân cũng gây nhiều rộn ràng hơn. Lễ tất.
Liền sau đó là cuộc chạy cờ mục đồng. Đây được xem là tiết mục không thể thiếu trong lễ hội Mục đồng bởi sự hấp dẫn, lôi cuốn của chạy cờ trong phần hội Mục đồng. Từ lúc đoàn Mục đồng về đến đình thì phía sau số mục đồng trực các trụ cờ lần lượt triệt cờ theo. Khi đoàn rước về đến đình thì hàng trăm ngọn cờ đã tập kết chỉnh tề chỗ bụi tre đầu làng. Những tay cờ yếu đuối được thay ngay bằng những mục đồng khỏe mạnh. Cuộc chạy cờ đã sẵn sàng.
            Khách xem lễ hội trông chờ reo lên thích thú. Một mục đồng sành sỏi cuộc chạy cờ vừa khỏe, vừa vui nhộn nhất trong đám Mục đồng được lựa chọn làm người đầu đàn cho cuộc chạy cờ. Khuôn mặt anh mục đồng rám nắng trông bành bạnh được tô điểm thêm bằng chiếc khăn đầu rìu trông rất ưa nhìn. Anh mục đồng còn mặc chiếc áo nẹp đỏ, cùng chiếc quần màu cháo lòng cột ống ngang đầu gối, lưng anh thắt một dây thao màu đen. Mục đồng hóa trang có cài thêm bộ râu bằng râu bắp loăn xoăn khá lạ mắt. Quân lính (là các anh mục đồng) của anh ta toàn đầu trần chân đất, áo quần không đồng bộ anh rách, anh lành chỉ có cái dây lưng bốn múi là giống nhau. Tất cả chen xen nhau trông lạ mắt người tứ phương xem hội chạy cờ.
            Chiêng trống được đưa tất cả ra hiên đình. Đoàn chạy cờ đang kéo đi từ bụi tre về đình theo hàng dọc chờ lệnh xuất phát. Họ còn cách cổng đình chừng vài chục thước. Sau ba hồi trống hiệu, anh Mục đồng cho đoàn dừng lại làm một đợt: Hô! Chúng mục đồng Phong Lệ ta…” Tiếng reo: Giá… hạ!... Liền theo đó người xem reo vang lên giá…hạ…! thật lớn và sôi nổi. Trong không khí đó, chiêng trống chuyển sang đánh hồi một rộn rã. Cuộc chạy cờ sôi nổi ngay từ đầu. Anh mục đồng thét to lên một tiếng và chạy dần lên. Tất cả các mục đồng làm theo đúng hệt. Luật chạy cờ chỉ có vậy. Ai bắt chước chận luật thì lập tức bị thay ra nghỉ. Với họ, một sự đánh giá công khai như thế là điều không thể chịu nổi, nên cuộc chạy cờ là một việc làm biểu hiện sức khỏe và tinh thần hăng hái nhất của các mục đồng. Anh mục đồng dẫn đầu đoàn chạy cờ phải tạo ra những ngón thật ngộ nghĩnh, thật lạ, vừa mới sáng tạo ra. Cách chạy cờ của mục đồng phải khớp với tay đánh trống, mục đồng đổi thế chạy ra sao, trống phải chuyển cho kịp lúc.
            Đoàn Mục đồng chạy rẻ hàng đôi xồng xộc về hướng đình. Gần đến cổng, người xem hò hét rộ lên từng đợt, từng đợt, giạt ra nhường lối cho họ vào sân đình thì bỗng nhiên tiếng trống đổi nhịp, họ hú lên một tiếng chói tai, quặt gấp lại, xoáy thành hai vòng tròn xoắn ốc rực rỡ cờ mục đồng trên mấy đám ruộng khô trước cổng đình. Mỗi khi anh mục đồng nhảy dựng lên, tức thì cả đoàn phải chuẩn bị chuyển trò mới. Họ vừa chạy, vừa hú lên khi bổng, khi trầm những hư từ “hi”, “ha”, “hu”, “hô”…và liền sau lập tức được đoàn mục đồng chạy cờ reo to hơn lên nữa, những người ngoài cuộc cũng tham gia hô lớn hơn thêm tạo thành một âm thanh vang động một góc làng. Sôi nổi!
            Anh mục đồng dẫn đầu chợt đổi chạy lúp xúp thành nhảy lò cò một kiểu lạ mắt, chân co lên không phải quặp về phá sau mà rảy rảy sang một bên. Trẻ em cười ré lên, các mục đồng làm theo cách nhảy này, từng đợt nối đuôi chạy theo. Các vị Trùm chỉ, Trùm phụ giơ roiu mót ra uy hiếp những trẻ em làm mất trật tự cuộc chạy cờ.
            Đoàn chạy vào đến sân đình, tiếng trống chiêng chuyển thành tiếng trống ngũ liên thôi thúc. Mục đồng đầu đàn dẫn cả đoàn chạy theo hình chữ chi trên sân đình, đôi lúc bổng dưng nhảy dựng lên,lại phóng ngọn cờ lên cao thêm nữa, rồi chính sự bắt chước làm theo của đoàn mục đồng chậm chạp làm cho cuộc chạy cờ thêm phần hấp dẫn, độc đáo. Đoàn chạy cờ như một con rồng to lớn cuộn mình trườn lên một cách hùng hổ.
            Đoàn chạy cờ diễn lắm trò, mà trò nào cũng khiến khách tứ phuwong phải theo dõi xem mải mê, không chán. Thấm mệt. Nhịp trống trở lại khoan thai. Họ đi từ từ, chỉnh đốn đội hình hàng tư, trình diện trước đình Thần Nông. Lại một đợt hô vang: Hô! Chúng mục đồng Phong Lệ ta. Xin cho tốt lúa tốt geo, vũ thuận phong điều, mừng reo một tiếng… Giá…hạ…!
            Cuộc chạy cờ kết thúc.
            Sau mỗi đêm rước Thần nông, cờ được đem về cắm hai hàng ở đình Thần nông. Đèn đuốc được thắp sáng suốt đêm. Đội giáo tuồng khẩn trương chuẩn bị cho công việc diễn hát trong những ngày sắp tới. Bên ngoài khuôn viên đình Thần nông người đông tấp nập, hàng quán được dựng lên bán nhiều món ăn nhà quê, dân dã. Các trò chơi giải trí hoặc lấy hên xui qua các loại bài: tào cáo, xóc dĩa... diễn ra tấp nập.
            Ba ngày rước Thần nông người đông như hội, có người từ trên nguồn xuống, từ trong ra, biển lên, ngoài vào tụ lại tại làng Phong Lệ để coi rước lễ.
Sau lễ tất, phẩm vật được bày biện trên ba hàng chiếu hoa từ trong ra đến hiên đình. Hàng chiếu hoa gian chính điện gồm các thành phần viên chức, ngũ hương, các bậc bô lão, những người cao niên trong làng ngồi dự. Hai gian tả hữu dành riêng cho trẻ mục đồng hưởng “lộc huệ” của thần, được quyền “ăn nói, vui cười” mà trong đời họ bất quá cũng chỉ được một vài lần tham dự lễ với tư cách là mục đồng đã là nhiều lắm rồi. Trong vui chơi ăn uống, trẻ mục đồng trao đổi, tuyển chọn những mục đồng lớn tuổi, cầm cờ khoẻ, múa hay, biết võ nghệ, biết hò khoan đối đáp đôi câu để  đến chiều tan tiệc, sang Hoá Động (Hoá Giáng, Giáng Động, Giáng Đông) cạnh làng Phong Lệ để tham gia “đấu vật” truyền thống Giáng đông đấu vật được tổ chức cùng một dịp với Lễ hội Mục đồng. Chính vì lẽ đó, đến Phong Lệ ta gặp thành ngữ quen thuộc gắn liền hai lễ hội cùng một thời điểm là “Phong Lệ Mục đồng/ Giáng Đông đấu vật” là vậy. Sau mấy hiệp đấu vật, trời chiều đậm trên luỹ tre làng, họ lại nuối tiếc chia tay nhau trở về với những tháng ngày cũ, trở về với thân phận chăn trâu, có người vừa chăn trâu, vừa là đầy tớ ở đợ làm thuê giúp việc cho nhà chủ. Tại nhà chủ, tiếng cười chua chát lại có dịp cất lên.

Không có nhận xét nào: