Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

Quan hệ và tác động của văn hóa làng trong xây dựng nông thôn mới


Võ Văn Hòe



Quan hệ và tác động
của văn hóa làng
trong tiến trình xây dựng
nông thôn mới



     Cùng với quá trình phát triển và xây dựng xã hội ngày văn minh giàu đẹp, theo đó một nền văn hóa làng/nông thôn được xây dựng trên cơ sở hạ tầng của nền văn minh nông nghiệp lúa nước. Từ các yếu tố cổ truyền của văn hóa làng được duy trì và phát triển trong xã hội nông nghiệp đến xã hội đương đại ngày nay là cả một quá trình dài lâu trong lịch sử phát triển. Nền văn hóa làng tồn tại lâu đời, đa dạng và độc đáo, gạn lọc những thành tố đã được cộng đồng làng công nhận, giữ gìn, bảo vệ, phát huy, phát triển thì đó đã trở thành văn hóa truyền thống của làng đi theo năm tháng cuộc đời của mỗi cá nhân trong cộng đồng làng. Bản sắc văn hóa làng theo đó được hình thành. Xã hội thời xưa là xã hội nông nghiệp, lấy nông làm chính nên “nông vi bản” là trọng tâm dưới sự quản lý của chế độ phong kiến [1], theo đó làm nảy sinh văn hóa làng xã, sinh hoạt văn hóa cũng theo đó thực hiện cho phù hợp. Làng có khoán ước, khoán lệ hoặc hương ước là công cụ để cai quản làng. Từ đó dần hình thành nên văn hóa truyền thống của cộng đồng làng.
            Văn hóa làng trong quá khứ do cha ông chúng ta xây dựng nên, do xuất phát từ hạ tầng cơ sở nông nghiệp nên văn hóa gắn chặt với nông thôn, tất cả gia can sự nghiệp đều bắt nguồn từ đất đai, điền thổ mà ra, trong đó yếu tố của văn hóa dân gian chi phối phần lớn tới sự hình thành văn hóa của làng. Và đây chính là nơi nuôi dưỡng, bảo lưu, phát huy và phát triển văn hóa dân tộc. Thế nên, ngày nay trong xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú, đa dạng, đưa phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả,… chú trọng nâng cao đời sống văn hóa ở nông thôn, vùng khó khăn, thu hẹp dần khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, các nhóm xã hội, giữa đô thị và nông thôn là nhiệm vụ chủ yếu.
            Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới như hiện nay, tác động của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào làng quê ngày càng sâu sắc và dữ dội để tạo nên sự biến đổi theo hướng hiện đại của đơn vị cộng đồng làng, làm cho làng quê chuyển biến theo hướng văn minh hiện đại. Nhưng đồng thời phải giữ được những giá trị truyền thống độc đáo của văn hóa làng cổ truyền trong phát triển mới. Hiện nay do tác động mạnh mẽ của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các làng quê sẽ nhanh chóng biến đổi không chỉ về mặt kinh tế mà sẽ diễn ra sự biến đổi lớn lao trong tất cả các mặt của đời sống nông thôn, trong đó có các thành tố của phong tục, tập quán cũ, các mối quan hệ giữa tha nhân cũng biến đổi theo. Chắc chắn yếu tố nhược tiểu xuất phát từ nông nghiệp tiểu nông theo đó sẽ không còn chỗ để tồn tại. Đã và đang xuất hiện và diễn biến sự đấu tranh dằng co giữa cái cũ và cái mới trong phát triển văn hóa làng. Khi làng không còn là đơn vị hành chính khi phố xá xuất hiện làm cho tâm lý, các mối quan hệ có thay đổi mà dấu hiệu dễ nhìn thấy là nếp sống cũ, tâm lý nông nghiệp an phận thủ thưởng tồn tại lâu đời có dấu hiệu dùng dằng với nếp sống đương đại. Tư duy công nghiệp, khoa học do sự tác động của quá trình xây dựng nông thôn mới mang lại sẽ dần thay thế những quan niệm cũ từng một thời gian dài ngự trị trong tâm lý người dân. Đầu thế kỷ thứ XX, phong trào Duy Tân nổ ra, ảnh hưởng của phong trào trong quần chúng rất rộng lớn và theo chiều hướng tích cực. Tất nhiên chiến thắng sẽ thuộc về cái mới và phát triển theo hướng phù hợp với các yếu tố văn hóa cổ truyền của làng quê, bởi nếu không phù hợp với yếu tố truyền thống thì không có sự phát triển chuyển tiếp và xem như văn hóa của cộng đồng bị đứt đoạn.
            Nhưng không phải văn hóa truyền thống làng quê chịu sự phủ nhận của văn hóa xuất phát từ công nghiệp hóa, hiện đại hóa một cách dễ dàng ngay tại địa bàn mà vốn các yếu tố văn hóa cổ này hình thành, phát triển và đã ăn sâu vào tâm lý của từng thành viên trong cộng đồng làng. Những thành tố văn hóa xuất phát từ văn minh nông nghiệp, pha trộn với các yếu tố sinh hoạt tín ngưỡng địa phương mà thời nay xem là cũ và lạc hậu, xem ra vẫn còn song song tồn tại đồng thời với các thành tố mới đang trong quá trình biểu hiện tính hiện thực của nó. Mặt khác, lối sống ích kỷ, luộm thuộm, khề khà,…của xã hội tiểu nông nghiệp vẫn còn tồn tại trong tâm lý của cư dân cộng đồng làng, mà không chỉ là làng, các khu dân cư chuyển tiếp giữa làng - phố vẫn còn. Những dùng dằng, đấu tranh nhau để tồn tại đang diễn ra quyết liệt trong tiến trình xây dựng nông thôn mới. Không chỉ đến bây giờ mà ngay từ những năm đầu thế kỷ XX, những dùng dằng này đã được cụ Phan Bội Châu viết trong sách Việt Nam quốc sử khảo: “Thờ cúng tổ tiên là để tỏ rằng không dám quên ơn người xưa, nhưng chỉ nên trai giới để tỏ lòng kính, ngồi yên tưởng nhớ để tỏ lòng thương. Như vậy đã là đủ rồi. Chưa một ai chết rồi mà còn có thể ăn thịt, uống rượu được. Nếu như tổ tiên có thể ăn uống được mà suốt trong một năm chỉ được cúng trong một ngày giỗ thì chắc là chết đói mất, kẻ làm con đời nào lại nhẫn tâm làm như vậy” [2]. Thực tiễn ngày nay có thể đối chiếu để có thể hiểu thêm sự dùng dằng trong việc giữ gìn hay loại bỏ và chỉnh sửa các yếu tố văn hóa cũ. Và không chỉ có thế, lại xuất hiện cùng với công nghiệp hóa, hiện đại hóa xây dựng nông thôn mới là các thành tố văn hóa ngoại lai, sống xem đồng tiền là hơn cả, ưa cờ bạc, mại dâm, ma túy, nhậu nhẹt…từ đô thị tràn về các miền quê ào ạt, tấn công và nảy nở vào giai đoạn chuyển tiếp giữa xóa bỏ yếu tố văn hóa cũ, lạc hậu với xây dựng văn hóa mới, phù hợp cuộc sống nông thôn mới. Các nhà hoạt động văn hóa phải đối xử với các yếu tố phi văn hóa này như thế nào cho phù hợp?
            Từ khi Nghị quyết Trung ương V, Khóa VIII về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc ra đời và được thực thi, liền đó các làng quê bắt đầu khởi sắc. Có hai xu hướng được nhìn nhận xuất phát từ thực tiễn hoạt động văn hóa làng. Một là, các hoạt động văn hóa cổ truyền được khôi phục, lễ hội cũng được khôi phục, phục dựng lại, phục vụ nhu cầu đời sống tinh thần của người dân trong cộng đồng làng. Điều này thể hiện ở sự khôi phục lại các yếu tố văn hóa của xã hội truyền thống: lễ nghi, tiệc tùng, hội hè trong sinh hoạt tại các khu dân cư (trong quá trình xây dựng nông thôn mới) có khuynh hướng phổ biến ngày càng nhiều hơn, lớn hơn, to hơn. Ngày nay, các làng, khu dân cư chuyển tiếp tại ngoại thành Đà Nẵng người ta cúng xóm (tức là cầu cho xóm được yên ổn) không phải tại miễu xóm như xưa kia mà bày soạn che rạp ra giữa ngã ba đường để cúng. Hai là, tỏ ra không mấy quan tâm đến các yếu tố văn hóa, văn nghệ truyền thống, đôi khi thờ ơ với truyền thống đạo lý cổ truyền, không hưởng ứng với một số loại hình văn hóa được thời nay quy định, đặc biệt là sự ứng xử giữa tha nhân với nhau, với sự phát triển của các thành tố văn hóa tích cực khác. Trong quá trình đấu tranh phủ nhận nhau cần thiết có sự phát huy, sử dụng, truyền bá và phát triển các thành tố văn hóa còn phù hợp trong cuộc sống đương đại của người dân nơi các làng quê; đồng thời, trả các yếu tố ấy lại cho các làng, tạo nên môi trường thuận lợi cho các yếu tố tích cực này được phát huy, được thể hiện. Trên cơ sở thực tiễn đó mới có tiến trình tiếp diễn của sự sáng tạo, phát triển làm phong phú thêm văn hóa truyền thống của làng. Cũng trong tác phẩm Việt Nam quốc sử khảo, cụ Phan Bội Châu viết: “Nếu cho là nếu không có thần thì nỡ nào vứt một số tiền hữu dụng để cúng tế những cái mô đất, tượng gỗ vô ích như thế? Nếu cho là có thần thì thần cũng chỉ là một hơi hương phảng phất, đời nào lại đi ăn nhờ các thức ăn, hơi khói lửa của nhân gian để sống? Nếu không có thần thì ta không cúng tế cũng được. Nếu có thần thì nên cúng tế với hình thức ăn chay mà thôi. Còn ăn uống no say, giết hại sinh vật mà bảo thế là kính thần thì thật vô lý. Lấy việc đó để mà kính thần, thần nhất định không ban phúc” [2]. Và như thế, ngày nay trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa xây dựng nông thôn mới, sự dùng dằng giữa các thành tố văn hóa cũ và nếp sống văn hóa mới đang trong quá trình phủ định lẫn nhau.
Văn hóa gia đình rất quan trọng, bởi gia đình là nơi loại trừ hay tiếp nhận và duy trì các thành tố văn hóa tiêu cực/tích cực. Cho nên “…xây dựng và triển khai chiến lược quốc gia về xây dựng gia đình Việt Nam, góp phần giữ gìn và phát triển những giá trị truyền thống của văn hóa, con người Việt Nam, nuôi dưỡng giáo dục thế hệ trẻ. Đúc kết và xây dựng hệ giá trị chung của người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” [1]. Làm được điều này tùy thuộc vào cả hoạt động quản lý văn hóa, vào vai trò của văn hóa gia đình. Gia đình được xem là tế bào của xã hội thì trong văn hóa cũng chính là sự tỉ dụ của sự quan trọng về mặt văn hóa. Trong một gia đình mà gia phong, gia giáo, gia đạo mất thì gia thế cũng mất, mà nhiều gia đình mất như vậy thì tế bào có vấn đề cần xem xét lại, nhất là truyền thống văn hóa gia đình ở các làng quê, cũng bởi văn hóa gia đình góp các thành tố làm nên văn hóa làng để đến lượt văn hóa làng quê đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong sự hình thành văn hóa dân tộc. Gia đình, làng là cái nôi nuôi dưỡng văn hóa dân tộc (nước), ở đó từng chặng đường lịch sử hình thành nên bản sắc văn hóa dân tộc. [2]
            Và từ đó, cũng diễn ra quá trình biến động vừa loại bỏ những thành tố cũ trong văn hóa làng, vừa đồng thời tiếp nhận các quy định mới để xây dựng đời sống văn hóa tương thích với sự phát triển của tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong xây dựng nông thôn mới thì sự tác động của văn hóa làng là rất được quan tâm đúng mực. Hiện tại có sự dằng co giữa xây và chống, trong thế có sự loại trừ nhau giữa hai mặt đối lập thì xây dựng cái mới tương thích chiếm ưu thế hơn. Tuy nhiên sự tác động của văn hóa làng xã ngày trước (những thành tố tiêu cực) vẫn là sự níu kéo, làm trì trệ sự vươn lên, tiếp nhận các thành tố mới phù hợp.
            Đây quả là vấn đề lâu dài, mà đáp số sẽ xuất hiện cùng với sự phát triển đời sống vật chất của cộng đồng làng.
           
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Tuyên giáo Trung ương, Tài liệu nghiên cứu các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, NXB. CTQG, Hn, 2011.
2. Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Khoán định – Hương ước và nếp sống văn hóa làng xứ Huế thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XX, NXB,Thời Đại,  2011.
3. GS Trần Thanh Đạm, Văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế,  Tạp chí Hồn Việt, Số 13, 7/ 2008.
4. Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch TP. Đà Nẵng, Bản thảo: Đề án Xây dựng đời sống văn hóa Đà Nẵng giai đoạn 2011 – 2015.

                      


an nam 4.tif
 
 








[1] Từ thời nhà Chu của Trung Hoa, thực hiện chính sách thiên tử cấp đất ruộng cho các thân vương, công thần tức phong đất, ruộng để họ lập thành thái ấp, tức kiến quốc. Gọi ghép là phong kiến. Các thân vương có trách nhiệm nộp thuế, cấp người làm lính cho thiên tử. Chính sách này đến đời nhà Hán thì bỏ. Ở Việt Nam ta có phong tước cho các thân vương, công thần nhưng không cho lập/kiến quốc mà cho kiến điền thổ, theo đó gọi là phong kiến.
[2] Bản sắc trong bản sắc dân tộc: Cuối thế kỷ XX, tổ chức Unites Nations Educatinal Scientific and Cultural  Organization (UNESCO) theo sáng kiến của vị Tổng thư ký lúc bấy giờ, người Senegal là Amadou Mahtar M’Bow đã chọn thập niên 90 làm thập niên văn hóa với sự đề cao cultural identity tức là nét đặc sắc riêng của dân tộc này khác với dân tộc khác, bảo vệ và phát huy tính đa dạng của văn hóa thế giới. Đó là một tư tưởng và chủ trương rất vĩ đại, có khả năng cứu vãn thế giới, nó xuất phát từ thế giới thứ ba, từ vị Tổng thư ký UNESCO nguyên là Bộ trưởng Giáo dục của nước Cộng hòa Senegal. Ông cũng là người khởi xướng và ủng hộ quốc tế đối với việc phục hồi và tôn tạo cố đô Huế của Việt Nam. Việt Nam ta đã tìm cách dịch chữ Identity ra tiếng Việt, hai chữ bản sắc được chọn và được thông dụng cho đến nay. Nó cũng đã đi vào NQTW V khóa VIII của Đảng: nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. (Xem GS Trần Thanh Đạm trong Văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Tạp chí Hồn Việt số 13, tháng 7-2008).

Không có nhận xét nào: