Thứ Hai, 26 tháng 3, 2012


Nguyễn Hữu Cảnh

AO LÀNG MỘT THỜI ĐỂ NHỚ

Ta về ta tắm ao ta
Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn
          Câu ca dao xưa in đậm trong ký ức mỗi người dân Việt Nam, gắn liền với niềm tự hào về bản sắc văn hoá, phong tục tập quán của quê hương. Cùng với bến đò, cây đa, giếng nước, sân đình, cái ao làng là biểu tượng cho nét đẹp văn hoá của quê hương làng xã.
          Ở mỗi vùng miền trên đất nước Việt Nam, tuỳ theo điều kiện tự nhiên mà có những cái ao, số lượng và kích cỡ khác nhau. Hình ảnh ao làng trong thơ Nguyễn Khuyến "Ao thu lạnh lẽo nước trong veo" (Thu điếu). Vì là vùng đồng chiêm trũng ở nông thôn Bắc bộ nên xã Yên Đỗ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, quê hương nhà thơ có nhiều ao và ao nhỏ. Ao nhỏ nên thuyền câu "bé tẻo teo".
          Cũng như bao làng quê khác, làng Cẩm Nê quê tôi xưa kia có cây đa cổ thụ, bến đò, bến lội Bà Bác, cầu tre bà Khoá Trang, có đình làng hàng trăm tuổi mái ngói rêu phong... Nhưng có lẽ xúc động nhất là cái ao làng quen thuộc. Làng Cẩm Nê thuộc xã Hoà Tiến, huyện Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng, cách trung tâm thành phố chừng 15km về phía Tây Nam. Làng được bao bọc bởi con sông Hưng Yên phía Bắc và sông Con phía Nam. Do thấp trũng nên làng có nhiều ao. Hầu như một mạng lưới ao đìa mọc lên dọc bờ sông Con từ đầu đến cuối làng. Ao dùng để nuôi cá và lấy nước tưới vào mùa khô hạn. Trong vườn nhà mỗi gia đình cũng có ao nhỏ dùng để lấy nước sinh hoạt và phục vụ đời sống.
          Đáng kể nhất là cái ao làng. Gọi là ao làng vì ao có đường kính rộng hơn cả, to và sâu nhất so với các ao trong làng, lại ở vị trí trung tâm, gần đình làng. Những năm khô hạn kéo dài, các ao trong làng đã cạn riêng ao làng vẫn đầy nước.
          Cuộc sống quê tôi gắn liền với bờ ao giếng nước. Buổi trưa mùa hè mẹ tôi ngồi dưới lũy tre xanh cạnh bờ ao phe phẩy chiếc quạt mo cau đón từng ngọn gió nồm từ sông Hưng Yên thổi về mát rượi. Đêm đến tiếng cuốc kêu ngoài bờ ao nghe sao mà khắc khoải... Lũ trẻ chúng tôi thả bồng bềnh những chiếc thuyền giấy trên mặt ao mà lòng gợi mở bao chân trơi mơ ước. Mùa thu, khi nắng hanh vàng, còn gì thú bằng ngồi trên chiếc thuyền câu mà cảm xúc lâng lâng theo tiếng đuôi cá quẩy. Vào tháng ba ta, đất ruộng trên đồng làng đã được cày ải, nước về, những con ếch vàng từ hốc tre nơi bờ ao bơi ra thi nhau hòa tấu bản nhạc đồng quê. Đêm đến chúng tôi tay không rủ nhau đi bắt ếch. Thật thú vị khi thưởng thức món thịt ếch, đúng như tục ngữ đã nói "Ếch tháng ba, gà tháng mười"...
          Cứ ba bốn năm một lần, khi vụ lúa xuân hè đã được thu hoạch, cũng là lúc các bậc cao niên bàn việc tác ao làng. Lúc này quê tôi như vào hội. Trai tráng trong làng nhộn nhịp be bờ, chắn nước. Từ tờ mờ sáng những chiếc gàu sòng, gàu giai của các tay gàu lực điền hối hả hoạt động. Khi bóng ngả về chiều cũng là lúc ao làng vừa cạn. Nhìn những con cá tràu thân đen óng, cá giếc lưng trắng bạc, những con cá rô "biết gáy" nghiêng mình bơi lội vẫy vùng trong ao nước cạn trông thật thích mắt. Người trong làng đổ ra ao xem bắt cá. Từng đám người đen nhẻm vì bùn đất. Người đi trước bắt cá, đám trẻ theo sau "bắt hôi" ăn tàn. Tối đến, nhà nhà quê tôi bữa ăn như tiệc cỗ. Bố tôi cùng với những người bạn cày bên đĩa cá nướng ngà ngà say hàn huyên câu chuyện cho đến tận đêm khuya... Ao làng còn là nơi hò hẹn của bao trai gái "Đêm qua ra đứng bờ ao...". Dưới ánh trăng thanh, chị tôi và những người bạn gái, đôi gàu trên vai tiếng cười giòn tan bên bờ ao vào mùa hè khô hạn. Lũ trẻ chúng tôi cũng chơi trò chơi ao làng. Chúng tôi lấy những viên sỏi nhỏ bỏ vào ô kẻ trên mặt đất. Ô hai đầu to nhất được gọi là ao làng. Cuối cùng ao làng nào nhiều sỏi nhất là chiến thắng.
          Năm 1965 giặc Mỹ tràn lên, làng tôi lại có thêm nhiều cái ao mới dấu vết  những trận không kích của giặc Mỹ. Những hố bom điểm trên thân làng như mặt người bị bệnh đậu mùa lỗ chỗ. Bây giờ dưới lũy tre xanh, cạnh ao làng là nơi đặt thi hài, làm lễ truy điệu bao chiến sĩ cách mạng đã hy sinh trong các trận càn của giặc Mỹ, là nơi cuối cùng bao người mẹ tiễn con lên đường đánh giặc...
          Có thể câu ca dao xưa "Ta về ta tắm ao ta..." thể hiện sự hạn chế của người nông dân trong xu hướng hội nhập. Riêng tôi, ao làng như biểu tượng cho nét đẹp văn hoá truyền thống làng xã. Những giếng khoan, hệ thống nước máy sẽ thay dần cho các ao làng phục vụ đời sống sinh hoạt thời hiện đại. Hình ảnh ao làng một thời là nơi hội tụ tình làng nghĩa xóm, là tâm linh thiêng liêng của dân tộc Việt. 

Không có nhận xét nào: