Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

Tết của một thời thơ ấu


Ngô Văn Ban



Tết của một thời thơ ấu




          Khi thấy ba tôi bắc ghế đứng bên cây mai vàng trước nhà lặt sạch hoàn toàn lá trên cây là tôi biết Tết sắp đến. Thế là những cảm giác nôn nao, trông đợi mong cho mau đến ngày Tết đến với tôi, mặc cho người lớn lo chạy chợ kiếm tiền lo Tết thế nào không biết. Đối với tôi, những ngày Tết là những ngày thần tiên. Không những đó là những ngày được nghỉ học, được ăn nhiều bánh mứt ngon mà còn được xúng xính trong bộ áo quần mới, giày san-đan mới, mũ mới, được theo cha mẹ về nội, về ngoại, về nhà các anh, chú bác, cậu mợ … Đến nơi nào cũng được lì xì tiền, gom lại, một ít chơi lục cục lấy hên, còn lại ra giêng mua sách nhi đồng để đọc cho thỏa lòng ham mê sách của tôi.
            Khoảng 23-24 Tết tôi được mấy anh tôi dẫn đi giẫy mồ mả tại nghĩa trang làng. Nghĩa trang chỉ ít mộ được xây gạch xi măng, còn lại là mộ đất, cỏ mọc um tùm trên mộ và xung quanh là những cây gai che phủ. Sau khi giẫy sạch cỏ những ngôi mộ trong gia đình, các anh tôi và tôi đi xúc đất đắp lên mộ cho cao. Từ giẫy mả hay chạp mả cũng nói về việc tôi đi hớt tóc … ăn Tết. Quán hớt tóc của chú Năm dưới gốc cây muồng gần nhà tôi những ngày cuối năm thật là nhiều khách. Chú bảo chú còng lưng mỏi tay mỏi chân suốt ngày cắt, cạo, ngoáy tai và nhọc nhứt là những cái đầu tóc của những người hình như nhiều tháng không biết hớt tóc là gì. Đối với những đầu tóc như tụi trẻ chúng tôi thì chú “phớt” qua là xong. Chú bảy thợ may cắt trong thôn cũng tất bật ngày đêm cùng với vài người thợ “thanh toán” cho xong những chiếc áo chiếc quần cho người dân mặc Tết. Chú bảo, có năm, vừa giao xong bộ áo quần cho khách chú mới được tắm rửa kịp đến cúng giao thừa. Cửa hàng tạp hóa của bà Tám cũng vậy, gần giao thừa rồi mà vẫn có người đến mua cái tim đèn dầu hay mua một ít dầu lửa, cây đèn sáp ...
            Gần Tết, nhà nào cũng “tổng vệ sinh”, có nhà quét vôi mới lại. Trong nhà, bàn thờ tổ tiên được chăm lo nhiều nhất. Nào là chùi lại bộ đồ đồng sao cho thật sáng bóng, nào là bày biện trái cây bánh mứt, lọ hoa. Ba tôi bảo rằng cần bày biện trái cây trên bàn thờ, trong đó phải có bốn loại quả : mảng cầu (ta hay tây), trái dừa, đu đủ, trái xoài, để từ đó có câu “cầu dừa (vừa) đủ xài”, tức là cầu làm sao sang năm mới có vừa đủ tài lộc chi tiêu trong gia đình, không phải nợ nần ai, một ước muốn thật bình dị. Có gia đình phải chạy toát mồ hôi để có tiền trả nợ cho xong vào cuối năm, nếu không, chủ nợ đến đòi đầu năm thật là xui. Trên bàn thờ, một bình bông vạn thọ vun đầy hoa và một chồng bánh in làm bằng bột nếp, gói bằng giấy ngũ sắc. Hoa vạn thọ được người dân quê tôi quý trọng, hoa tương trưng cho sự thịnh vượng, an khang, phúc lộc lâu dài, hơn hoa mai chỉ là hoa báo hiệu mùa xuân.
Có vài nhà dựng cây nêu trước nhà. Cây nêu là cây tre nhỏ đủ lá, ngọn cao khoảng 3m, trên ngọn buộc lá bùa bát quái vẽ trên giấy hồng điều, lại treo tòng teng cái nồi đất trong chứa muối gạo và lá cờ phướn dài ngoằng phất phơ trong gió Xuân nhè nhẹ. Phần thân tre từ đất lên cỡ 1,5m chủ nhà có cột chiếc đèn nhỏ thắp bằng dầu lửa, được thắp sáng hằng đêm. Đến mồng bảy tháng giêng mới hạ nêu, ngọn lá cây nêu nhà nào còn xanh lâu thì tin rằng may mắn sẽ đến nhà đó.
Nhớ nhất Tết xưa là cả nhà gói và nấu bánh tét. Bọn trẻ chúng tôi thế nào cũng nài nỉ gói cho vài cái bánh ú. Đêm giao thừa, bên bếp lửa nấu bánh đầy ấm cúng của một gia đình sum họp. Má tôi còn làm dưa món, vài món bánh mứt, đi góp gạo tráng bánh tráng, đi chia thịt heo về hầm măng, đậu, mua con gà trống cúng ngày Tết …Má tôi cũng không quên mua bộ đồ cúng đưa và đón ông Táo, vàng mã, nhang đèn … Ngày đi  chợ Tết cuối năm được má dẫn đi cũng là ngày không bao giờ quên. Chợ làng thì bình thường trong những ngày thường, chợ Tết thì rộn ràng hơn, đông đảo hơn, bày bán nhiều hàng hóa đặc biệt cho người dân sắm Tết. Ngày 23 tháng Chạp, Ba tôi cúng đưa ông Táo về trời tại bếp. Lò bếp cũ được đưa ra để ở gốc đa, thay vào đó là lò bếp mới. Ngày trước chỉ nấu bằng than hay chụm củi.
            Trước khi đón giao thừa, cả nhà thực hiện việc … tắm tất niên. Má tôi nấu một nồi nước sôi thật to, bỏ vào đó một ít hoa bưởi cho thơm, rồi cả nhà múc nước đó pha nước lạnh mà tắm. Trời rét, nhà tắm không có phải tắm ở vườn, cắm mấy cái cọc tre rồi quây lá chuối khô, gió lạnh thổi ù ù, vừa tắm vừa run lập cập. Nhưng mà thích, người nhẹ nhàng gột rửa được những xấu xa, dơ bẩn cuối năm, để năm mới đón Tết cho nhiều may mắn.
            Chiều 30 tết, các món ăn được dọn lên cúng rước vong linh ông bà về ăn Tết với con cháu, còn gọi là cúng tất niên. Hương nhang nghi ngút khiến người ta lắng lòng, bồi hồi nhớ về những kỷ niệm xưa. Ngoài mâm cúng đất đai để cầu bình yên nơi mình ở, còn có một mâm cúng ngoài trời, cho các vong hồn không nơi nương tựa.
Đêm giao thừa, ngoài việc ngồi canh nồi bánh tét, còn có việc mà tôi rất thích thú là thấy được bộ quần áo mới, giày dép mũ mới mà má tôi bày biện ra cho cả nhà ngày mai mặc. Tôi săm soi suốt cả tối, nao nức nôn nóng cho mau qua đêm để sáng ra được diện vào.
Trước giờ giao thừa, ba tôi lại bày hương đèn đón ông Táo về ngự ở bếp. Rồi giao thừa đến, Ba tôi mặc áo dài khăn đóng cúng giao thừa. Chuông trống đền chùa trong làng khua vang. Giữa giờ phút thiêng liêng của đất trời vào xuân đó, nhà nào cũng đốt đèn nến, thắp tuần hương mới, khấn vái tổ tiên phù hộ cho gia đình được khỏe mạnh, buôn bán phát tài, con cái học hành tấn tới. Rất nhiều nhà còn đặt mâm lễ ngoài trời để cúng vái. Pháo cũng bắt đầu nổ giòn giã khắp nơi, vang động cả xóm làng, làm con chó Ky nhà tôi quá sợ chun vào gầm giường để trốn. Mùi thuốc pháo trộn với mùi hương trầm thơm ngát là hương vị đặc trưng của Tết, suốt đời không thể nào quên.
Ngày mồng Một Tết, Ba tôi đi cúng đình sớm, sau đó cả nhà đi thăm mộ ông bà, đi chùa, về nhà thờ Họ, về nội, về ngoại. Việc xuất hành đầu năm cũng được coi là quan trọng, đi giờ nào, hướng nào để sang năm mới gặp được nhiều may mắn. Việc xông đất cũng được coi trọng. Người xông đất phải được gia đình chọn người và mời trước. Đó là những người có cuộc sống đạo đức, gia đình hạnh phúc, có uy tín trong làng. Đó là chưa kể có những tục kiêng kỵ trong mấy ngày Tết : không được nói tục, không cau có, gắt gỏng, không quét nhà, xách nước ở giếng, không được hái trái cây trong vườn. Rồi gia đình đi chúc Tết từng nhà các Ông bà, chú thím ... Tôi được tiền lì xì trong những phong bao nhỏ màu đỏ. Sau khi đi chúc tụng năm mới, người lớn bắt đầu bày chiếu giữa nhà đánh bài tứ sắc. Trẻ con như tôi tha hồ cắn hột dưa tí tách, ăn nhiều mứt ngọt, uống nước xi rô màu vàng, màu đỏ ...
Người đi chơi xuân thật vui vẻ, đông đảo với bộ quần áo mới trên người. Gặp ai cũng vái chào, chúc Tết. Người lớn chơi xuân với những trò chơi mà ngày nay thấy vắng bóng. Những trò chơi được bày ở ven đường hay trên bãi đất trống trong làng. Nào là xóc dĩa, đá gà, lục cục … Tôi cũng đến nơi coi chơi bài chòi. Có chín cái chòi vây quanh thành một vòng tròn. Chòi nọ cách chòi kia chừng năm thước, treo cờ, giăng hoa. Trên chòi có sàn cho hai người ngồi đánh bài. Giữa vòng chòi, có kê mấy cái bàn, trên mặt bàn là những dụng cụ dùng để chơi bài chòi. Đặc biệt là những khúc thân chuối non dài chừng hai gang tay được chẻ làm hai. Phía thân tròn có cắm một lá cờ đuôi nheo nhỏ bằng bàn tay làm bằng giấy ngũ sắc. Người chơi ngồi trên chòi, cầm trên tay những thẻ có ba con bài tới được anh Hiệu rút ra. Người rút thẻ bài hô, hát nhiều câu thật hay, thật ngộ nghĩnh, có trống kèn phụ họa để dẫn đến tên con bài được rút đó. Lâu quá rồi, tôi không tài nào nhớ nổi lời hô bài như thế nào. Ai ở trên chòi có quân bài giống như vậy thì gõ mõ để anh Hiệu đem tới. Người hô bài tiếp tục xướng quân bài. Chừng nào ai trúng đủ ba quân bài khác nhau nằm sắp hàng trên tấm thẻ thì hô lớn " tới". Ban tổ chức dừng hát và cho kiểm tra lại chòi vừa " tới ". Khi thấy các quân bài đúng như đã hô thì một hồi trống chầu chúc mừng được đánh lên vang rền và một người trong ban hát, hai tay bưng một cái khay, trên có đựng tiền trúng và một lá cờ đuôi nheo đứng trên thân chuối, chạy tới dưới chân chòi trúng, dâng lên và hát một câu hát chúc mừng phát tài. Người đi xem đứng vòng quanh các chòi, vỗ tay khen ngợi rầm rĩ. Họ cũng chờ đến lượt mình sẽ lên chòi ngồi để được đánh một ván và biết đâu thần may sẽ đến với mình. Bây giờ nghiên cứu bài chòi ở các vùng Bình Định, Phú Yên, với những con bài không như những con bài mà quê tôi người ta chơi. Có những nơi, còn tổ chức chơi lô tô nữa. Ở góc đình hay ở nhà lồng chợ làng, năm nào cũng có đoàn hát bộ về dựng rạp hát cho dân làng xem trong những ngày Tết. Tiếng trống bài chòi, hát bội vang trong xóm làng gây cho không khí mùa Xuân thêm phần rộn rã, vui tươi.
Bọn nhỏ chúng tôi thường chơi trò lục cục, hay thường gọi là bầu cua cá cọp. Đặt tiền rồi, hồi họp đợi nhà cái mở chén xem có trúng không. Nhiều khi thắng đậm do một lần xóc, hiện ra cùng ba con, trúng gấp ba.
Bây giờ thì chẳng còn đâu cái không khí Tết ngày xưa. Chẳng còn không khí sắm Tết như xưa, hàng hoá và dịch vụ đã có sẵn. Bánh tét, bánh chưng và mứt bánh kẹo nhiều nhà cũng mua luôn cho tiện, mất cái cảnh gia đình sum họp bên nồi bánh chưng chờ giao thừa, vớt cái bánh nóng hổi lên cúng tổ tiên. Đa phần gia đình có người đi làm ăn xa mấy năm mới về tết một lần, đến 28-29, thậm chí tận 30 Tết nhiều người mới về làng. Chẳng còn bài chòi, xóc dĩa, hát bộ … Ngày Tết, chủ yếu giờ đây là tổ chức ăn nhậu, đánh bài, xem ti vi, chơi game … Những khu đất trống trong làng, nơi ngày xưa tổ chức những trò chơi dân gian thì giờ đây xuất hiện một đám “quay số trúng thưởng” ồn ào loa đài, mời mọc người ta quay số “một ăn mười”. Nam thanh nữ tú rủ nhau đi chơi, đèo nhau phóng xe … Giờ lại còn cái tục tệ hại là hái lộc vào đêm giao thừa. Cây nào ven đường, trong vườn chùa … cũng bị những thanh niên bẻ trụi. Pháo thì nhà nước cấm rồi, để tiết kiệm và an toàn.
            Tết của một thời thơ ấu không còn nữa. Cứ mỗi lần Tết đến tôi lại lẩn thẩn nhớ lại Tết xưa ở quê.  

an nam 6.tif
 
 





Không có nhận xét nào: