Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

Chung quanh việc nghiên cứu địa danh ở Đà Nẵng


Võ  Văn  Hòe

Chung quanh
việc nghiên cứu địa danh
ở thành phố Đà Nẵng

   Địa danh là một môn khoa học chuyên ngành ra đời và phát triển vào thế kỷ thứ XIX ở các nước Tây Âu. Ở Việt Nam, ngành địa danh học đến giữa thế kỷ XX mới bắt đầu phát triển. Tại thành phố Đà Nẵng chuyên ngành này đang trong quá trình tiếp cận. Là một ngành của ngôn ngữ học, đối tượng của địa danh là chuyên nghiên cứu ý nghĩa, nguồn gốc, nguyên nhân xuất hiện và biến đổi địa danh trong một địa bàn cư trú; đồng thời địa danh học còn nghiên cứu cấu tạo địa danh và các phương thức vận dụng để đặt địa danh cho các đối tượng cần phải được định danh phục vụ đời sống con người. Do vậy,  việc tìm hiểu về địa danh là cần thiết.
 
1. Quan niệm về địa danh
   Địa danh đã trở thành một môn học, theo đó, thuật ngữ địa danh được trình bày theo nhiều cách hiểu khác nhau. Đào Duy Anh trong “Hán Việt từ điển” cho rằng “Địa danh là tên gọi các miền đất”. Hoàng Phê trong “Từ điển tiếng Việt” gọi địa danh là “Tên đất, tên địa phương”. “Từ điển Bách khoa” (mạng internet) ghi “Địa danh là tên gọi các lãnh thổ, các điểm quần cư (làng, xã, huyện, tỉnh, thành phố), các điểm kinh tế (vùng nông nghiệp, khu công nghiệp), các quốc gia, các châu lục, các núi, đèo, cao nguyên, thung lũng, đồng bằng, châu thổ, sông, hồ, vũng, vịnh, biển, eo biển, đại dương có tọa độ địa lý nhất định ghi lại được trên bản đồ. Địa danh có thể phản ảnh quá trình hình thành, đặc điểm của các yếu tố địa lý tự nhiên và lịch sử với những nét đặc sắc về kinh tế, xã hội của các lãnh thổ”.Nguyễn Văn Âu cho rằng “Địa danh là tên đất gồm tên sông núi, làng mạc hay là tên địa phương, làng mạc”. Nguyễn Kiên Trường thì lại cho rằng “Địa danh là tên riêng của các đối tượng địa lý tự nhiên và nhân văn xác định trên bề mặt trái đất”. Từ Thu Mai gọi “Địa danh là những từ, ngữ chỉ tên riêng của các đối tượng địa lý có vị trí xác định trên bề mặt trái đất”. Phan Xuân Đạm nhận định “Địa danh là lớp từ đặc biệt được sinh ra để đánh dấu vị trí, xác lập các tên gọi đối tượng địa lý và nhân văn”. Nguyễn Thu Hằng lại nói “Có thể coi địa danh là những từ, ngữ được sử dụng để gọi tên các đối tượng, không gian địa lý, các đặc trưng địa hình, địa vật nào đó”. Hoàng Thị Đường thì lại hiểu “Địa danh là những từ, cụm từ dùng để gọi tên các đối tượng, không gian địa lý, các đặc trưng địa hình, địa vật; có tác dụng khu biệt, định vị những đối tượng, không gian địa lý, các đặc trưng địa hình, địa vật này với các đối tượng, không gian địa lý, các đặc trưng địa hình, địa vật khác”. Lê Trung Hoa thì định nghĩa “Địa danh là những từ hoặc ngữ cố định, được dùng làm tên riêng của địa hình thiên nhiên, các công trình xây dựng thiên về không gian hai chiều, các đơn vị hành chính, các vùng lãnh thổ”.
    Hiện nay, nhiều tác giả quan tâm nghiên cứu địa danh từ cấp phường/xã đến cả nước và cũng đưa ra những quan niệm khác nhau về địa danh. Theo chúng tôi, địa danh là tên gọi chỉ các đối tượng tự nhiên và các đối tượng nhân tạo chỉ định cho một địa điểm nhất định phục vụ đời sống con người.

   2. Vấn đề nghiên cứu địa danh tại thành phố Đà Nẵng
   Từ khi chia tách thành thành phố trực thuộc Trung ương chưa có một công trình nghiên cứu hoàn chỉnh về địa danh ở thành phố Đà Nẵng mà chỉ là những khóa luận tốt nghiệp của sinh viên về địa danh cấp phường hoặc là những bài viết truy nguyên một địa danh nào đó được đăng trên báo, tạp chí địa phương. Các nhà nghiên cứu văn hóa – lịch sử tại thành phố Đà Nẵng như Lưu Anh Rô, Nguyễn Hoàng Thân, Lê Văn Hảo, Vũ Hùng, Nguyễn Sinh Duy, Võ Văn Thắng, Vũ Bạch Ngô, Lê Văn Tất…có bài viết về địa danh Đà Nẵng, Mân/Mâng Quan/Quang, Cẩm Lệ, Nại, Nại Hiên, Hàn, Hiện Cảng,… mà chưa có công trình nghiên cứu hệ thống hẳn hoi về địa danh thành phố Đà Nẵng. Ít tìm thấy những bài viết về địa danh một vùng, một khu vực cư trú hoặc khảo sát địa danh theo từng chủ đề: trong văn học, trong ca dao, tục ngữ, trong biến đổi và các đặc điểm khác của địa danh ở Đà Nẵng.

    Địa danh học có liên quan đến các lĩnh vực chuyên ngành: sử học, khảo cổ học, dân tộc học, địa lý học, văn học, ngôn ngữ,… do đó, để nghiên cứu và trình bày đầy đủ, chính xác về địa danh trên địa bàn thành phố Đà Nẵng là rất phức tạp, công việc như thế phải có thời gian và lực lượng cùng với tâm huyết của các nhà khoa học mới có thể hoàn thành được một công trình hoàn chỉnh về địa danh ở thành phố Đà Nẵng, phục vụ cho nhiều đối tượng quan tâm đến lĩnh vực lý thú này. Do vậy, nghiên cứu địa danh ở Đà Nẵng sẽ biết thêm lịch sử vùng đất này, biết được tâm tư nguyện vọng của con người Đà Nẵng, biết sự biến đổi của tộc người Cơ tu ở phía Tây thành phố trong quá trình đô thị hoá, biết tâm lý một vùng văn hoá, kinh tế của cư dân; đồng thời hiểu được ước vọng của người dân địa phương sinh sống trên vùng cư trú đó muốn làm chủ và vươn lên trong cuộc sống là thế nào!
    Khi đối tượng nào đó xuất hiện, chẳng hạn một công trình xây dựng, một con đường mới mở, một khu dân cư vừa mới hình thành,…xã hội cần phải đặt tên, định danh sự vật để quản lý, để phân biệt với các đối tượng khác, hoặc để thể hiện tâm tư nguyện vọng của cộng đồng cư trú, theo mục đích đó, địa danh xuất hiện và song song tồn tại với con người. Ví dụ, trước kia dọc bờ Tây sông Hàn của Đà Nẵng có “Ga chợ” (Gare de Tourane marche), bến “Bà Quảng Triều Hưng”, có hiệu sách “Việt Quảng”,… nhưng nay do đối tượng không còn nên địa danh theo đó dần dần biến mất; mặt khác một số địa danh xuất hiện do nhu cầu định danh đối tượng làm xuất hiện tên gọi: các địa danh cũ mất đi đồng thời xuất hiện các địa danh mới như cầu Sông Hàn, cầu Thuận Phước, khu tái định cư Nam cầu Tuyên Sơn, An Cư 1, An Cư 2,… đường phố Cẩm Bắc 1, Cẩm Bắc 2,… Đông Phước 1, Đông Phước 2,… Hòa Minh 1, Hòa Minh 2,… ra đời trong những năm 2000-2010 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng là những thực tế.
    Sự biến đổi hoặc mất đi của địa danh còn do địa danh không phù hợp với chế độ chính trị nên lần lượt được thay bằng tên gọi khác. Năm 1955, hàng loạt địa danh đường phố Đà Nẵng mang tên nước ngoài được thay bằng tên tiếng Việt. Thí dụ, đường Castelneau được đổi thành đường Thái Phiên, đường Clémenceau đầu thế kỷ thứ XIX là Montigny (sau 1919 đổi là Clémenceau), năm 1955 đổi thành đường Quang Trung, đường République đổi thành đường Hùng Vương,… Sau năm 1975, nhiều tên đường phố được thay bằng tên khác như đường Nguyễn Hòang thay bằng đường Lê Duẩn, đường Tự Do thay bằng đường Độc Lập, sau 1975 đổi thành Trần Phú,.. Về đơn vị hành chính cũng được thay đổi tên gọi và quy định lại ranh giới cho phù hợp như làng Đông Phước, Nghi An thuộc xã Hòa Phát năm 1945 gọi là thôn 2 Đông Phước thuộc xã Hòa Nhơn, đến năm 1956 thuộc xã Hòa Phát, năm 1975 đổi tên Hòa Phát thành xã Hòa Tân, năm 1977 lấy lại tên Hòa Phát,…Nay, ở thành phố Đà Nẵng, đơn vị hành chính nhỏ nhất từ tổ/ thôn, phường/ xã đến quận/huyện, thành phố, còn địa danh khu dân cư, khối phố gọi theo dân gian mà không quy định thành đơn vị hành chính. Tuy vậy, về mặt địa danh những tên gọi như vậy vẫn còn tồn tại trong ký ức người dân, đã trở thành truyền thống của làng, xã thời trước chưa thể quên được.
    Yếu tố xã hội cũng tác động đáng kể đến thay đổi địa danh, do người dân sinh sống trên địa bàn muốn dùng mỹ tự, phần lớn mang yếu tố Hán–Việt đặt tên cho làng mình, thôn mình như làng Phong Lệ trước thời Thiệu Trị có tên là Đà Ly xã, vào thời Ông Ích Khiêm lại đổi thành Phong Lệ xã,…hoặc một vùng đất rộng lớn như huyện Hòa Vang cũng có sự thay đổi địa danh từ Hòa Vinh đến Hòa Lạc, sau đổi lại là Hòa Vang,…Do ý thức văn hóa về phong thủy nên địa danh được chọn lựa định danh sự vật phải có ý nghĩa đối với người dân như: Hòa Tiến, Châu, Phong, Nhơn, Khương, Phú,…nhưng đôi khi có dụng ý xóa hết các địa danh cũ để không lấy đó làm bằng chứng tranh chấp như các địa danh mang tiếng nước ngoài: thành phố, đường phố thời thuộc Pháp. Tuy nhiên như thế vẫn không triệt để, như Đà Nẵng, Đà Sơn, Cu/Câu Đê, Trà Na,…Do đó, điều tra địa danh tại một vùng cư trú, sẽ mang lại những điều mà cư dân ở đó có thể quên từ lâu, đặc biệt thế hệ trẻ, nay được bổ sung những ký ức, kiến thức cũ về địa danh của vùng cư trú mà ta cứ tưởng đã đủ rồi.
    Như vậy có thể nói rằng có các nguyên nhân dẫn đến việc đặt địa danh cho một vùng cư trú tại thành phố Đà Nẵng, thường là:
   1/ Đặt tên sự vật, các công trình nhân tạo do tại nơi cư trú có các dạng địa hình, các yếu tố tự nhiên ảnh hưởng đến đặt tên một số địa danh theo địa lý tự nhiên của vùng. Thí dụ Cây Trao, Vông/Giông Đồng, Cây Me, gò Giàng/Vàng, hố Tre,…
   2/ Đặt tên cho vùng, cho công trình nhân tạo còn do lấy lại tên từ quê hương bản quán đến định danh tại vùng cư trú mới. Thí dụ: Hải Châu, Hòa Phát, Hòa Xuân, Hòa Khánh, Hòa Hải, …
   3/ Đặt tên một vùng cư trú còn do tâm trạng, hoài bão muốn cho quê hương xứ sở thêm đẹp, có ý nghĩa lâu dài trong cuộc sống người dân. Thí dụ: Phong Lệ, Đông Phước, An Cư, Hòa Bình, Hòa Tiến, Hòa Minh,…
    4/ Hiện nay tại thành phố Đà Nẵng do đối tượng nhân tạo xuất hiện nhiều và nhanh chóng nên để gọi tên sự vật người ta cũng dùng chữ số để định danh như tổ 1, tổ 2, tổ 3,… đôi khi địa danh có thành tố chính, kèm theo thành tố phụ như An Trung 1A, An Trung Nông 2, An Cư 1A,…Xu hướng dùng chữ số đặt tên cho đối tượng tuy gọn, khoa học, dễ gọi, dễ nhớ nhưng lại không đáp ứng tâm tư nguyện vọng chung của người dân trên địa bàn cư trú; đồng thời cũng không phù hợp với truyền thống định danh sự vật như người Đà Nẵng trước đây đã đặt tên đất, tên làng mình như hiện nay vẫn còn gắn với đời sống người dân, mặc dầu đơn vị hành chính được quy định từ tổ/thôn đến phường/xã đến huyện/quận, tỉnh/thành phố, nhưng đôi khi người dân trong quan hệ láng giềng vẫn trao đổi nhau bằng tên cũ của làng mình, xóm mình, do đó trong dân gian vẫn còn tồn tại các loại địa danh: xóm, khu dân cư, khối phố,...theo danh xưng bằng Hán – Việt, Việt.
    Chính đó, nghiên cứu, tìm hiểu địa danh ở thành phố Đà Nẵng là một điều lý thú !
    Là danh từ chung, địa danh định danh sự vật của các đối tượng tự nhiên, công trình nhân tạo; đồng thời địa danh còn có chức năng cá thể hoá đối tượng mà danh/ngữ danh từ chung không làm được. Cá thể hoá đối tượng đã làm cho địa danh trở thành một bộ phận gắn liền với cuộc sống xã hội con người Đà Nẵng, đặc biệt Đà Nẵng đã trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, địa danh đã xuất hiện, biến đổi và chuyển loại phức tạp. Thông qua địa danh, người ta dễ tìm thấy sự phản ảnh tâm lý, ước vọng của con người sinh sống, tồn tại và phát triển trên vùng cư trú của thành phố Đà Nẵng ra sao, ở đó chắc chắn ta có thể tìm thấy ý nghĩa cao đẹp mà các thế hệ trước đã mong ước, gởi gắm vào đất đai sông núi quê nhà. Địa danh ở thành phố Đà Nẵng thông báo cho ta có thể biết được Đà Nẵng, Bà Thân, Trèm Trẹm, Sơn Trà, Liên Chiểu, Hòa Vang, Hòa Tiến, Đông Phước, Bình Thái, Bàu Sen, gành Nghê, vũng Thùng, cửa Hàn, hóc Giá, mạch Cửu Nhung,… là thế nào và những khát vọng, ước muốn của người Đà Nẵng tồn tại trên vùng đất mang địa danh ấy ra sao! Thông qua các địa danh:  Phước Thọ, Cẩm Lệ, Hòa Phát, Hòa An, Hải Châu, An Hải, Hòa Bình, Mỹ Khê, An Cư, An Lạc,… cho biết ước muốn một cuộc sống thanh bình, ý nghĩa để tồn tại và phát  triển của người Đà Nẵng. Hoặc thông qua địa danh 29 Tháng 3, 3 Tháng 2, 30 Tháng 4, Ông Ích Khiêm, Thái Phiên, Lê Văn Hiến, Thái Thị Bôi, Lê Độ, , ,… cho người dân Đà Nẵng biết rằng đấy là niềm tự hào của họ về những chiến công dựng nước và giữ nước, trong đó người Đà Nẵng đã góp công lớn lao trong đấu tranh để bảo vệ và đồng thời xây dựng thành phố văn minh, giàu đẹp.
   Bước đầu qua sưu tầm, ghi chép địa danh thành phố Đà Nẵng, tuy chưa đầy đủ, song chúng tôi thống kê có 144 nhóm với 4.438 địa danh các loại, điều đó cho biết địa danh ở thành phố Đà Nẵng rất phong phú, trong đó sử dụng từ Hán – Việt chiếm phần lớn, đây là lớp từ chỉ địa danh xóm, làng, thôn, xã, huyện, quận…; nhóm từ thuần Việt chiếm tỉ lệ khá nhiều, lớp từ này chỉ đối tượng tự nhiên, như: ao, hồ, sông, suối, núi, gò, đồi, …còn lại một số nhỏ mượn từ nước ngoài để định danh sự vật: chỉ đường phố, thành phố, các đảo, nhóm đảo của quần đảo Hoàng Sa. Ngôn ngữ dân tộc thiểu số Cơ tu, Chăm ảnh hưởng vào địa danh ở thành phố Đà Nẵng có nhưng ít.

Bảng 1: Địa danh thành phố Đà Nẵng
Địa danh chỉ các đối tượng tự   nhiên
Địa danh chỉ các đơn vị hành chính
Địa danh chỉ các công trình xây dựng
Địa danh các công trình lịch sử, văn hóa
   Tổng
Nhóm
Tổng
Nhóm
Tổng
Nhóm
Tổng
Nhóm
Tổng

   57
1.173
  27
1.037
  30
1.771
  30
  457
   4.438

Bảng 2: Địa danh các đối tượng tự nhiên
Ải
1
Ao
6
Bãi
77
Bàu
53
Bến/âu thuyền
38
Biển/
Vùng biển
1
Cấm
12
Cánh đồng
38
Cồn
23
Cửa sông/
biển
8
Dốc
11
Đá
13
Đầm
7
Đảo/bán/quần
 đảo
29
Đèo
5
Đìa
5
Đồi
22
Động/châu
9
Eo
1
Ghềnh
7
71
Giồng
2
Hang
7
Hầm
4
Hóc
45
Hói
3
Hòn
10
Hồ
26
Hố
72
Hủng
4
Khe
66
Lạch
5
Mạch
1
Mỏ/mỏ đá
2
Mũi
3
Mương/máng
8
10
Ngã 3/4/5
21
Nguồn
2
Nổng
11
Núi/
rừng
94
Sông
30
Rẫy
19


Rộc
22
Ruộng
28
Sũng
3
Suối
18
Thác
2
T.lũng
2
Trãng
2
Truông
2
Trũng
2
Vịnh
4
Vũng
8
Vườn
9
Xứ
151
Dương
3




 
Bảng 3: Địa danh các đơn vị hành chính
Bản
3
Châu
1
Chi
1


Đạo
1
Đặc khu
1
Giáp
4
Huyện
6
Khối (phố)
14
Khu
329
Làng/xã
350
Lầu
4
Miền
3
Nha
1
Nhà
10
Phường
49
Quận
13
Thành phố
16
Thị xã
1
Thôn/ấp
95
Tỉnh
1
Tổng
13
Trại
1
Trạm
17
Tổ
1
Vạn
3
Vực
3
Xóm
96





Bảng 4: Địa danh các công trình xây dựng
Ba-ra
1
Bảo tàng
5
Bệnh viện
30
Cảng
10
Cầu
62
Cầu tràn
1
Chợ
134
Cống
30
Cửa hiệu
1
Đài
3
Đập
23
Đường phố/sắt
1.043
Ga
12
Giếng
19
2
Kênh
1
Kho
6
4
Ngầm
2
Quán
8


Sân
6
Siêu thị
5


Trung tâm
14
Trường đua
1
Trường học
214






Không có nhận xét nào: