Thứ Hai, 26 tháng 3, 2012


Phạm Hữu Đăng Đạt

NGHỀ LÀM XE GIÓ Ở THANH ĐƠN
(Làng Thanh Đơn, xã Đại Cường,
huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam)

          Đến làng Thanh Đơn, xã Đại Cường, huyện Đại Lộc nghe được chuyện kể rằng từ khi vào phương nam nắng gió, quần nhau với thú dữ, địch họa khai hoang vỡ hóa đất đai, nơi cao làm nhà mà ở, nơi thấp khỏa bằng cấy lúa mà ăn, dần dần tạo thành làng mạc. Kế là quy dân lập ấp, thiết lập các thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu tâm linh của nhân dân, có nơi hội họp bàn công việc của làng, trao đổi giống má, cây, con phục vụ sản xuất nông nghiệp. Thời bấy giờ nghề nông vẫn được xem là “nông vi bản”.
          Nằm trên địa bàn trung du, gần rừng núi nên hằng năm, người dân làng Thanh Đơn còn có nghề khai thác gỗ trên rừng. Dân gian gọi tắt nghề này là đi cây . Đi cây là một nghề anh em với nghề đi củi. Đi cây hay đi củi đều phải lên rừng. Với làng Thanh Đơn ruộng đất không nhiểu mà lại tập trung vào vào một vài gia đình giàu có tại làng, người dân phải là tá điền mới có cái để nấu hằng ngày. Do vậy, nghề đi cây vẫn là nghề đeo bám người dân Thanh Đơn từ xưa đến những năm kháng chiến chống Mỹ mới thôi. Đi cây cùng là để làm nhà, làm trại và làm các vật dụng khác trong đó có làm xe gió lấy nước tưới vào ruộng lúa.
          Trong Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn có viết về vùng đất Quảng Nam, rằng: “đất đai phì nhiêu, dân cư trù mật, vùng Ô Gia có ruộng muối vùng Hòa Vang có sáp ong, danh mộc rất nhiều…”, tuy vậy, đã được thiên nhiên ưu đãi nhưng để có được một vụ mùa năng suất cao vấn đề nước vãn là vấn đề hàng đầu trong sản xuất nông nghiệp.
          Đến khoảng những năm 1850 của thế kỷ XIX, có một ngưòi thợ quê tại tỉnh Quảng Ngãi được mời về làng Thanh Đơn thuộc xã Đại Cường để làm xe gió ngay trên khúc sông Vu Gia chảy qua xã đại Cường để lấy nước tưới vào ruộng lúa. Về sau, “đất lành chim đậu”, người thợ làm xe gió ở lại Thanh Đơn và lập nên cơ nghiệp tại đây. Từ đó nghề làm xe gió được truyền sang cho dân làng Thanh Đơn [1].
          Khi xe gió xuất hiện tại làng Thanh Đơn – đất Quảng – thời gian đầu người làng chưa ai học nghề này do “mới trông thấy lạ”, nhưng trông lâu lại thấy tiện ích, đỡ bớt công tát nước gàu giai gàu sòng vào ruộng. Từ đó, các anh nông dân làng Thanh Đơn bắt đầu theo kiểu cách có sẵn làm ra xe gió. Khi đã làm được, “tiếng lành đồn xa”, số nông dân gia nhập vào nghề làm xe gió ngày một đông thêm. Tính đến những năm 1900 - đầu thế kỷ thứ XX – làng Thanh Đơn đã có hàng chục người sắm dụng cụ: cưa dứt, cưa rọc, đục, chàng, khoan, dây mực…bào trường, bào ngắn hành nghề làm xe gió. Và cũng từ đó hình thành ngay tại làng Thanh Đơn một kíp thợ. Đã là thợ thì có thợ cả, thợ phụ và thợ giúp việc, phục vụ.
          Trong nghề có một thợ chuyên nhận thầu gọi là ông Thủ mực [2]. Ông Thủ mực tập trung các thợ trong kíp lại và phổ biến công việc, phân công các công đoạn thực hiện. Theo đó, kíp thợ bắt tay vào hoàn thành chiếc xe gió theo hợp đồng bằng miệng với người đặt hàng. Làng Thanh Đơn thời ấy có ba ông Thủ mực: ông Hương Lưỡng, ông Hương Thu và ông Hương Nhứt.
          Những năm đầu thế kỷ thứ XX về trước, chuyện dùng xe gió để lấy nước tưới cho các cánh đồng trong mùa khô hạn là một giải pháp hợp lý được nhiều nơi áp dụng. Theo tính toán, để tưới 100 mẫu lúa, xe gió phải có 10 bánh. Bình quân mỗi bánh có thể tưới được 10 mẫu. Mỗi người có thể nhận nửa bánh, một bánh hoặc hai bánh, tùy theo khả năng của mình. Cứ nhận nhiều thì được trả nhiều tiền.
          Thường vào tháng hai âm lịch, các thợ xe lắp ráp xe gió và cho chạy theo yêu cầu caủi các chủ có ruộng. Xe chạy và đến tháng bảy, tháng tám âm lịch lại tháo ra, nghỉ. Đây là thời điểm bắt đầu mùa mưa, không thiếu nước, hơn nữa đôi khi tháng mười, mười một lại là mùa lụt lội nên việc tháo xe cho nghỉ nhằm bảo quản, tránh lụt lội làm hư hỏng xe gió. Những người thợ chung tiền, góp vồn thuê thợ làm xe gió họp lại chọn ra một ban có trách nhiệm trông coi và bảo quản xe gió. Ban này vừa tháo rắp xe, vận hành cho chạy, còn phải đắp kênh mương dẫn nước vào đồng ruộng cho xe gió múc nước tưới vào ruọng lúa và thu thuế nước [3]. Thuế bây giờ được tính quy từ tiền ra lúa theo thời giá, một mẫu ruộng đổ nước một mùa là bao nhiêu tiền phải nộp, tuy nhiên đến khi thu hoạch lúa mới phải trả đủ.
Khi thu hoạch, mấy anh chủ của xe nước cứ vậy mà lấy lúa. Tất cả lúa được cất đặt vào một nơi thuận lợi, sau đó chất thành nhã, lùa trâu hoặc bò lên đạp đến khi thục thục ra thành lúa rồi mới chia đều cho nhau. Đôi khi chia theo tay hoặc chia theo gánh, phần ai tự gánh về nhà nấy.
Để làm một xe lúa, nguyên vật liệu chủ yếu gồm:
- Tre cây loại tre già
- Gỗ các loại
- Ván thành phẩm từng miếng (thường là kiền kiền chịu được nước)
- Dây mây các loại (mây nước, mây con…), dây lạt bằng  cật tre
- Cưa nhỏ và lớn (cả loại cưa tre và loại cưa gỗ)
- Đục các loại, đục dũm, chàng, bào trường, bào ngắn, bào khe…
- Khoan tay
- Và các loại dụng cụ khác như đùi cui, đòn kê, liềm, rựa, dũa, đá…
Thời kỳ những năm 1950, sắt hiếm, đinh đóng siết lại càng hiếm nên việc dùng khoan bằng tay và dùng chốt tre cật già, hoặc chốt gỗ loại thiết mộc làm chốt siết các bộ phận lại với nhau thường được dùng trong lắp ráp xe nước chạy bằng sức gió [4].
Tùy theo cánh đồng rộng hẹp mà thiết kế một xe quay cho phù hợp, xe lớn quá đồng ruộng hẹp sinh lãng phí, và ngược lại nên theo đơn vị diện tích cấy trồng các chủ xe thiết kế phù hợp để phát huy hết công năng của xe nước mà không phải tốn kém đầu tư ban đầu. Một giàn xe nước đôi khi thiết kế đên 10 bánh xe cùng quay, nhưng phần lớn trên cánh đồng Quảng Nam, xe có 4 – 5 bánh được ưa chuộng hơn do tính năng và sự gọn nhẹ khi đặt địa điểm xe quay.
Xe được thết kế từ một đến bốn hay năm bánh hình tròn, gồm ba cây tre già chẻ dọc thành 3 hay 4 miếng, trảy mắt, gọt bụng được uốn cong, vừa uống vừa néo lại với nhau cho thật chắt, kết nối thành hình tròn, đường kính bánh lớn nhất chừng 5 mét. Ba cây tre được thiết kế song song nhau do nhiều thanh tre ngang kết chặt lại bằng các múi mây thật chặc. Trên bánh xe, cách nhau chừng 40 – 50 cm lại đặt một thanh tre hoặc gỗ nằm ngang vừa để giữ ba bánh tròn cố định vừa đồng thời cũng tại thanh ngang này, được gắn một miếng ván hướng về tâm bánh xe, dày 2 cm như một cái gáo múc nước. Khi xe gió quay trên một trục cố định, gáo này sẽ múc nước từ mương nước quay vòng đưa lên cao rồi đổ vào nước vào ruộng hoặc đổ vào con mương khác rồi từ đây nước sẽ được dẫn về ruộng lúa. Xe nước tiện lợi có thể đưa nước từ dưới sâu lên cao để đổ vào mương dẫn, thay cho dùng sức người tát nước bằng gàu giai từ dưới thấp lên cao vất vả và kép công. Xe nước có thể chạy cả ngày đêm nhờ sức gió và nhất là mùa gió nam phơn, xe nước hoạt động giữa trưa nắng chang chang của xứ sở miền Trung mà không cần nông dân ra đồng tát nước.
Xe có một trục xe nằm giữa (như bánh xe ngựa), người ta dùng tre hoặc gỗ loại nhỏ nối từ bánh xe vào trục giữa, tạo thành bộ nan cho bánh xe, giữ vũng được bánh  khi xe quay múc nước.
Nhiều công trình xe gió ở Thanh Đơn được nhóm thợ thi công và hoàn thành như các công trình xe gió ở Hà Nha, Phước Yên, Bồ Khoan, Tân Đợi, Phúc Hương. Đó là các công trình nằm trên địa bàn huyện Đại Lộc, chưa kể các công trình có trên các huyện khác trong toàn xứ Quảng. Xe nước (gọi tắt là xe gió) hoạt động rất hiệu quả thời kỳ máy bơn nước chưa được du nhập vào sản xuất nông nghiệp tại Quảng Nam. Mãi đến những năm 1970, trên các dòng sông Vu Gia, Thu Bồn…người ta bắt đầu dùng máy bôm nước do Nhật sản xuất đưa nước vào ruộng nhanh và tiện lợi hơn xe gió. Trên cánh đồng xứ Quảng, hễ máy bơm được lắp đặt đến đâu thì xe gió dần biến mất đến đó. Theo sự phát triển nông nghiệp nông thôn, càng ngày máy bơm nước chiếm ư thế trên các cánh đồng lúa Điện Bàn, Hòa Vang, Duy Xuyên, Thăng Bình, Đại Lộc, đẩy xe gió lùi xa về thời kỳ xưa cũ. Chỉ tám bộ máy bơm nước chạy bằng than của huyện Điện Bàn trong những năm kháng chiến chống Pháp đủ thấy cơ giới hóa nông thôn quan trọng chừng nào [5].
Làm xe gió là một nghề, chiếc xe gió cuối cùng trên đất Quảng do người thợ làng Thanh Đơn thực hiện là chiếc xe gió làng Phúc Hương. Chiếc xe Phúc Hương được thực hiện sau năm 1975 trên đồng ruộng xã Đại Cường. Phụ trách thi công thời bấy giờ là ông Thê. Sau nhiều năm vắng bóng chiếc xe gió trên các cánh đồng, cách nay 25 năm, khi đi  trên tuyến đường sông Vu Gia không ai không nhìn thấy chiếc xe gió này. Nhờ nó mà hàng trăm mẫu đất trong vùng được tưới nước đều đặn, góp phần không nhỏ trong chống hạn hán, làm tăng năng suất cây trồng lúc bấy giờ.
Khi chiếc xe gió Phước Hương bị dẹp bỏ, nghề làm xe gioa làng Thanh Đơn cũng theo đó lụi tàn. Hình ảnh những chiếc xe gió to lớn, nhiều bánh đứng ngạo nghễ trên các dòng sông xứ Quảng nay chỉ còn là kỷ niệm trong tâm thức của lớp người cao tuổi mà thôi [6].


[1] Người làng Thanh Đơn tính từ đời người thợ đầu tiên đến Thanh Đơn lập nghiệp, đến đời cháu ông là Hứa Minh, sinh năm 1923 (nay còn sống) thì đã ba đời, và tính cả thế hệ con cháu ông Hứa Minh nữa thì cũng lên đến năm sáu đời. Theo đó có thể luận rằng nghề làm xe gió tại làng Thanh Đơn hình thành cách nay khoảng trên dưới 150 năm.
[2] Thủ mực chính là thợ cả, người thợ ra khổ, ra khung, tính toán kích thước và lượng vật liệu để hoàn thành một xe gió, theo đó mua nguyên vật liệu để thực hiện và tính ra công hoàn thành. Trên cơ sở đó quy ra thành tiền cho mỗi xe gió.
[3] Tức thu tiền công xe nước vào ruộng.
[4] Và không chỉ xe nước mà các loại dụng cụ khác dùng trong sản xuất nông nghiệp, đồ gia dụng… dụng cụ dệt tơ lụa vẫn đóng chốt tre là chủ yếu trước khi cây đinh xuất hiện.
[5] Xem hồi ký Hồ Thắng, Đà Nẵng thời đánh Mỹ (tập 1), Nhà xuất bản Đà Nẵng 2007, tr
[6] Ông Hứa Minh, sinh năm 1923 tại làng Thanh Đơn, xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam kể.

Không có nhận xét nào: