Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

Sự tinh tế trào lộng, đáng nể, đáng yêu


Hoàng Hương Việt



Sự tinh tế, trào lộng
đáng nể, đáng yêu



1. Có lẽ cái thích thú nhất, hay nhớ nhất và dễ được nhắc đi nhắc lại trong sinh hoạt tinh thần gọi là “văn nghệ dân gian” của nhiều đối tượng công chúng thời xưa là đọc hoặc hát đố, hát mẹo, hát khích, hát thử tài, đặc biệt là nói lái trong ca dao, dân ca, tục ngữ mỗi khi có dịp gặp nhau, hay hội hè, lễ Tết. Về cái tài sáng tạo “nghệ thuật” chữ nghĩa, ý tứ, đề tài thì khỏi nói. Cái đáng nói ở đây là sự sáng tạo ấy rất đỗi dân gian, bình thường, thô mộc nhưng đầy ẩn ý, khúc chiết”, “tréo cổ họng” và những vần điệu ấy thường là trần trụi, tếu táo, dung tục, quá tả, để người đáp “chết đứng”, bức đầu, gãi tai, ấm ức, khi không đối lại được. Thế mới vui. Vì vậy, mới có loại ca dao, dân ca, hò vè trào phúng, hài hước, phiếm chỉ, bên cạnh dòng ca dao, dân ca chỉnh chu, toàn bích mà chúng ta thường gặp.
            Trong những năm sưu tầm, biên soạn cuốn “Ca dao, dân ca đất Quảng”, tôi ghi chép được nhiều câu ca dao thuộc loại trào lộng “nóng bỏng, tế nhị”, khi đọc lên ai cũng phải cười, nhưng không tiện đưa vào sách. Nay chép ra một số câu để làm vui bạn đọc, cũng là một cách thư giản và phục tài các nghệ nhân dân gian của chúng ta được truyền tụng lại.
          2. Có một câu hát nhơn ngãi, mới nghe thì đằm thắm, dịu dàng lắm, cứ tưởng nàng trò chuyện đơn giản, không dè:
                        - Chớ cây sung đứng giữa đồng, họ kêu cây sung sướng
                        Chớ chê thao, bận lụa, cũng loại con tằm.
                        Thiếp hỏi chàng, chàng phải nói cho nhằm
                        Chớ một năm có mười hai tháng,
                        Tháng mô Rằm thì thiếp thương?
            Chàng có chút lúng túng, nhưng không lẽ bó tay, thì mất mặt trượng phu, mất luôn cả duyên nợ với nàng hay sao. Vì thế, chàng cũng cố đáp lại nàng:
                        Chớ cây cam đứng giữa đồng, họ kêu cây cam khổ
                        Chớ chê dép, mang giày, cũng loại bằng da
                        Thiếp hỏi chàng thì chàng mới nói ra
                        Một năm có mười hai tháng
                        Chỉ có thoáng qua là không Rằm!
            Xin nói, trong hai đoạn hát đố nói trên là rặc tiếng “Quảng Nôm”, cho nên có một từ phát âm lệch và ép nghĩa là tháng, mà nói là thoáng, cũng được hiểu như nhau. Có điều là họ đối với nhau sát rạt mà còn bóng gió tình tứ. “Em ơi, đừng có thoáng qua. Cũng như một tháng mà không có ngày rằm là vô vị, hụt hẩng, buồn lắm!”. Tôi tin, thiếp nào đó sẽ thương anh chàng này gấp nhiều lần hơn, vì chàng hào hoa tài giỏi quá.
            Lại một nàng khác, không chỉ thử tài mà còn muốn kiểm tra kiến thức của chàng đến đâu:
                        - Tiếng đồn chàng hay chữ, thiếp hỏi thử đôi câu
                        Hỏi Nam kỳ lục tỉnh, Bắc kỳ lục tỉnh có mấy cái cầu
                        Trai nam nhơn mà đối đặng, thiếp đáp câu đạo đồng.
            Hóc búa lắm đây. Chưa ai đếm sáu tỉnh Nam bộ, sáu tỉnh Bắc bộ có mấy chiếc cầu. Nhưng anh chàng này không vừa. Có lẽ là một tay “tri thức” tài hoa. Anh lái chuyện cái cầu vật chất có thật, sang một lĩnh vực, tâm thế tinh thần, có cả đạo đời uyên ương cao đẹp nhất. Chúng ta nghe anh đối đáp:
                        Chớ Nam kỳ lục tỉnh, Bắc kỳ lục tỉnh có sáu cái cầu
                        Một cái cầu trời, một cái cầu đất, một cái cầu Phật,
                                                                        một cái cầu tiên.
                        Một cái cầu cho cha với mẹ song tiền
                        Một cái cầu cho chàng với thiếp trọn chữ
                                                                        giao duyên trọn đời!
            Còn gì nữa mà thiếp không “đáp câu đạo đồng”, khi mà chàng đã bày tỏ hết cõi lòng, đức độ của mình trước đất đai, trời, Phật, tiên tử và cả cho chàng và nàng về mối tình cho đến trọn đời này. Chắc là nàng sẽ không còn thắc mắc, sao em hỏi cái cầu kia mà anh lại nói cái cầu khác. Không ngờ ai lại thông minh, tài tình thế.
            3. Có một loại ca dao, dân ca “bạo liệt” khi nghe xướng lên thì cười đến nổ trời. Bạo liệt lời ăn, tiếng nói dung tục, trần trụi nhưng không phải để khích bát, hãm hại nhau mà để tận dụng sự thông minh, ranh mãnh, trổ tài chơi chữ, nói lái, xiên xỏ, bắt bí người chơi (trong những cuộc hò hát, đối đáp với nhau).
            Có những câu như thế này:
                        -Thương em từ thuở méo trời
                        Bây giờ  méo đất rụng rời chân tay.
            Những anh con trai hay táy máy, nghịch ngợm, cũng hay bốc đồng lửa rơm, chọc ghẹo con gái đến độ liều lĩnh, bạo mồm, bạo miệng:
                        - Đêm khuya đèn tắt lửa dùi (vùi)
                        Trông cho cô Bốn ngủ, tui luồi củ khoai.
            Tức quá. Mà đâu có vừa. Cô Bốn “dạy cho anh một bài học” tức thì, để biết tay cô:
                        - Chuyện chi mà kêu cô Bốn hoài,
                        Muốn ăn thì nấu, chớ vô luồi mà dính tro.
            Thua cuộc là cái chắc ở câu hát đối trên. Các anh cố tìm câu hát khác “độc” hơn cho bỏ ghét:
                        - Cô kia con gái nhà nông,
                        Cả ngày sao cứ chổng mông lên trời?
            Nhưng mà các anh hãy nghễnh tai mà nghe đây. Em nói có tình có lý và có “trách nhiệm”, chứ không phải chê bai, nói xấu như kiểu mấy anh đâu:
                        - Anh ơi, nông vụ tấn thời (thì),
                        Mông em không chổng, lấy gì anh ăn!
            Đau hung rồi! Đau vì phải ăn vào “những chỗ nhạy cảm” mà mấy anh “đực rựa” ấy không hề nghĩ tới. Chẳng lẽ bỏ cuộc và bó tay trước mấy em còn đáo để hơn mình được sao. Các anh chàng cũng nghĩ ra được câu hát đầy cảm thương theo cách “hạ nhục”:
                        - Em đái chi mà đái dại, đái khờ,
                        Cửa nhà em trôi trước, cái bàn thờ em trôi sau.
            Nàng cũng tỏ ra chút trân trọng, mặc dù chàng là “quân tử” nhưng ăn nói không mấy “văn hóa cho lắm” nên em xin thưa lại:
                        - Sáng trăng quân tử dạo chơi,
                        Em đái một lỗ đáii chàng phải lội bơi mà về!
            Như vậy, nhà cửa, bàn thờ của em trôi cũng chẳng sao, chính anh sợ chết khiếp, phải bơi trong cái “biển nước của em” để về, mới đáng thương hại hơn!
            Viết đến đây, tôi sực nhớ, lúc sinh thời cụ Trần Hàn, quê làng Xuân Quê, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, con ông Quyền Liệu, nổi tiếng hát hò khoan, đối đáp khắp vùng, được người đương thời ca ngợi, thán phục về tài ứng khẩu nhạy bén, sắc sảo của ông. Thế nhưng, có một lần gặp cô gái trẻ ở cuộc hát làng bên, hát thách ông, ông đối đáp được thì xin làm thiếp bên ông suốt đời:
                        - Quần em rách dọc, rách ngang,
                        Thầy liệu thầy hàn, em trả công cho.
            (Hiểu rằng: rách dọc, rách ngang là giữa đáy quần. Và liệu là tên cha ông, hàn là tên ông). Trần Hàn không thể nào tìm ra câu hát đối để đáp lại câu hát “thâm hiểm” này. Khi về nhà ông trăn trở, uất ức đến đổ bệnh, qua đời.
           
            Sinh hoạt văn hóa dân gian ở làng quê xưa diễn ra như cơm ăn, nước uống, dù là ở những cuộc hát xướng nơi tế lễ, hội hè linh đình, trang trọng với những câu ca trí tuệ, mượt mà biểu cảm, mang tính giáo dục chân thiện mỹ, hay cuộc gặp gỡ, hẹn hò nhau hát đối vui chơi, giải trí, với những câu ca trào lộng, có khi dung tục đều có ý nghĩa tinh thần cao đẹp, không thể thiếu được trong cộng đồng. Cuộc chơi nào cũng đòi hỏi sự công phu, sự sáng tạo và bao giờ cũng diễn ra giữa nam và nữ là đối tượng ngọn nguồn của tình cảm, tình yêu, kích thích sự tuôn trào của ý, của ngôn ngữ, của sự linh hoạt thoát thai tận cùng trái tim, tâm hồn, lý trí của họ.
            Khi gặp những bài ca dao, dân ca, những câu hát huê tình, thường người ta không câu nệ âm vần và cũng dễ bỏ qua lời ăn, tiếng nói “tục” trực diện, nhất là trong hò hát trào lộng.
            Xâu chuỗi lại một ít câu hát đối trên đây, trong hàng trăm câu đại loại có nội dung như thế, không nằm trong lô-rít nào nhằm đọc lại cho vui trong ba ngày Xuân nhựt. Và cũng làm chút công việc để nhớ lại những “nghệ nhân dân gian” vô danh, như hồi tưởng và bảo tồn một nét sinh hoạt văn hóa cởi mở, vô tư và trong sáng trong đời sống tinh thần của người xưa, nay ta khó mà có được.

Không có nhận xét nào: