Thứ Hai, 26 tháng 3, 2012


Nguyễn Thuận
Tình yêu đôi lứa trong ca dao Việt Nam
      Ca dao là kho tàng văn hoá của người Việt, được xem là viên ngọc lấp lánh, thời gian qua đi, viên ngọc càng thêm toả sáng. Trong ca dao, giá trị truyền thống và tâm hồn người Việt Nam được lưu giữ  bền vững nhất.
      Bằng những tình yêu lành mạnh, tình cảm tự nhiên được miêu tả một cách sinh động trong ca dao Việt Nam; qua đó đã cho ta thấy sự hà khắc của lễ giáo phong kiến trước đây. Không những thế, một số bài ca dao đã phản ánh tinh thần đấu tranh để bảo vệ tình yêu chân chính của các bạn thanh niên thời bấy giờ.
      Trước hết, tình yêu đôi lứa trước đây được ca dao phản ánh là sự quay về với tình yêu nơi thôn dã, nơi họ đang yêu và đang sống để thủ phận mình và thêm phần bền vững, cảm thông hơn ...
      Ta về ta tắm ao ta,
      Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn .
      Trâu ta ăn cỏ đồng ta
      Tuy rằng cỏ cụt nhưng mà cỏ thơm. 
      Ban đầu vì chưa hiểu nhau nên đôi bạn thường trách móc nhau, để rồi tự thân thấy cần phải thổ lộ tâm tư để cùng chia sẻ:
      Cực tình ta lắm bạn ơi
      Một con chim nhạn, mấy nơi đan lồng.
                                            Gió  đưa, gió đẩy mây mưa    
      Gặp  đâu hay đó, kén lừa mà chi. 
      Người phụ nữ thời nào cũng vậy, dân gian cho rằng họ là phái yếu, yêu là vậy nhưng còn rụt rè không dám thổ lộ cùng ai, thường là tình yêu đơn phương (trừ một số cô gái có sắc, có nhan hoặc con nhà gia giáo, quan lại ...). Từ đó ca dao dân gian phản ánh sự trách móc, đúng hơn là lời tự tình, lời tự sự nhằm nhắn gởi đến đối tượng là những chàng trai mình yêu quí với một giọng điệu rất dân gian bằng thi pháp ca dao Việt Nam:
      Chàng đến mời chàng vào đây,
      Trầu têm cánh phượng, ghế mây chàng ngồi.
      Chàng đi đâu cho nhọc thân chàng
      Ở  đây hái rau thia khe cạn, hơn tìm vàng non cao.
                                         Chàng đi thiếp vẫn trông theo,     
      Trông nước, nước chảy, trông bèo, bèo trôi.
      Chàng đi thiếp đứng trông chừng,
      Trông sông lai láng, trông rừng, rừng xanh.
      Lắm cô gái thời phong kiến chọn người yêu là những ông đồ trẻ, chí thú học hành, văn hay chữ đẹp để nương thân. Thật diễm phúc một thời, một nghề được người đời tôn vinh:
      Chẳng tham ruộng cả ao sâu
      Tham vì anh tú rậm râu mà hiền
      Chẳng tham ruộng cả ao liền
      Tham về cái bút, cái nghiên anh đồ
      Thế  thái trên đời là vậy, luôn có lẽ công bằng. Đến lượt mình, những đấng nam nhi đôi khi cũng ngậm đắng nuốt cay trước sự từ chối hoặc tan vỡ khi tình duyên trắc trở:
      Ngày nào em nói em thương,
      Như trầm mà để trong rương chắc rồi.
      Bây giờ khóa rớt chìa rơi,
      Rương long nắp vỡ, bay hơi mùi trầm. 
      Nhưng rồi thân phận người phụ nữ tái tê làm sao, thân gái “mười hai bến nước”, trong nhờ đục chịu cam đành. Ông cha ta, dân gian ta đã từng cho rằng gái có thì, có lứa; tội tình làm sao:
      Còn duyên đóng cửa kén chồng,
      Hết duyên mở cửa gọi ông ăn mày.
      Tôi van ông rẽ vào đây,
      Giường cao chiếu sạch gối mây ông nằm.
      Duyên tôi xưa đáng một trăm,
      Bây giờ ế ẩm xin ông năm hào. 
      Đừng vội chê trách người đàn ông hay bội bạc tình cảm, đó chỉ là số ít thôi. Trong số họ có nhiều người rất thủy chung đối với người mình yêu quý:
      Vào vườn hái đóa hoa na,
      Bước chân xuống ruộng hoa cà, hoa bông.
      Anh thương nhớ ai, anh đứng anh trông,
      Nhớ  người nhân ngãi trong lòng say sưa. 
      Ca dao dân gian phản ánh, miêu tả tình yêu lứa  đôi với nhiều cung bậc khác nhau, không chỉ nội hàm mà còn liên hệ đến những “công cụ, phương tiện”, chất liệu làm cầu nối, là những thủ tục ban đầu tạo nên chất keo dính kết se duyên sau này.
      Trầm này têm tối hôm qua,
      Giấu cha giấu mẹ, đem ra cho chàng.
      Trầm này không phải trầm làng,
      Không bùa không thuốc, sao chàng không ăn?
      Hay là chê khó chê  khăn?
      Xin chàng đứng lại mà ăn miếng trầu.
      Như các môtíp trong văn học, ca dao dân gian cũng có những môtíp riêng, nhưng đối với ca dao, sự cố hữu trong hình thức thể hiện, điều đó không làm hạn chế đến nội dung phản ánh, miêu tả vô cùng phong phú, đa dạng của ca dao dân gian.
      Thách đố trong tình yêu đôi lứa cũng được ca dao phản ánh. Đi tìm lời giải đáp thì thật là vô vọng ... Sự thách đố trong tình yêu lứa đôi có khi chỉ mang tính tượng trưng, nhằm đề cao vai trò, tầm quan trọng của vấn đề, của đối tượng, người thách đố ... mà không cần có lời giải đáp:  
      Đố ai quét sạch lá rừng,
      Để anh khuyên gió, gió đừng rung cây.
      Rung cây, rung cỗi, rung cành,
      Rung sao cho chuyển lòng anh với nàng. 
      Không chỉ thách đố, tình yêu lứa đôi còn làm cho con người thăng hoa trong cuộc sống, tình yêu là hạnh phúc, là ước mơ của mọi người khi đến tuổi trưởng thành, cho dù có lúc “ước mơ chỉ là ước mơ”:  
      Ước sao ăn ở một nhà,
      Ra đụng vào chạm kẻo mà nhớ thương.
      Ước gì anh hóa ra hoa,
      Để em nâng lấy rồi mà cài khăn.
      Ước gì anh hóa ra chăn,
      Để cho em đắp, em lăn, em nằm. 
      Thật ra, trong tình yêu lứa đôi không phải lúc nào cũng dẫn đến con đường hạnh phúc như mọi người mong muốn, thường thì nó có nhiều trắc trở phải vượt qua, nhưng cũng có nhiều trường hợp tình yêu lứa đôi không đi vào đâu:  
      Sông kia bên lỡ bên bồi,
      Bên lỡ thì đục, bên bồi thì trong.
Sông kia nước chảy đôi dòng,
      Biết rằng bên đục, bên trong, bên nào? 
      Ca dao dân gian Việt Nam phản ánh các mặt đời sống xã hội với nhiều nội dung phong phú, đa dạng với thủ pháp đặc trưng của ca dao; một trong các nội dung được ca dao miêu tả nhiều nhất là tình yêu lứa đôi đã được dân gian truyền miệng từ đời này sang đời khác với các cung bậc, cách tiếp biến khác nhau làm người đời khắc sâu. 

Không có nhận xét nào: