Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

Kẹo kéo


Nguyễn Thị Pháp

Kẹo kéo

“Tùng tùng tùng”! Tiếng trống báo hiệu giờ ra chơi giòn giã vang lên. Tiếng la ó tí tửng của lũ học trò nhỏ từ các lớp cũng vang lên giòn giã không kém. Tôi cũng lật đật xếp chồng giáo án lại như lũ học sinh đang lật đật xếp sách vở lại để hăm hở ra sân chơi. Khi được tôi phất tay ra hiệu lệnh là các em ù té chạy ra sân như đàn ong vỡ tổ. Tôi nhìn theo đám học trò nhỏ mà thấy thèm, ước gì mình còn được như “đàn ong” nhỏ ấy? Tôi lẩn thẩn đi về phía phòng nghỉ giải lao của giáo viên nhưng không hiểu sao bước chân lại dẫn tôi đến một góc sân trường tự lúc nào không biết. Tôi say sưa quan sát các em chơi. Đủ các trò có cả những trò chơi dân gian (nhảy dây, bắn bi, đánh chuyền, …) mà thầy trò chúng tôi có cơ hội hâm nóng lại nhờ phong trào thi đua “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” phát động! Thì ra trẻ con thời nào cũng thế, trò chơi gì cũng thích chơi miễn sao có vui là được!.
            Tôi dạo thêm mấy bước nữa chợt nhìn thấy một đám học sinh bu quanh có vẻ hấp dẫn, tôi kiểng chân xem. Thấy tôi đến lũ học trò nhỏ lấm lét giãn ra. Tôi nhìn rõ thì ra đây là ông bán kẹo kéo. Nhưng hình thức bán kẹo kéo này có khác cách bán kẹo kéo ngày xưa trong ký ức tuổi thơ tôi lắm! Ông bán kẹo kéo này có dùng trò chơi bắn súng để lấy kẹo: nếu bắn trúng vào ô số 0 thì không có kẹo, ô số 1 thì một cây, ô số 2 thì hai cây, ô số 3 thì ba cây cứ thế. Nhưng tôi biết chắc rằng nếu bắn trúng ô số 3 thì ba cây kẹo này chỉ được kéo dài ra để thành ba chứ lượng kẹo so với một cây cũng thay đổi mấy! Kẹo k…eo… kéo mà! Tôi nghĩ bụng cười thầm rồi tần ngần xem anh kẹo kéo kéo kẹo! Nhìn cách học trò thưởng thức kẹo kéo! Sao không giống tôi và lũ học trò ngày xưa. Ngày xưa, tôi đi học mê nhất là giờ ra chơi để chạy ngang đến góc trường để ong tôi cho một cây kẹo kéo. Góc trường này đây mấy chục năm về trước ông tôi đã từng bán kẹo kéo! Tôi “hãnh diện” với lũ bạn học vì có ông nội bán kẹo kéo ở trường. Còn lũ bạn cũng rất “nịnh” tôi vì ra chơi nào cũng có kẹo kéo ăn và dĩ nhiên tôi cũng cho các bạn cắn được vài miếng cho đỡ ghiền! Tôi cứ “hãnh diện” “sung sướng” vì có ông nội bán kẹo kéo, nhưng tuổi thơ tôi có biết đâu rằng ông đã phải vất vả rất nhiều. Sáng nào khi tôi ngủ dậy là đã thấy ông đánh kẹo kéo ở sau bếp rồi. Tôi thấy ông thén đường đổ vào thau đồng chưng nước cho nguội rồi bắt ra đánh, kéo. Đánh cho đến khi nào mẻ kẹo dài trắng phau như chòm râu bạc của ông thì mới thôi. Đoạn ông cho đậu phộng rang giòn, chà sạch vỏ đổ vào giữa mẻ kẹo rồi lăn tròn như đòn bánh tét. Sau đó thoa bên ngoài thanh kẹo một lớp dầu phụng chín đã khử thơm. Ông nói cho lớp dầu phụng này bên ngoài thanh kẹo để khi kéo kẹo khỏi dính. Thảo nào làm gì cũng có “bí kíp” của nó chứ! Thoa dầu phụng quanh thanh kẹo to như đòn bánh tét xong ông lại lăn tròn vào chiếc khăn vải tám trắng mà ông đã giặt rất kỹ. Ông đem thanh kẹo đặt vào hộp rồi đậy thêm mấy lớp khăn nữa. Ông cũng cẩn thận cắt đầy hộp các mẫu giấy vuông nhỏ bằng hai ngón tay để khi cắt kẹo là kèm theo một mẩu giấy để học sinh cầm cho khỏi dính tay, hợp vệ sinh – ông bảo vậy!
            Hộp kẹo kéo đã chuẩn bị xong ông tôi mang lên vai, tay cầm thêm một cái ghế xếp do ông đóng cao để ông đặt hộp kẹo cho ngang tầm ông đứng kéo kẹo bán. Kẹo kéo ông thén rất ngon, ông lại bán rẻ. Hôm nào các bạn được điểm mười mách ông, ông lại thưởng cho cái kẹo kéo và kéo dài thêm một đoạn, bọn trẻ thích chí lắm. Chúng đua nhau có điểm mười để ông thưởng kẹo kéo chứ chưa đề cập gì đến danh hiệu thi đua phần thưởng của trường sau này!
            Không kể nắng mưa, ngày nào, ông tôi cũng bán kẹo kéo. Ông bán kẹo kéo ở trường. Nếu hết giời ra chơi rồi mà chưa hết kẹo, ông lại tiếp tục đi khắp nẻo đường quê bán cho trẻ con, người lớn,… có khi ông về đến nhà trời đã nhem tối, gà đã lên chuồng. Ông đặt hộp kéo xuống đất, tay vố vỗ cái lưng, cái vai, hấp háy đôi mắt kèm tiếng thở dài. Tiếng thở dài ấy của ông tuổi thơ cháu nào hay biết! Cháu chỉ biết vồ lấy hộp tiền trong hộp kẹo của ông ra mà đếm, rồi lăn tròn vào cuộn giấy cho ông (chả là những đồng bạc kên mà) ông lấy những cuộn tiền đó giắt lên mái nhà. Ông tính cái để đong gạo, mắm, muối, dầu chè, còn dành mua cho cháu một bộ đồ tết nữa chứ. Tết sắp đến nơi rồi! Nghe ông nói lòng cháu càng thêm sung sướng vô ngần. Ôi tuổi thơ! Dù người lớn có khổ bao nhiêu nhưng trẻ con nào đâu hay biết – vô tư quá! Tôi đã ngủ quên trong sự sung sướng trên sự vất vả tảo tần của nội tôi! Cũng như lũ học trò tôi bây giờ vẫn vô tư lự trước nỗi nhọc nhằn của bố mẹ đấy thôi!
            Tôi đứng lặng yên trong góc sân trường mà da diết nhớ về tuổi thơ tôi có người nội già bán kẹo kéo nuôi cháu ăn học. Tôi bất giác bảo anh kẹo kéo “Bác lấy cho tôi một cây”. Tôi cầm thanh kẹo kéo nhai một cách ngon lành giữa góc sân trường trước bao con mắt cười vui “khám phá” của lũ học trò: “Thầy cũng ăn kẹo kéo hả thầy ?!”.
            Vâng! Thầy vẫn ăn kẹo kéo và mong sao các em cũng thích ăn kẹo kéo – món kẹo dân giã, mộc mạc chân quê nhưng thấm đượm nghĩa tình hơn biết bao sơn hào hải vị khác! Món kẹo mà ông nội thầy đã chế biến sản xuất theo truyền thống cha ông. Món kẹo đã “mê hoặc” một thời tuổi nhỏ của thầy và các bạn! Không chỉ vậy, mà món kẹo kéo do ông nội tần tảo ngày ngày đã nuôi thầy khôn lớn trưởng thành. Giờ thấy các em vẫn ăn kẹo kéo (dù bây giờ các em có đủ loại kẹo ngon khác) khiến lòng thầy vui sao!
            Kẹo kéo giờ trong thầy đâu chỉ là kẹo kéo! Phải chăng một món ăn ngon đâu chỉ là chất lượng mà còn có cả tâm tình! Tôi lại thấy man mán đâu đây bóng dáng nội già xưa!

Không có nhận xét nào: