Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

Ngày Tết nói chuyện Bộc trúc, Đào phù

Vạn Giã



Ngày Tết nói chuyện
Bộc trúc - Đào phù




            Bộ trúc có nghĩa là pháo trúc. Lấy ống tre, trúc, kín hai đầu, nhồi thuốc nổ, đốt lửa cho pháo nổ. Tục lệ xưa, người ta làm pháo trúc để tiểu trừ yêu quỷ, xua đuổi tà ma. Đến khi có giấy, con người lấy nguyên liệu này để thế cho trúc, tre ống. Thay vì nhồi chặc chẽ thuốc nổ vào ống tre, trúc, họ đem thuốc nổ ấy cuộn dẽ đặt trong nhiều lớp giấy. Pháo to hoặc nhỏ, đủ cỡ. Lớn thì gọi là pháo tống, nhỏ thì kêu là pháo chuột,…có ngòi dẫn lửa. Câu đối cổ sau đây nói lên ý nghĩa công dụng của pháo trúc từ thời xa xưa ấy:
                        Bộc trúc nhất phong trừ cựu tuế,
                        Đào phù vạn hộ nhạ tân xuân.
Tạm dịch nghĩa:
Pháo trúc một phong trừ năm cũ,
Đào phù muôn cửa đón xuân sang.
            Hồi còn nhỏ, tôi nhớ mẹ tôi kể lại rằng, cứ mỗi khi Tết gần đến, ông ngoại tôi thường làm pháo đốt trừ ma, và còn vẽ bùa dán trước ngõ. Một hôm, trời đứng trưa, nghe tiếng trẻ con khóc, và tiếng hát ru trên ngọn cây dứa cao ở ngoài gò, ông liền đem pháo ra ngoài ấy, rồi châm ngòi lửa cho pháo nổ, tức thì tiếng khóc và lời ru ngưng bặt. Tương truyền cây dứa lớn ở ngoài đồng, ngoài gò mả, thường là nơi trú ngụ của quỷ ma.  Việc ma quỷ có ở trong các cây dứa lớn ấy hay không, điều ấy không ai đoan chắc, nhưng cái việc đốt pháo vào mỗi dịp xuân về, là tục lệ xưa nay. Cũng như việc dán đạo bùa (đào phù) trước cổng ngõ, thì cho đến bây giờ, nhà ai cũng làm. Nhưng đào phù ấy, nay được thay bằng chữ Phúc, hoặc chữ Xuân, hay có thể là tờ vàng bạc, ý niệm cầu mong cho mọi sự tốt đẹp, ăn nên làm ra đến với gia đình trong năm mới. Còn hai hình Thần Trà (Thần Thư) và Uất Lũy (Uất Luật), thì ngày nay, hai hình ấy chỉ còn tồn tại ở các đình, và lăng thờ cá Ông, 
            Về nguồn gốc của trúc bộc - đào phù, sách Kinh Sở tuế thời ký, ghi chép:”Vào khoảng thế kỷ thứ VI, hằng năm tại đất Kinh Sở, thuộc địa bàn Bách Việt, trong đó có Lạc Việt (Tổ tiên dân tộc Việt Nam). Có ghi hai phong tục về ngày Tết hằng năm . Đó là tục đốt pháo trúc (trúc bộc), và tục vẽ hai bên cửa ngõ bùa gỗ đào phù, có hai hình Thần Trà, Uất Lũy” Ở một đoạn khác, sách này chép:” Ngày mùng Một tháng Giêng, người ta vẽ hai đạo thần. Bên trái là Thần Thư, bên phải là Uất Luật”. Sách Ấu học gọi hai vị thần ấy là đạm quỷ chi thần (thần ăn ma quỷ). Người Trung Hoa xưa có thành ngữ “trúc khua ma”, ý nói pháo trúc xua đuổi tà ma
            Tuy nhiên, trước khi có đào phù, hay nói một cách rõ hơn, thì người xưa đã viết chữ trên đào ngạnh (cành đào) rồi. Họ quan niệm rằng, cành đào là linh thụ, chứa tinh anh của vũ trụ, ngũ hành kim, mộc, thủy hỏa, thổ. Đến đời ngũ đại ( 907 – 959) ở Trung Quốc, các bậc túc nho mới viết chữ trên ván gỗ đào.
Đối liễn phát sinh từ dân tộc Hán. Mỗi khi Tết đến, Xuân về, họ làm hai câu đối Xuân, gọi là xuân liên. Nếu viết treo hai bên cột nhà, thì gọi là doanh liên. Viết trên giấy, thì gọi là doanh thiếp. Như vậy, những hình thức doanh thiếp, doanh liên, liễn đối, có tiền thân từ đào ngạnh, đào phù.
            Người Việt chịu ảnh hưởng một ngàn năm bắc thuộc, do vậy mà câu đối đã giữ một vai trò rất đậm trong nghệ thuật văn chương. Vì liễn đối là một cách tu từ chuẩn xác, là bức họa biền ngẫu song hành. Câu đối không những sâu sắc về ý tưởng, mà còn nói lên phong cách tao nhã của người chơi. Gặp phải những vế xuất có điển lệ từ kinh nghĩa, như kinh Thi, kinh Lễ… chẳng hạn, hay cách dụng từ ngữ hiểm hóc, thì vế đối cũng phải tương ứng mà họa lại cho cân xứng.
Nhân đây, xin lấy ví dụ một câu đối vui thời cận đại: Đem tấm ra vô. Cái nghiệt mà cũng là cái lý thú ở chỗ chữ “ra”.  “Ra’ là từ Pháp Việt, nói gọn ở chữ drap (tấm ra trải nệm). Cái khó thứ hai nữa, đó là cụm ngữ ravô. Một cách chơi chữ tuyệt hảo, lại còn thể hiện ngữ điệu một câu khiến, mang tính sai bảo, đồng thời cũng là động thái đối nghịch.. Vế ứng đối xuất thần như sau :“Kéo áo lên xuống”. Chữ “lên” cũng có nguồn gốc Pháp Việt, nói gọn của từ laine (áo lên mặc ấm). Cao kiến ở chỗ sử dụng cụm ngữ lên – xuống. Ngữ điệu câu khiến, và cũng mang hàm ý đối nghịch. Đem tấm ra vô – Kéo áo lên xuống. Đối nhau chan chát. Thật là tuyệt diệu.
Giai thoại về một câu đôi Tết kinh điển:
            Thiên tăng tuế nguyệt, nhơn tăng thọ
            Xuân mãn càn khôn, phúc mãn đường
            (Trời tăng năm tháng, người tăng tuổi.
            Xuân đẫy đất trời, phước đầy nhà)
Về câu đối trên có liên quan giai thoại văn chương thật đẹp về cách sáng tạo đối với Cao Bá Quát. Ông là người nổi tiếng (văn như Siêu Quát vô tiền Hán). Ông tự cho mimh là người chiếm nhiều bồ chữ trong thiên hạ.Tương truyền rằng. Một hôm, vào tiết Xuân về, có người đàn bà đến nhà Cao Bá Quát, xin ông một câu đối. Năm mới, chắc là cô ta cầu lộc, cầu phúc. Vậy là nghĩ ngay đến câu đối Tết kinh điển trên, ông bèn bớt đi mỗi vế một chữ cuối, rồi viết thành:
            Thiên tăng tuế nguyệt, nhơn tăng
            Xuân mãn càn khôn, phúc mãn
(Trời tăng năm tháng, người tăng.
Xuân đầy đất trời, bụng đẫy đà thêm)
     Chữ “phúc” ý nghĩa chúc phúc, chúc may mắn. và còn có nghĩa là bụng, mà bụng mãn, bụng đẫy đà, vậy là sự mang thai. Xét đấy ta thấy, cũng là một chữ, nhưng Cao Bá Quat đã xử dụng được hai nghĩa. Đúng là tài tình trong cách sáng tạo.
Để khép lại bài viết, xin đuợc chép ra đây bài Cái pháo của Nguyễn Hữu Chỉnh. Ông là người văn võ song toàn, thi đỗ hai cử nhân, cả văn lẫn võ. Người cùng thời với ông cống Chỉnh cho rằng. khúc tứ tuyệt ấy là lời thơ định mệnh, báo trước cái chết thê thảm của ông về sau. Ứng nghiệm sau khi ông phản bội nhà Tây Sơn:
        Xác không vốn những cậy tay người
        Bao nã công trình, tạch cái thôi
        Kêu lắm thì càng tan xác lắm
        Có gì cũng một tiếng mà thôi.



                                                                                         

Tài liệu tham khảo:
- Nguyễn Hoàng Huy, Câu đối trong văn hóa Việt Nam, NXB. Tổng hợp, TP. Hồ Chí Minh, năm 2004.




an nam 8.tif
 
                                      





Không có nhận xét nào: