Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

Tri thức dân gian người Cờ Tu về cây thuốc nam


Bh’Riu Liếc

Tri thức dân gian người Cơ tu
về cây thuốc nam

            Cây thuốc
            Do sống ở dãy Trường Sơn hùng vỹ, nơi đây còn rất phong phú và đang trong dạng động, thực vật. Người Cơ tu từ lâu biết dùng các cây thuốc quý, nhiều loài cây chữa khỏi bệnh hiểm nghèo, song cũng có nhiều loại cây rất độc, ăn phải là sinh bệnh và chết người, như: Mr’nghêê, bha’nuoosh, a’ush, anir, ađập, Chr’găm,…ăn phải thứ này không biết bệnh, không chữa kịp là khó qua khỏi. Cũng một cây thuốc, có thể lóng cây là thuốc giải còn mắt cây là thuốc độc. Thậm chí có loài cây theo những người hiểu biết họ kể chỉ cần bứt đọt lá đót xông hơi trúng người nằm trên sàn nhà, người đó chết (?).
            Ngoài ra, C’tu còn tin có cây thuốc để người khác thương mến hay ganh ghét; thuốc nhử chim cá; thuốc dùng trong buôn bán v.v…các loài thuốc đó là:
            1. Ngải thương: Đây là loài cây họ trồng có tên gọi amor amêêr. Người ta tin khi để lá cây này vào áo quần người con gái hay con trai mình yêu thích thì cô ta (hay anh ta) sẽ yêu mình chết mê, chết mệt. Cũng từ cây thuốc này đã từng xảy ra mẹ chồng lấy thuốc để vào chỗ con dâu và con trai mình mong hai đứa yêu thương nhau trọn đời [1]. Nhưng do sơ suất thế nào dẫn đến trời xui, đất khiến trái với ý bà già, thuốc lại không linh ứng với hai đứa trẻ mà ngược lại làm trái luân thường đạo lý con về ngủ với mẹ (?), sau đó khẩn trương tìm thuốc khác để giải ngay mới hết. Điều này không hiểu có phải từ cây thuốc đó không, nhưng việc con ngủ với mẹ là điều có thật, hiện hai người còn sống và con trai bà già đã có vợ con đàng hoàng. Người ta cho rằng: sau này mẹ kể lại, nguyên nhân xảy ra như trên do bà sơ suất quên bỏ thuốc trước cho con dâu, sau đó bỏ cho con trai mình – nên thuốc không linh ứng với con dâu. Sự việc xảy ra như trên dân làng thông cảm, bởi người ta cho là nguyên nhân do thuốc – chứ không phải chủ quan từ hai người, nên không bị phạt theo luật tục và dân làng phải giúp đỡ tìm thuốc giải.
            2. Thuốc dùng khi buôn bán: Thuốc có tên gọi ứ’nang, ứ’nêêr, họ cho rằng người nào đi buôn bán có mang theo thuốc này thì hàng bán chạy. Thậm chí người ta tin đến nỗi nếu để thuốc trong hàng hóa nếu khách hàng cầm hàng đó họ sẽ thích và bằng mọi giá, họ mua.
            Ngoài ra còn nhiều loại thuốc có những tác dụng khác nhau, như Pr’đáo trâu, bò hay người nào hung hăng giận giữ khi cho uống hoặc tát nước thuốc vào người sẽ trở thành hiền.
            3. Để trừ tà ma người ta trồng các loài thuốc có tên: chrhor, zi’rơ, cr’tợ - ý niệm họ trồng thứ này để tránh điều ác; còn tránh tiếng tăm, tránh sự dè xẻn đến mình thì họ trồng: pr’vish, ư’đăr, cr’đắp,…
            4. Dịch P’rong là gì ? [2] Đây là một thứ dịch bệnh mà người C’tu rất sợ, đau vì bệnh này thường sốt cao, ỉa chảy ra máu, lòi mắt, lòi hậu môn,…chết nhanh, chết hàng loạt – nhất là người già và trẻ em. Khi có bệnh dịch này xảy ra, người ta nghe có tiếng ồn ào chung quanh làng giống như tiếng người, nhưng nghe không rõ lời nói gì, theo kiểu có động không thấy hình.
            Nguyên nhân: Cơ tu cho p’rong do người ta lấy từ vỏ cây tên p’rong, cây này chỉ còn duy nhất hai cây hiện nay còn sống ở suối chi loor, nguồn sông Lăng. Cây thẳng, cao sum suê nhiều cành nhánh, vỏ trắng, lá xanh to đậm; nếu chim thú đậu phải cây này vì có nhựa độc nên nó chết và rơi xuống đất.
            Trước đây trong thời kỳ phong kiến khi xảy ra chiến tranh, một bên thua trận muốn trả thù nhưng không nổi vì sức mạnh bên kia hơn bên này, thì người ta tìm và dùng sức mạnh thần bí p’rong để đánh bại bên thắng trận.
            Cách sử dụng: người ta đi rừng lấy vỏ cây p’rong và đóng tại gốc cây một miếng sắt-C’tu gọi ddonoong pơi’liêng hay còn gọi pơr’kieesh để xin sự linh ứng của thần cây, sau đó bóc vỏ đem về đến làng nào mà muốn trả thù, tất nhiên phải giấu kín, có thể trộn vào bùn trát vào lông trâu hay bò, bỏ vào bếp hay đống củi,…để đốt cháy. Khi vỏ cây đó bị đốt cháy sẽ xuất hiện bệnh dịch p’rong tại làng cần trả thù ấy. Từ khi dịch bệnh phát lên nếu không kịp chuồn chạy thì cả làng chết sạch (họ kể đã từng xóa sổ nhiều làng vì p’rong).
            Ngày nay, kể từ ngày có Cách mạng, việc dùng p’rong đã chấm dứt, nhưng khu vực nào, cây nào, làng nào,…trước đây họ đã để p’rong-Cơ tu rất sợ đến, sợ phá và sợ đốt. Việc chết chóc như trên không rõ nguyên nhân từ đâu, có phải từ cây p’rong không? Điều này chắc chắn không phải vì phi khoa học. Nếu đau và chết nhiều trong một làng như vậy thì đây là do dịch bệnh khác, như dịch sốt rét, thổ tả, đậu mùa,v.v…Song điều thực tế xảy ra ở khu vực cây p’rong hoặc đã bị xảy ra trước đây nếu người làm động vào ban ngày hay ban đêm, nhất là đêm rằm sẽ nghe có tiếng người nói, người hú, người la,…ầm ĩ cả đêm, rất sợ. Điều này là có thật, do vậy khi đi rừng già, sông sâu chớ nên đùa giỡn quá trớn làm động rừng-người Cơ tu rất kỵ vì sợ có một thế lực vô hình khác đến tìm, điển hình như p’rong.
            Trường hợp trong làng biết bị xảy ra p’rong nhưng người còn sống sót thường lặng lẽ, âm thầm chuồn chạy vào đêm khuya theo chiều xuôi gió, xuôi nước đến một khu rừng khác lập làng mới, sau này khu vực làng cũ không ai dám bén mảng đến. Chính điều này mà ngày nay khi xây dựng khu tái định cư hoặc các công trình phúc lợi khác: bệnh viện, trường học,v.v…cần chú ý hỏi kỹ dân bản địa khu vực đất đó có ở được không? Nếu không biết điều này mà quy hoạch xây dựng sau này khó vận động dân làng đến ở đó – vì họ bị ám ảnh, âu lo, sợ hải, nó truyền đi từ đời này đến đời khác, họ tránh đến, tránh ở.
            5. Thuốc độc Ch’pơơr là cây gì? Đây là một loại nhựa cây rất độc, người ta chiết lấy từ cây có tên ch’pơơr, họ chế nhựa để bôi vào tên bắn chết các loại động vật to hay nhỏ.Trong chiến tranh chống Pháp và Mỹ người ta dùng thuốc này để đánh giặc, giữ làng. Vì ch’pơơr độc, người ta cũng kỵ không đốt cây, vỏ hay nhựa giống như cây cây p’rong. Nếu đốt phải cây này sẽ sinh thành dịch bệnh như cây p’rong nêu trên.
            Cây ch’pơơr mọc hoang ở rừng ven sông Lăng từ ngã ba suối Arất trở xuống đến sông Bung, thân cây gỗ to, vỏ trắng, lá to, dày, vỏ có mủ màu trắng đục. Lấy nhựa ch’pơơr bốn mùa đều được, nhưng thường họ lấy vào mùa xuân độc hơn so với các mùa khác vì lúc này thời tiết khô héo, mưa chưa xuống cây ra nhựa ít, chất độc nhiều.
            Cách lấy nhựa ch’pơơr làm thuốc độc: lấy nhựa cây ch’pơơr gần giống như lấy mủ cao su; buổi sáng sớm người ta tạo vết vỏ cây hứng ống tre, chiều tối đi gom lại và nấu ngay để chín mủ, sau đó đem về nhà nấu trong nồi gốm. Muốn nấu được trở thành thuốc độc phải có chất xúc tác trộn lẫn cùng mủ cây ch’pơơr, chất xúc tác này bao gồm: nước của dây tr’ngăng, nước này rất đắng để chế khi nấu; môn zr’loowsc (môn rừng mọc trên núi cao), củ t’ngon và một số thứ khác trộn lẫn với mủ cây nấu chung. Tỷ lệ trộn lẫn để nấu khoảng 10% so với mủ cây ch’pơơr.
            Thời gian nấu để đến độ chín thành thuốc độc khoảng trong vòng một tiếng đồng hồ, đến khi độ chín tới, nước thành cao là được. Trong khi nấu người ta thường thử bằng cách nhúng thuốc độc thọc vào các loài như cua suối, thằn lằn, cá trê hay con chuột mới  sinh còn đỏ hỏn. Nếu loài nhỏ này chết nhanh thì các loài to lớn khác đều chết khi trúng độc.
            6. Thuốc săn, bắt chim thú có không? (Cơ tu gọi z’nươu choom bơơn ađắh, achim). Bởi vì họ đặt câu hỏi: tại sao ông này bắt được nhiều chim, ông kia bắt được nhiều thú, ông nọ buôn bán chạy hàng, v.v…Người Cơ tu tin và cho rằng người đó ngoài tài giỏi ra, họ còn có mang thuốc, nên dễ gặp may, săn bắt được một cách dễ dàng. Vậy, các loại thuốc đó có không, họ lấy ở đâu, dùng như thế nào?
            Theo những người lớn tuổi họ nói Cơ tu có thuốc dùng để săn bắt, mua bán. Thuốc nhiều loại và có linh ứng cho mỗi thứ một cách khác nhau, phổ biến các loài thuốc sau:
            - Thuốc linh ứng cho chim và loài thú nhỏ, đó là cr’lieesh, c’crắh, xất, m’lớơc, akếch.
            - Cr’lieesh: một loài cỏ mọc hoang ở đỉnh núi đá có độ cao so mặt biển trên 2.000 mét nằm phía Tây bắc huyện Nam Giang – gọi núi Ta’pra. Cỏ này có hai loài cỏ đực và cỏ cái; cỏ đực lá nhỏ hơn và C’tu thích cho rằng linh ứng hơn cỏ cái. Người ta lấy cr’lieesh bôi hay đốt vào vật săn bắn để xông khói. Làm như vậy người ta tin sẽ linh ứng với chim thú dễ gặp may, săn bắt được nhiều.
            C’crắh: khi đi rừng nếu bạn thấy buồng chuối nứt ra từ thân cây chuối ngay ở đoạn giữa, chuối ra ngoài uốn cong và bắp chuối còn nằm ở trong cây chuối; người ta chặt buồng chuối này phơi khô (đêm chặt chuối nếu nằm mơ tốt như thấy con chó, hay bé sơ sinh là tốt). Sau đó đem theo cùng vật dụng người ta tin linh ứng săn bắt dễ dàng.
            Xất, mr’lớơc: cây họ trồng truyền từ đời này sang đời khác, họ trồng bia mật nơi kín. Người ta dùng khi săn bắt chim, sóc, cá tìm tổ ong,v.v…
            Akếch: một loài con bọ nhỏ, đen có hai loại con cái và con đực; con cái thường hay gặp và không dùng được; con đực trên đầu có sừng, bắt gặp con này người ta cất và tin có linh ứng và hiệu nghiệm khi đi săn bắt, mua bán dễ gặp may.
            - Thuốc linh ứng cho thú: pui, cahụp, apặ, a’ngong đây là các loài thực vật họ trồng và mua bán nơi kín đáo vào đêm khuya. Khi mua bán họ cũng chờ kết quả nằm mơ thế nào? Nếu tốt người ta tin là hiệu nghiệm, mơ xấu họ bỏ không trồng. Sự thực, thuốc có linh ứng không? Là điều khó giải thích, bởi vì người Cơ tu hầu như họ không tin có thuốc thật. Họ minh chứng người nào có mang thuốc nêu trên, người đó dễ săn bắt được nhiều chim, thú, cá, ếch,v.v… cùng đi tại một khu rừng, cùng làm một dãy bẫy, cùng lưới một đoạn sông, cùng đi chung tìm tổ ong,… thì người này bắt dễ dàng hơn người kia, thấy tổ ong trước người nọ,…Từ lẽ đó họ tin là thuốc có hiệu nghiệm. Song mang thứ thuốc này không phải đơn giản, phải kiêng kỵ nhiều thứ trong sinh hoạt. Bởi vì họ nói rằng phải siêng năng đi sớm về khuya, lặng lội chịu khó; không tức giận cãi vã bậy bạ, không trai gái, không ăn cắp, ăn trộm,…tức là không làm điều ác và trái đạo đức. Nếu làm những điều đó thuốc linh ứng nhanh với các tật xấu ấy. Do vậy, việc mang thuốc rất khó chỉ dành cho người lớn tuổi, hiền từ, siêng năng, sống có đạo đức,…
            Lời bàn: cây thuốc là có thật nhưng có linh ứng với chim thú như trên là chưa có cơ sở khoa học. Nhưng theo tôi thuốc từ cây cỏ, con vật,…thì không thể như điều ta mong muốn đó được. Người nào bắt được nhiều chim, thú, thấy trước tổ ong, bắt được cá, bán chạy hàng,…bởi vì họ siêng năng chịu khó đi sớm về khuya, họ kiếm tìm, tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống nên họ biết cách thức săn bắt dễ dàng hơn so với người lười nhác, không có kinh nghiệm.






an nam 3.tif
 
 





[1] Do phong tục ép gả nên cô vợ không ưng chồng, người mẹ phải dùng đến thuốc để hai trẻ yêu nhau thành vợ, thành chồng.
[2] Các cụ già kể rằng tại làng Patiíh, bị giặc mùa tấn công, cả làng bị giết sạch, chỉ còn sống sót một thanh niên tên là Bh’riu Pr’ti-tăng, cậu ta tiếc thương gia đình và hàng xóm bị giết oan và uất hận kẻ giặc kia, nhưng sức ông không thể nào trả thù nổi, nên chỉ khóc lóc ngày này đến ngày khác. Khi chớp mắt nằm ngủ thì ông mơ thấy người đến dặn: Tại sao mày lại khóc? Muốn trả thù hả thì đến nguồn sông Lăng tìm cây để trả thù. Nghe vậy, ông thức dậy không khóc lóc nữa và chuẩn bị nhiều lương thực đi ngược dòng sông Lăng, tới đâu chặt cây hỏi: cây có giúp gì tôi không? Hỏi mãi, tìm mãi vẫn chưa gặp; nhưng không nản lòng vì uất hận, nặng lòng trả thù gia đình và hàng xóm, nên tiếp tục băng rừng, vượt núi đúng ba tháng ròng rã thì thấy có ba cây to cao mọc gần nhau, ông chặt cây đầu tiên và hỏi thì cây trả lời: chúng tôi giúp được anh trả thù! Ông mừng rỡ và lại hỏi tiếp: có hiệu nghiệm không? Cây trả lời: Không dám nói hiệu nghiệm hay không, nhưng anh xem dưới tán lá có gì không? Ông ngước mắt nhìn xuống đất thấy cả đống xương thú chất đầy, bởi vì động vật nào đậu cây đều chết rớt xuống. Sau đó ông chặt ngã một cây, lấy vỏ đem về trả thù làng.
   Ngày nay, cây ông Pr’ti-tăng hạ đó vẫn còn nguyên vì không có mối mọt gì ăn nó được và hai cây còn lại vẫn xanh mướt giữa rừng sâu tại con suối Chi loor-điều này nhiều người dân của xã Lăng kể cho nghe và thấy thật còn có hai cây như nói trên là đúng.

Không có nhận xét nào: