Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

Những ý tưởng bất chợt

Bùi Văn Tiếng




Những ý tưởng bất chợt
    (Qua một số truyện cổ dân gian Việt Nam)

 


1
Đọc truyện cổ dân gian Việt Nam, hầu như không thấy cuộc hôn nhân nào thật suôn sẻ đến đầu đến đũa. Cuộc hôn nhân giữa Mỵ Châu và Trọng Thủy đầy bi kịch do bắt nguồn từ một thủ đoạn chính trị và một “trái tim nhầm chỗ để trên đầu” (thơ Tố Hữu), cho nên cũng không thể gọi những ngày họ sống bên nhau là đời sống vợ chồng đúng nghĩa, nói khác đi cuộc hôn nhân này tan vỡ ngay trong lễ vu quy chứ không chờ đến lúc Mỵ Châu ngồi rắc lông ngỗng sau lưng cha nàng. Cuộc hôn nhân giữa nàng Thị Nhi trong Sự tích Táo quân với người chồng trước là Trọng Cao sớm kết thúc do nàng quyết không cam chịu bạo lực gia đình - dẫu chỉ một lần, còn với người chồng thứ hai là Phạm Lang thì cũng nửa đường đứt gánh bởi tình-huống-đốt-rơm-ngoài-kịch-bản. Cuộc hôn nhân giữa Giáng Hương và Từ Thức trong truyện cổ tích Từ Thức gặp tiên tuy rất lãng mạn - do xuất phát từ một mối tình lãng mạn vào bậc nhất trong văn chương nước ta - nhưng rồi cưới chẳng bao lâu hai con người hạnh phúc này cũng đành phải chia tay, và vì truyện chỉ kể đến đoạn Từ Thức tìm đường quay lại cõi tiên nên không rõ vợ chồng họ có còn được tiếp tục sống với nhau không - tôi nghĩ chắc là không được, dẫu biết rằng nơi xa xăm ấy nàng Giáng Hương vẫn cứ ngóng chờ chồng…
2
Nói mối tình Giáng Hương và Từ Thức lãng mạn vào bậc nhất là bởi không gì lãng mạn bằng hình ảnh người đàn ông nghĩa hiệp và hiếu mỹ sẵn lòng cởi áo cừu đang mặc đền cho nhà chùa để cứu cô gái trẻ bị trói ở gốc cây. Tuy nhiên đọc truyện cổ dân gian Việt Nam, chúng ta còn thấy một người đàn ông khác cũng nghĩa hiệp và hiếu mỹ không kém Từ Thức - đó là anh nông dân Ngọc Tâm trong Sự tích con muỗi. Ở đây không phải chiếc áo cừu mà là ba giọt máu nóng hổi và tấm lòng nhân hậu của Ngọc Tâm đã cứu sống được nàng Nhan Diệp xinh đẹp - người vợ không mấy ngoan hiền nhưng anh vẫn hết lòng thương quý. Tuy nhiên cuộc hôn nhân giữa Nhan Diệp và Ngọc Tâm dẫu có thêm sức nặng của cái ơn cải tử hoàn sinh cũng không kéo dài thêm được bao lâu, vì sau khi sống lại Nhan Diệp đã sớm nói lời chia tay với chồng để bước sang một bờ bến mới... Có lẽ mấy trăm năm hay nhiều hơn thế đã qua đi nhưng cho đến tận hôm nay dường như nàng cũng chưa gặp lại người cần gặp và trong thâm tâm tôi vẫn hằng mong nàng có được cuộc tái ngộ độc đáo hy hữu này, bởi với ngần ấy thời gian bay cùng tiếng kêu vo ve và đôi cánh nhỏ, nếu được trở lại làm phụ nữ chắc nàng sẽ không chọn ai khác làm chồng ngoài người đàn ông từng cho nàng và từng đòi nàng trả ba giọt máu năm xưa.          
3
            Người con gái trong Sự tích trầu cau đã chủ động tìm hạnh phúc cho mình qua việc so đũa chọn chồng: “Trông thấy hai anh em họ Cao vừa đẹp vừa hiền, người con gái đem lòng yêu mến, muốn kén người anh làm chồng, nhưng không biết người nào là anh, người nào là em. Một hôm, nhân nhà nấu cháo, người con gái lấy một bát cháo và một đôi đũa mời hai người ăn. Thấy người em nhường người anh ăn, người con gái mới nhận được ai là anh, ai là em. Sau đó, người con gái nói với cha mẹ cho phép mình lấy người anh làm chồng”. Khác với cuộc hôn nhân dám vượt qua lằn ranh giai cấp của Tiên Dung và Chử Đồng Tử không được vua Hùng chấp nhận dẫn đến chỗ dầu không tan vỡ nhưng cũng không thể tồn tại dài lâu trong cõi nhân gian - sau một đêm mọi thứ liên quan đến vợ chồng Tiên Dung chỉ còn lại cái đầm lớn trên mặt đất gọi là đầm Nhất Dạ, cuộc hôn nhân của vợ chồng người anh trong Sự tích trầu cau rất môn đang hộ đối được thầy Lưu tác thành nên hoàn toàn có khả năng trở thành cuộc hôn nhân mỹ mãn nhất trong truyện cổ dân gian Việt Nam. Tuy nhiên như chúng ta đều biết, Sự tích trầu cau thực chất là bi kịch của sự giống-nhau-ở-chỗ-cần-phải-khác-nhau, cho nên cuộc hôn nhân tưởng chừng mỹ mãn ấy cũng đã sớm vỡ tan trong đời thật…
4
            Tương tự như cuộc hôn nhân ngắn ngủi của vợ chồng người anh trong Sự tích trầu cau, cuộc hôn nhân của vợ chồng anh ngư dân trẻ trong Sự tích hòn Vọng Phu cũng sớm khép lại khi người chồng một hôm tình cờ phát hiện sự thật là mình đang lấy em ruột làm vợ và do quá đau lòng trước bi kịch loạn luân đã giong buồm ra đi mãi mãi, để lại người vợ mỗi chiều bồng con trèo núi trông chồng cho đến khi cả hai mẹ con cùng hóa đá. Rồi cuộc hôn nhân của Cúc Hoa và Phạm Công tuy cuối cùng gương vỡ lại lành, vợ chồng đoàn tụ nhưng dẫu sao cũng từng gián đoạn hàng chục năm trời mỗi người một ngả... Tất nhiên, đọc kỹ thì có thể tìm thấy trong truyện cổ dân gian Việt Nam một cuộc hôn nhân không hề tan vỡ - cuộc hôn nhân của công chúa Mỵ Nương và Sơn Tinh trong truyền thuyết Sơn Tinh - Thuỷ Tinh. Sở dĩ nói không hề tan vỡ là do truyện kể đến đoạn Sơn Tinh cưới được Mỵ Nương làm vợ thì không nói gì đến Mỵ Nương nữa, người đời sau như chúng ta chỉ có thể thông qua chi tiết nghệ thuật hằng năm Thủy Tinh dâng nước đánh nhau với Sơn Tinh để suy ra rằng Mỵ Nương và Sơn Tinh vẫn luôn chung sống, còn việc họ sống đời sống vợ chồng có hạnh phúc hay không thì chưa ai rõ. Cho nên suy đến cùng, vẫn có thể nói dở dang là đặc điểm khá đậm nét của các cuộc hôn nhân trong truyện cổ dân gian Việt Nam.

Không có nhận xét nào: