Thứ Hai, 26 tháng 3, 2012


Lê Quang Đức

Hà Nội qua một bài ca dao

Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương,
Mịt mù khói tỏa cành sương,
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ.
 

      Hà Nội từ ngàn năm cho tới bây giờ vẫn đi vào trong thơ với nhiều bút màu khác nhau. Thế nhưng trong tôi vẫn hiện diện một Hà Nội như bài ca dao dân gian này.
      Khi mở cánh cửa bài ca dao ra, ta chỉ thấy một bức tranh giản dị chỉ gió và trúc quyện chặt nhau hiện lên: Gió đưa cành trúc la đà. Chiều Thăng Long, cành trúc khẽ động như ngây ngất và la đà say. Hình ảnh thơ vừa thực, vừa ảo. Thực bởi chúng hiện ra rất cụ thể, nhưng cũng ảo bởi hình ảnh thơ giàu tính tượng trưng.
      Sau hình ảnh giản dị ấy là tiếp nối âm thanh (tiếng chuông, canh gà, nhịp chày), là sự kế tiếp những scene hình ảnh (mịt mù, khói toả, cành sương, mặt gương Tây Hồ). Âm thanh xen lẫn hình ảnh, nối tiếp hòa vào nhau như những thước phim tôn tạo nên một Hà Nội thật đầy đặn trong tâm trí người thưởng ngoạn.
      Tưởng tượng và hình dung, dường như đằng sau những âm - hình bằng thơ ấy có dòng thời gian đang luân chuyển. Rõ, thật rõ, một ngày Hà Nội trọn vẹn dường như đi qua trong những câu ca dao trên. Tôi có cảm tưởng với một cảm giác rất rõ, bài ca dao mở ra rồi khép lại theo đúng vòng quay một ngày của trái đất để cái ngày hằng thường ấy, Hà Nội hiện lên cùng với những không gian riêng của nó, những đặc trưng riêng của nó. Câu 1 bắt đầu với buổi chiều, có lẽ như thế, vì “gió đưa cành trúc la đà”, gió chiều ngả nghiêng trên tàn cây Hà Nội ven hồ. Câu 2 tiếp theo là đêm, là đêm nên câu 2 không ảnh hình, chỉ có âm thanh. Bấy giờ người nghệ sĩ dân gian chỉ còn nghe Hà Nội qua tiếng chuông chùa quen thuộc, lắng sâu: Tiếng chuông Trấn Vũ. Rồi nửa câu 2 tiếp theo là khuya, khuya lắm, nên người ta chỉ còn nghe được tiếng gà gáy cầm canh đầm ấm thôi: canh gà Thọ Xương.
      Đến câu thơ thứ ba thì chỉ có hình ảnh: Mịt mù khỏi toả cành sương. Mà dường như có một nguồn ánh sáng soi vào cảnh vật Hà Nội, lướt đi theo các âm trong câu lục thứ 3, bởi thế nên mở đầu câu là cảnh “mịt mù”, nhưng sau lại thấy “khói tỏa”, và rồi bất ngờ kết thúc câu bằng “cành sương” nhô lên, và đọng lại trong mắt đợi chờ của người yêu Hà Nội. Cành sương ngưng đọng vẻ đẹp của đêm để lại như biểu tượng của sự cứng rắn, kiên gan nhưng đầy lắng đọng và lãng mạn dưới bầu trời Thăng Long sau đêm.
      Câu ca dao thư tư kết thúc bài thơ vừa bằng âm thanh: Nhịp chày Yên Thái, vừa bằng hình ảnh rất Hà Nội: mặt gương Tây Hồ. Rõ là Hà Nội đã qua một đêm trong thơ, để cho một ngày Hà Nội lao động sáng mai bắt đầu nhịp nhàng qua tiếng giã bột làm giấy của làng Yên Thái. Để rồi đến trưa thì Hà Nội lại trong vắt như trong mặt nước Hồ Tây. 
      Bài ca dao có kết cấu mở rất rõ: mở ra từ chiều, tối đến sáng, trưa, mở ra để những thắng cảnh, làng quê văn hóa của Hà Nội hiện lên dần dần: Trấn Vũ, Thọ Xương, rồi Yên Thái, Tây Hồ.
      Bài ca dao thật ngắn mà thể hiện được sự chuyển động nhịp nhàng và hài hòa giữa hình ảnh và âm thanh, giữa không gian và thời gian. Hình ảnh và âm thanh ấy, không gian và thời gian ấy thật logic với tâm lý sáng tạo của người nghệ sĩ trong việc quan sát miêu tả Hà Nội. Phải nói rằng chỉ có sống hết mình, nhập thân vào Hà Nội với một lòng yêu thương gắn bó tha thiết, phải cảm nhận bằng tất cả sự sâu sắc và tinh tế thì mới có được một tứ thơ tuyệt vời để khắc họa nên những câu ca dao hay như một bài thơ như thế. Vượt qua thi pháp ước lệ, tượng trưng, vượt qua những hình ảnh, âm thanh như những nét ký thác, chấm phá, Hà Nội hiện lên thật trọn vẹn, rõ ràng không chỉ ở cảnh - tình mà ở từ trong chiều sâu văn hóa của nó. Và qua bài ca dao, bao thế hệ người Việt vẫn như còn nghe được tiếng vọng hồi âm của một Hà Nội xưa thanh thoát, trầm tĩnh, sâu lắng mà gần gũi, đầm ấm lạ thường.
      Bài ca dao lục bát chỉ gồm hai mươi tám chữ vẹn nguyên, vừa đúng bằng số chữ của một bài thơ tứ tuyệt Đường thi, nhưng lại miêu tả được hồn thơ của trái tim đất nước. Giản dị, hàm súc và ước lệ cao độ, bài ca dao được viết bằng một ngôn ngữ thuần Việt đã dồn nén được những năng lượng ý nghĩa. Phải chăng đấy là một lối Đường thi của dân tộc ta vậy ?
      Dù rằng tôi biết đây là bài ca dao “đi ra” từ một bài thơ của cụ Á Nam Trần Tuấn Khải, nhưng tôi vẫn tin là nhân dân đã đúng khi “tước bản quyền” của cụ Á Nam để sở hữu thành của dân gian. Và qua cái sự “nhâm nhi” bài ca dao, tôi cũng thấy không hề sai điều này: khi đã đọc bao nhiêu câu thơ hiện đại rồi, tôi vẫn muốn quay về với câu ca lời hát dân dã của ông cha mình. Dường như đó là một mạch nguồn linh diệu cho con ngưòi gắn bó với đất đai, giọng nói của ông cha mình, để từ cuộc đời đi đến với thơ và từ thơ đi đến với cuộc đời. 

Không có nhận xét nào: