Thứ Hai, 26 tháng 3, 2012


Đinh Thị Hựu

TÍNH NGỮ TRONG CA DAO QUẢNG NAM, ĐÀ NẴNG
   

Xét trên góc độ ngôn ngữ học, tính ngữ là một tổ hợp từ tự do không có kết từ đứng đầu, có quan hệ giữa thành tố chính với thành tố phụ, trong đó thành tố chính là tính ngữ ( còn gọi là  ngữ tính từ ).Trong ngôn ngữ học, tính từ và ngữ tính từ thuộc nhóm thực từ là một từ loại cần thiết có tác dụng miêu tả đặc điểm, tính chất, hình dáng, trạng thái…của sự vật, hiện tượng. Đứng trên bình diện ngôn ngữ nghệ thuật, tính ngữ là định ngữ một phía của ngôn từ hoặc xác định ý nghĩa chúng chiếm ưu thế, hoặc làm tăng thêm, nhấn mạnh thêm một phẩm chất đặc trưng nổi bật nào đó của sự vật (1).
Trong ca dao Quảng Nam, Đà Nẵng, tính ngữ chỉ màu sắc có tần số xuất hiện cao hơn. Điều đó cho biết rằng với tâm hồn trong sáng, lạc quan, thiết tha với cuộc sống muốn vươn lên làm chủ thiên nhiên, làm chủ xã hội nên người nông dân xứ Quảng thường sử dụng những gam màu sáng, tươi tắn để ẩn dụ về sự phát triển, ước mơ hy vọng của mình. Qua khảo sát, so sánh đối chiếu trong kho tàng ca dao dân ca đất Quảng, có thể nhận diện gam màu xanh chiếm tỷ lệ cao nhất, rồi đến màu vàng, màu đỏ:

         -Trồng cây cũng muốn cây xanh
Nuôi con cũng muốn con thành thất gia

-Chim xanh ăn trái ổi tàu
                                   Xứng đôi mẹ gả ham giàu làm chi

-Lom khom dưới ánh trăng vàng
                                  Tay cầm bó mạ cấy hàng lúa xanh

-Quý chi một nải chuối xanh
                                 Năm bảy người giành cho mủ dính tay


Nhóm tính ngữ chỉ màu sắc có thể là từ đơn: (cây) xanh, (trăng) vàng,…nhưng cũng có thể là từ ghép. Trong ngôn ngữ sinh hoat, khẩu khí của người Quảng thường mạnh mẽ nên người Quảng thường dùng những từ ghép chỉ đặc trưng tính chất tuyệt đối như đỏ au, trắng nõn, xanh biếc… để tạo ấn tượng mạnh:

Lắm tiền thì lắm nhơn duyên
                              Cô kia trắng nõn, không tiền lấy ai?
Đặc biệt đôi khi sau các tính từ chỉ màu sắc người Quảng còn kết hợp với các từ láy tạo thành những tính ngữ kép: trắng phau phau, đỏ hồng hồng…để làm phong phú thêm sắc thái biểu cảm:
Cô kia má đỏ hồng hồng
Cô không biết chữ thì chồng cô chê…

Giá trị biểu cảm của tính ngữ trong ca dao thật sâu sắc, cuộc sống được tái hiện một cách sinh động phong phú trong vẻ đẹp tự nhiên đa dạng của thiên nhiên và tâm hồn con người. Những gam màu sáng - tối, những khoảng cách không gian xa - gần, những tâm trạng dạt dào yêu thương hay nhớ nhung cách trở đều được tính ngữ thể hiện một cách phong phú và đa dạng. Tính ngữ ẩn dụ càng đòi hỏi sự kết hợp hài hoà giữa trí tuệ và cảm xúc, cùng những thủ pháp nghệ thuật như: tỷ dụ, ẩn dụ,  tượng trưng, nhân hoá,…thời gian nghệ thuật, không gian nghệ thuật…tính ngữ còn góp phần quan trọng để ca dao dân ca đất Quảng phô diễn vẻ đẹp tâm hồn  của nhân dân lao động :

Người ta ăn ở vuông tròn
Sao anh ăn ở như đàn đứt dây:
Trong ca dao cổ thường ít dùng gam màu tối, có chăng là thể hiện quan niệm thẩm mỹ một thời cuả nhân dân: răng đen, áo nâu, áo thâm…Trong ca dao Quảng Nam, Đà Nẵng gam màu sậm còn được dùng để thể hiện tính dân dã, đạm bạc của người bình dân:
Chuối xanh nấu với ốc nhồi
Tuy nước nó xám mà mùi nó ngon

Trong ca dao, màu sắc còn được hiểu theo nghĩa ẩn dụ của văn cảnh:

Ai ơi đã vít thì vin
Đã chơi bông trắng đừng nhìn bông xanh

Bông trắng, bông xanh ở đây không còn được hiểu là những bông hoa mà phải hiểu là những người con gái. Sự phong phú, hấp dẫn của ca dao được tạo nên bởi nhiều yếu tố trong đó có sự góp phần của việc sử dụng tính ngữ ẩn dụ. Trong số các tính ngữ,có thể nói tính ngữ chỉ mùi vị là loại tính ngữ được dùng với nghĩa ẩn dụ nhiều hơn cả:
Tay bưng dĩa muối chấm gừng
                                  Gừng cay, muối mặn xin đừng bỏ nhau

          Trong ca dao Quảng Nam, Đà Nẵng tần số của tính ngữ mùi vị cũng khá cao (khoảng 80 lần) trong đó mùi thơm (20 lần) cay, (16 lần), chua (14 lần), ngọt (13 lần), đắng (7 lần), đắng cay (6 lần):

                                       Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay
                                Qua sông nhớ suối, có ngày nhớ đêm    
­­­­­­­                                                    
Chức năng của ca dao là phô diễn tâm tình nên tính ngữ chỉ trạng thái không gian và trạng thái tình cảm của con người cũng xuất hiện trong ca dao nói chung và ca dao Quảng Nam, Đà Nẵng nói riêng với tần số cao (khoảng 150 lần): cạn (24 lần), mòn (12 lần), buồn (20 lần), lạnh lùng (21 lần), xót xa (5 lần)…Tuy nhiên, qua thực tế phản ảnh trong ca dao, dân ca đất Quảng đôi khi chúng ta không bắt gặp một từ nhớ thương đau khổ nào là tính ngữ cả nhưng câu ca lại nặng trĩu những buồn thương nhung nhớ:
Chiều chiều mây phủ Sơn Trà
Tình ta thương bạn nước mắt và lộn cơm
Chiếm một số lượng khá lớn trong nhóm tính ngữ này là những tính ngữ chỉ kích thước như: cao, dài, sâu, rộng, lớn, đầy, thẳm…những tính ngữ này đã tạo nên từ ghép chỉ không gian xa cách như: núi cao, bể rộng, sông dài…đã trở thành những từ ngữ rất quen thuộc phản ánh tâm trạng cùng những khó khăn, trắc trở  trong ca dao tình yêu:                                                    
Núi cao chi lắm núi ơi
Núi che mặt trời chẳng thấy người thương

Chiều chiều ra đứng em trông
Trông non, non ngất, trông sông, sông dài
          Những đặc điểm của thiên nhiên nhiều khi đã được các tác giả dân gian sử dụng để miêu tả thế giới nội tâm cùng những tình cảm phức tạp của con người. Người ta đã liên tưởng chiều sâu của sông biển với chiều sâu của lòng người :
                             Tinh sâu ân nghĩa trả đền
                       Đừng vui chốn khác mà quên chốn này
 Những tính ngữ chỉ hình khối như vuông, tròn, tính ngữ chỉ khoảng cách như  xa, gần cũng được sử dụng khá phổ biến để phô diễn tâm tình trong ca dao Quảng Nam, Đà Nẵng. Những tính ngữ này giúp tác giả dân gian miêu tả, giải thích, nhấn mạnh đặc điểm, trạng thái của nhân vật trữ tình:

Hai hàng nước mắt rưng rưng
Chàng xa thiếp cách dậm chân kêu trời

          Nhiều khi thiên nhiên được nêu lên với tính chất bền vững , vĩnh cửu  của không gian để so sánh với tình cảm của con người:
                                      Trăm năm đá nát vàng phai
                             Non mòn biển cạn không sai lời nguyền
         
          Chúng ta đọc ca dao dân ca đất Quảng đến mức không khó khăn lắm để nhận ra nhiều tính ngữ tạo thành những thành ngữ quen thuộc trong lời ăn tiếng nói hằng ngày của người dân xứ Quảng: gừng cay muối mặn , non xanh nước bạc, sóng cả gió to , sông cạn đá mòn , đá nát vàng phai:
                  
Em ôi chua ngọt đã từng                         
                             Non xanh nước bạc xin đưng bỏ nhau
Các tính ngữ, thành ngữ này có tính chất khái quát cao, mang đậm sắc thái biểu cảm .Tính ngữ trong ca dao được sử dụng khá phong phú, góp phần tạo nên sức  hấp dẫn của những câu ca dao nói chung và ca dao Quảng Nam, Đà Nẵng nói riêng. Nghiên cứu tính ngữ trong ca dao sẽ giúp chúng ta khám phá thêm những vẻ đẹp muôn màu của tâm hồn con người và những cảnh vật chung quanh cùng với những khuynh hướng thẩm mỹ của nhân  dân mỗi miền .Tính ngữ là một trong những thành tố quan trọng  góp phần khắc hoạ và tô đậm phong cách ca dao địa phương.


TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Nguyễn Văn Bổn. Văn nghệ dân gian Quảng Nam, Đà Nẵng. Sở VHTTQuảng Nam - Đà Nẵng xb,1983
2.Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng, Ca dao dân ca đất Quảng, Nxb Đà Nẵng 2006.

Không có nhận xét nào: