Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

Cây nhang ngày Tết


Khoa Châu

Cây nhang
Ngày Tết

            Khuôn xử đốt nhang hay còn gọi là thắp hương, đối với người Việt Nam chúng ta là một biểu tượng văn hóa tâm linh mang đậm ý nghĩa thiêng liêng thuần khiết.
            Sách Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính, viết:” Cây nhang có nguồn gốc từ Tây Vực (Ấn Độ). Đốt nhang nghĩa là cầu cho quỷ thần giáng cách. Khi xưa, tục Tàu mỗi khi tế tôn miếu chỉ dùng cỏ tiêu trộn với mỡ, đốt cho thơm, chưa có đốt nhang”.
            Nhưng tại sao con người lại biết được cỏ tiêu này trộn với mỡ, khi đốt lên thì tạo ra hương thơm dịu thoảng và ngào ngạt? Việc ấy không có chi là khó hiểu cả. Thuở xưa, thú rừng nhiều, con người thì ít. Vì vậy, việc săn bắt không những dễ dàng mà thịt ăn lại cũng dư thừa, luôn tích trữ, con người ít dùng mỡ béo ngậy, cứ vung vải một cách vô tội vạ. Người đi săn thú rừng, hay các bộ tộc vùng cao không bao giờ quên đốt và giữ lửa ngày  đêm. Đốt sưởi ấm, đồng thời có lửa nướng chín thịt rừng, và nhất là để xua đuổi thú dữ. Do đó lửa bén gặp mỡ vung vải trong đám cỏ tiêu. Một hôm tình cờ, từ ngọn lửa ấy tỏa lên mùi thơm lạ. Thế là con người đã phát hiện ra.
            Lúc xa xưa, người Tàu mỗi khi lễ bái, thì thường dùng trâu, bò để tế thần linh. Họ chưa biết đốt nhang. Đến sau này, người Tàu mới bắt chước, học hỏi người Ấn Độ về hành xử thắp hương trong tế lễ thiên địa, quỷ thần.
            Cho đến khi sang Việt Nam, cây nhang được thắp ở các chùa chiền, lăng miếu, đền, mộ, và trong các gia đình.
            Trong  nghệ thuật kiến trúc, hình ảnh cách điệu cây nhang là cây hương đá trước tiền đường chùa Hương Trai (Hà Tây), dựng lập vào thế kỷ IV. Ta còn có thể kể ra nhiều cây hương đá được xây ở nhiều chùa khác nữa, như chùa Kỳ Lân ở Vĩnh Yên, dựng năm 1680, chùa Bắc Quốc ở Thái Bình (1695), chùa Giạm ở Bắc Ninh…Đỉnh cao nghệ thuật cách điệu cây hương đá là chùa Một Cột ở Hà Nội
            Trong thi ca Việt Nam, hình ảnh cây nhang hiện diện, thông qua sợi khói thiêng, trang trọng, ngưỡng kính
                        Nghi ngút đầu đình tỏa khói hương
                        Miếu ai như thể miếu chàng Trương?
                                                (Đền miếu Bà Trương – Lê Thánh Tôn)
            Trong Kiều của Nguyễn Du, cây nhang thắp tưởng niệm người đồng hội, đồng thuyền
                                    Đã không kẻ đoái người hoài
                                    Sẵn đây ta kiếm một vài nén nhang
Và đại thi hào dân tộc ấy đã thể hiện bút pháp tài tình, diễn đạt không gian khi Kim – Kiều gặp nhau, làm lễ mùng thề ước:
                                    Vội vàng làm lễ rước vào
                                    Đài sen nối sáp song đào thêm hương
            Trong khúc thức, nhạc sĩ Lê Thương đã để lại cho chúng ta những lời hát không thể nào quên được, nỗi tiếc thương người chinh phụ đợi chồng, hóa đá. Lời bài ca Hòn Vọng Phu nhẹ nhàng, sâu lắng:
Có ai xuôi vạn lý
Nhắn đôi câu giúp nàng
Lấy cây hương thật quý
Thắp lên thương tiếc chàng
Đối với người Việt Nam ngày nay, việc đốt nhang đã trở thành một truyền thống văn hóa tâm linh. Có gia đình đốt nhang vào buổi sáng, trước lúc đi làm, nhất là với những người buôn bán, hoặc trước khi mở cửa hàng, khai trương cửa hiệu… hay mỗi tối trước lúc đi ngủ. Khuôn xử ấy không chỉ để nguyện gửi tấm lòng thành kính thông qua sợi khói mỏng manh, thơm mềm, đến với thần linh, tiên tổ, ông bà, người thân quá cố, mà còn tạo không gian ấm cúng thanh thản tâm hồn. Không chỉ riêng chi người Châu Á nói chung, người Việt chúng ta nói riêng, mà ngay cả các dân tộc Châu Âu cũng đốt nhang. Họ xem đây là một tấm lòng tôn kính. Nhà văn Cyrano De Bergérac đã để lại câu danh ngôn:
Un Peu d’escens brulé rajuste bien des choses (*)
Chúng ta mỗi khi thắp nhang với số ít, không dùng lượng số chẵn, mà chỉ thắp 1 cây, 3 cây, 5 cây v.v… Định về luật âm dương và dịch học, thì đó là những con số dương sinh. Số 5 là số trung cung, số 7 là số thuần dương và số 9 là số lão dương. Mà trong dương, thì đã có âm sinh rồi vậy.
Sự đốt nhang còn thể hiện một ước nguyện, một hy vọng. Niềm hy vọng nào cũng là người bạn tốt, an ủi ta, xoa dịu nỗi buồn lo. Hy vọng còn là người lương y tuyệt hảo, là nguồn thức ăn tâm linh tịch lự. Người ta tin tưởng vào sức mạnh vô hình này sẽ giải quyết được mọi vấn đề phức tạp ở chung quanh cuộc sống thường ngày.
Ngay cả đến thú vui chọi gà trong ba bữa Tết, người chơi cũng dùng cây nhang để đo thời gian, và định danh là hồ.
Làm nhang, thường là công việc của nữ giới và ở các nhà chùa cũng tự tổ chức sản xuất nhỏ để tạo thu nhập trong việc dâng lễ Phật. Có rất nhiều thành phần nguyên liệu làm nhang như lá, rễ, hạt, vỏ cây, mạt cưa gỗ v.v… pha trộn với các loại hương liệu để tạo mùi thơm.  Công việc này cũng không có gì lắm phức tạp, chỉ khi nào dụng công tạo những cây nhang lớn, hình dáng cầu kỳ, thì lúc ây mới cần nhiều công sức và kỹ thuật cao, tay nghề mang tính công nghệ.
Ở Vạn Giã, đặc biệt thuộc xứ Trầm Hương, ta thường nghe câu ca dao quen thuộc:
Khánh Hòa biển rộng non cao
Trầm hương Vạn Giã, yến sào Nha Trang
Do đó nhang làm ở Vạn Giã, pha trộn các loại hương trầm tạo mùi thơm thoảng ngát rất đặc biệt. Còn ở Quảng Nam, người ta làm nhang trộn với lá quế, nhánh quế đã xay thành bột nhỏ mịn màng. Cây Quế là loại đặc sản ở Tiên Phước, Trà My (Quảng Nam)
 Ở làng Phú Lộc ven dòng sông Vu Gia huyện Đại Lộc (Quảng Nam). Một làng nhiều đời làm nhang nổi tiếng, tạo mùi vị “quên về” như câu ca dao duyên dáng:
Phú Lộc ngan ngát hương thơm
Ai đi đến đó, chiều hôm quên về
Hầu hết, người Việt Nam đều lấy sự thắp nhang để tỏ lòng thành kính với các bậc vãng bối, phúng viếng người thân khuất bóng, bạn bè quá vãng. Vào các ngày lễ, Tết, viếng thăm các đền đài, lăng mộ, các danh nhân liệt sĩ có công với nước, thắp tưởng niệm một nén nhang là dâng cả tấm lòng tiếc thương trân trọng.
Việc đốt nhang đã đi vào tâm thức vĩnh hằng trong mọi tư duy chân kính, cung niệm của con người, nối sợi thông điệp thiêng liêng, ghi nhớ công đức tiên tổ cội nguồn và hướng tâm linh về cõi nguyện.


(*) Một ít hương đốt lên, khuôn xử tốt đẹp mọi việc

Không có nhận xét nào: