Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

Giã lớ mang theo


Nguyễn Thị Pháp

Giả lớ mang theo

Tháng năm tháng sáu về mang theo cái nắng giòn tan giúp mẹ hong thật khô những trái bắp (ngô) được mùa. Mẹ nói bắp phơi gặp nắng tốt bữa sau làm lớ ăn ngon phải biết! Tháng 07 tháng 08 đem bắp được phơi khô bỏ hết vào những cái chum to để sau bếp. Tháng 9 tháng 10 khi những cơn mưa dầm thúi đất về, mưa hoài trời lạnh, mẹ không ra đồng, mẹ khưi chum bắp ra làm lớ. Mới nghe mẹ rang bắp bốc mùi thơm đã thấy “không chịu nổi”, đến khi mẹ đem xay trên cối đá rào rào là lũ con không nhịn được nữa! Chúng đến ngồi xổm quanh cái cối xay chờ mẹ thả tay quay là bốc một nắm cho vào mồm, bột bắp bay tung tóe bị mẹ mắng thì chạy vèo, thích thú. Mẹ xay xong lớ thật mịn rồi thì lấy bát đường đen cạo vào lớ trộn đều đổ ra cái thau đồng. đoạn mẹ bảo các con ra vườn hái lá mít vào xúc lớ ăn. Lũ trẻ hớn hở bu quanh cái thau đồng, lấy lá mít xúc lớ ăn. Đứa nào cũng muốn ăn tham nhưng tham không được. Ăn lớ là phải ăn từ từ xúc nửa lưng lá mít cho vào mồm để ngấm nước bọt rồi mới nuốt. Đặc biệt khi ăn không được nói chuyện, nói ú ớ là bị sặc lên mũi ngay! Ăn “cực khổ” như vậy nhưng lũ trẻ rất thích. Thích vì cái hương vị thật thơm, thật bùi, thật ngọt của lớ và nhất là ăn lớ uống nước chè xanh nóng ngon phải biết. Ăn lớ phải canh chừng cái bụng vừa no còn chừa để uống nước, chứ ai mà ráng ăn cho no đến khi uống nước vào là lớ từ từ nở to ra trong bụng… no chết được!
            Lớ như là món ăn đặc sản của một xóm nhỏ miền Trung quê tôi. Từ trẻ con đến người già đều thích ăn lớ. Những đêm trăng ngồi bên mâm lớ mọi câu chuyện tâm tình của trai gái làng lại nổ ra râm ran.
Rồi những năm tháng khốc liệt, những người làng quê tôi không được quây quần ăn lớ dưới trăng mà tâm tình nữa. Mẹ giả lớ vội vã gói vào ba lô cho anh lên đường ra trận. Mẹ nói gửi lớ vào ba lô được nhiều, lớ để lâu mấy cũng được, ăn lớ có gây tiếng động đâu mà địch phát hiện! … Thế là cả làng giả lớ gửi các anh đi, trong chiến tranh lớ được gọi là “lương khô” (lương thực khô) đã góp phần làm nên chiến thắng!
            “Lớ” là vậy đó nhưng thời chừ biết ai đó còn nhớ về “lớ” chăng? Nghĩ vậy, một lần cho học sinh đi cắm trại xa, tôi đã làm “món lớ” này mang theo. Đêm trăng ở đất trại tôi mang ra cho học trò thưởng thức, tôi kể những kỷ niệm của tôi về món lớ cho các em nghe. Bọn trẻ im lặng… một sự lặng im hiếm thấy ở lũ nhóc!... Ồ! Thì ra các cu cậu sợ bị “sặc” như lời thầy dặn cẩn thận.
            Bỗng có một cu cậu lên tiếng.
            - Sao không gọi là “bột bắp rang xay” mà gọi là “lớ” thầy?
            Ừ nhỉ?! Cu cậu hỏi đột ngột làm tôi bối rối. Từ nhỏ giờ có ai hỏi kì cục dzậy đâu? Chỉ là “lớ” chứ có tên gọi khác đâu!
            Nghĩ  vậy tôi đáp bừa:
            - Gọi “lớ” là vì món ăn đã được chế biến sang dạng khác. Bắp rang không để nguyên hạt nhai mà xay mịn thành bột trộn đường rồi nên nó “lớ” (lơ lớ như bắp). Cả gạo cũng vậy xay bột mịn tráng thành bánh tráng thì gọi là bánh tráng, ép thành sợi thì gọi là bún…!
            Tôi thao thao bất tuyệt khiến lũ trẻ gật gù .
            Rồi một cu cậu khác lại nói:
            - Hay thật thầy nhỉ? Như bạn Nam ở phía Bắc vào miền Trung mình, bạn cố gắng nói giọng Quảng nên gọi là giọng “lớ” phải không thầy? lơ lớ cũng vui thầy nhỉ?
            - ………
            Một cu cậu khác lại hỏi:
            - Thầy ơi! Con đổ nước sôi vào lớ ăn cho dễ thầy nhé?
            - Không! Ngày xưa thầy và các bạn nhỏ ở làng quê chả ăn lớ kiểu ấy bao giờ!
            Tôi không giải thích được cho các em vì sao không đổ nước sôi vào lớ để “ăn cho rồi!” Nhưng tôi biết chắc chắn rằng, ăn lớ kiểu dân gian quê tôi cũng là một cách thưởng thức đặc biệt! Đừng để những món ăn dân gian truyền thống bị “biến tấu”, mai mốt không còn còn biết đâu cội nguồn… “van em xin hãy giữ nguyên quê mùa”
         
                                                                                     
Huê mít


Ngoại tôi không còn nữa, cậu tôi cũng qua đời, thế hệ các người lớn đã lần lượt ra người thiên cổ, duy chỉ có hàng mít quanh vườn ngoại là vẫn còn ngạo nghễ đứng ru trong gió! Những cây mít già vẫn sống đó như để chứng kiến biết bao đổi thay thăng trầm của nhà tôi và đặc biệt các cây mít vẫn sống như để làm nhân chứng cho tuổi thơ tôi?! Để vỗ về ôm ấp những kỉ niệm của tuổi thơ tôi, hay làm tôi ấm lòng mỗi khi chạnh nhớ về quê ngoại.
            Tôi không biết vườn mít ngoại tôi có tự bao giờ nhưng khi tôi lớn lên biết ăn huê mít là đã thấy cây mít nào cũng đầy những “huê”. “Huê mít” hay còn gọi là “dái mít” là những nụ mít đơm ra độ khoảng bằng ngón tay, ngón chân cái rồi không thể lớn nữa để thành quả mà toàn thân phủ lên những hạt lầm tấm vàng. Nếu lúc này trẻ con không hái thì độ khoảng mươi hôm là dái mít sẽ ngã sang màu đen rồi rụng xuống đất mất đi. Nghĩ cũng tội nghiệp cho một đời huê mít! Nhưng đối với lũ trẻ chân quê thì dái mít là “người bạn” thú vị, là món ăn ngon được lũ trẻ xếp vào hàng “chả” (bời vì ở quê tôi cái gì ngon nhất thường được ví với chả “ngon như chả”). Vậy dái mít được lũ trẻ chân quê chế biến như thế nào mà đươc gọi là chả, chả dái mít?
            Như trên đã nói về dái mít, khóm mít được lũ trẻ hái trên cây cắn ăn sống với muối tại gốc mít, dái mít có vị chát, bùi, ngọt, ăn nhanh dễ bị nghẹn. Dái mít còn làm món chả rất cầu kỳ như một “đặc sản” của trẻ em thôn quê. Dái mít hái xuống, rồi lấy dao xếp cắt ra thành từng lát mỏng đoạn ướp muối sống vừa ăn, ớt xanh giã nhuyễn ướp với muối sống. Chưa đủ, lũ trẻ ra vườn cắt thêm mấy lá hẹ tươi cắt nhỏ trộn đều các hỗn hợp rồi lấy lá nghệ gói lại, như những chiếc bánh chưng nhỏ, bên ngoài bọc một lớp lá chuối, lấy dây chuối buộc lại thật chặt. Xong lũ trẻ hì hục bê cái cối xay nặng trịch lên đè vào các gói chả dái mít. Chúng tôi đi học hay đi chăn trâu… đến trưa về lại kéo chiếc cối xay lên để thưởng thức hương vị chả dái mít. Gói chả dái mít không nấu, không nướng chỉ để cho cối xay nặng đè lên thế mà thật hấp dẫn. Khi mở gói lá ra, chả dái mít vẫn có mùi thơm. Nước từ gói chả ứa ra ướt đẫm (chắc là nước của muối, của dái mít). Cả bọn xúm vào, mỗi đứa bốc một miếng cho vào mồm nhai rau ráu. Bọn nó xuýt xoa vì cay, vì chát, vì mặn, vì nồng của ớt xanh, dái mít, muối sống, lá hẹ… tất cả chừng ấy vị ngào cùng dịch vị lại tạo thành chất ngọt ngọt trong khóe lưỡi hay hay! Cứ thế, bọn trẻ cứ “hít hà, hít hà” ăn tới, ăn cho đến khi chỉ còn chiếc lá không , có đứa thèm liếm luôn cả nước ướt ướt của lá (khiến tôi nhớ đến chuyện ông thầy đồ dạy học trò chữ nhất trên đĩa mật ong). Rồi cả bọn kéo nhau ra giếng làng ực đầy bụng nước, thế mà cái lưỡi vẫn còn chát chát, cay cay, mặn nồng!
            Ngon quá, mai làm tiếp nữa nghe!
            Cứ thế, bọn trẻ ngày nào cũng hì hục làm chả dái mít cho đến hết mùa mít. Coi bộ lũ trẻ mê chả dái mít hơn mít chín, hơn hạt mít lùi !!!
            Những gói chả dái mít theo chân lũ trẻ chân quê tôi ra đồng, vào lớp học, lên rùng… Cả xóm đứa nào cũng biết làm chả dái mít và mê ăn! Tôi biết những gói chả dái mít ngày ấy các anh trai làng làm ra còn để “thay lời muốn nói” với các chị gái làng nữa cơ. Rồi dạo ấy, anh tôi và một số anh chị khác trong làng đi xa biền biệt không trở lại quê nhà có gửi thư về nhắn nhủ “mùa này mít đã ra huê chưa, nhớ ăn hộ giùm  anh mấy gói, nhớ lắm!”
            Lũ trẻ không biết gói chả dái mít quê hương đã trở thành kỉ niệm, là máu thịt của tình yêu nhớ quê nhà trong các anh chị trai làng hồi ấy!
            Rồi tôi cũng lớn lên cùng lũ trẻ, mỗi đứa mỗi nơi, mỗi cảnh, mỗi nỗi niềm…Duy chỉ có những hàng mít quanh vườn ngoại tôi là không thay đổi. (cho dù chúng có già, to lớn hơn xưa, có cây bị bom phứt đầu, chúng lại chỉa ra nhiều cái đầu khác trông càng oai vệ hơn). Đặc biệt, các dái mít vẫn không thay đổi, vẫn khêu gợi, chạm đến êm như nhung và hãy lắng nghe sẽ thấy mùi hương thoảng nhẹ như mùi con gái.
            Có lần anh bạn thành phố nghe tôi say sưa kể về món chả dái mít, kỉ niệm tuổi thơ tôi, anh đã nằng nặc đưa cho bằng được vợ con anh về trong kỳ nghỉ phép để cùng lũ trẻ quê làng tôi nhâm nhi hương vị chả dái mít! Anh bảo rằng: một món chả không có trong danh mục món ngon nhưng hương vị đậm đà đặc trưng, quả là sự sáng tạo của trẻ làng quê bạn!
            Chả dái mít, món ngon của tuổi thơ quê làng, món ngon đã trở thành kỉ niệm, món ngon của hương vị dân dã, của sự sáng tạo, sự hợp quần trong sáng chế, trong thưởng thức của lũ trẻ! Bỗng tôi ước gì mình được là nghệ sĩ, tôi sẽ cất lên tiếng đàn  ngân nga vê món chả dái mít quê nhà, như ai đó đã luyến lưu lời ca kỉ niệm tuổi học trò: “cốc, ổi, me, xoài… những món ngon của thời trẻ nhỏ ở quê xưa”..
… Ôi quê làng, ta nhớ quá đi thôi!

Trả canh đủm bầu

Từ giã chốn phồn hoa đô thị tôi lại về bên dòng sông quê ngoại nằm trên chiếc võng dừa, gối hai tay lên trán lơ đãng nhìn trời… Có ngọn gió nào hiu hiu đang gợi ký ức tuổi thơ tôi hiện về…
            Cũng trên chiếc võng này năm xưa ngoại đã hát ru tôi ngủ:
Bồng em mà bỏ vô nôi
Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu
Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu
Mua cau Bất Nhị, mua trầu Hội An
Hội An bán gốm, bán than
Kim Bồng bán vải, Nồi Rang bán hành.
            Chỉ nghe lời bài hát ru đủ biết bước chân tảo tần của mẹ tôi suốt quãng đường dài buôn thúng, bán bưng các loại! Tần tảo là vậy, vất vả là vậy nhưng cuộc sống của gia đình tôi, của những người dân quê tôi thuở ấy vẫn cơ cực:
Gánh cực mà đổ lên non
Còng lưng mà chạy cực còn theo sau
            Chạy chợ theo mùa, đắp đổi qua ngày. Cuộc sống người dân quê chủ yếu bám víu vào ruộng vườn, sông nước “trời cho”! Tất cả đều do lao động mà nên cả. Làm vườn theo mùa, mùa nào quả ấy và “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Về khoản này thì mẹ tôi “khéo ơi là khéo”! Tháng 5. tháng 6 phát hoang bụi rậm, mẹ xếp các cành cây gai tre phẳng phiu. Tháng 11, tháng chạp kéo ra sửa lại hàng rào quanh vườn, những cây nào to lớn, chắc chắn thì để làm giàn bầu. Trước cổng tre nhà, mẹ đào hai hố to cho đầy phân chuồng, rác, lá cây,lá  tre ủ sẵn cho mục. Đến tháng chạp mẹ thả vào đó mấy hạt bầu rồi đậy lại. Tôi đi học, không để ý hạt bầu nảy mầm lúc nào, thoáng chốc thấy nó đã bám cành gai tre leo lên vươn ra những chiếc râu dài ngạo nghễ… Rồi khi tôi vui chơi những ngày Tết, quên nó, thì nó đã bò phủ rợp cả giàn tre trước sân mà (mẹ tôi đã làm sẵn chỗ cho nó tự bao giờ), nó xòe những chiếc lá to hơn bàn tay, tôi thường thấy các bà mẹ đi chợ quê bứt năm, mười lá bỏ vào trong rổ để đựng dầu, chè, mắm muối ở chợ. Không chỉ có lá, nó đã ra hoa và kết quả tự bao giờ không ai hay biết. Ngộ lắm, chỉ qua vài đêm thấy nó đã thòng dài lủng lẳng dưới giàn, người lớn đi không chú ý nó va vào đầu ngay. Rồi đến  khi nó thòng xuống cả mét tôi có thể ôm nó mà hôn, mà chơi thậm chí tôi tập viết trên thân bầu, vẽ những hình ngộ nghĩnh lên nó nữa! Lúc tôi vẽ nhựa nó ứa ra nhưng rồi lại lành nhanh chóng. Chính vì thế, mà nhiều khi mẹ tôi không hái cả quả bầu, chỉ cắt một “đủm” rồi cứ để nó lơ lửng trên giàn, bà con hàng xóm ai dùng thì cắt tiếp “đủm” nữa … Những “đủm” bầu được cắt mỗi ngày mẹ tôi đã chế biến đủ các món. Nào bầu xào, bầu trộn, bầu luộc, bầu nấu canh… món nào từ bầu cũng hấp dẫn cả. Bầu xào thì mẹ xắc bầu dài bằng lóng tay, mỏng độ một phần hai lóng tay, xong khử dầu phụng, phi hành cho thơm, đổ bầu vào chảo dầu nóng đảo qua đảo lại độ một phút nêm muối, thêm chút bột ngọt, rồi bắc xuống bếp, rắc hành lá, ăn liền.
            Bầu trộn thì xắc bầu mỏng, dài, bóp sơ ít muối, vắt lại cho mềm. Thịt heo ba chỉ xắc mỏng, tôm đất xắc khúc, tao thấm chín, nêm gia vị đổ vào trộn đều với bầu, rắc ít hành lá xắc nhỏ, xúc bánh tráng ăn rất ngon.
            Bầu luộc thì xắc lát dày hình tam giác, bắc chảo nước sôi thả bầu vào luộc độ một hai phút vớt ra để ráo, chấm mắm nêm. Những món bầu luộc, bầu trộn, bầu xào thì sau  này người dân quê tôi chế biến thêm chớ ngày nhỏ tôi chỉ thường được mẹ cho ăn canh bầu các kiểu. Ngày nào mẹ mò được con hến thì mẹ nấu cho trả canh bầu hến.(Hến nấu sôi, bóc vỏ lấy ruột đổ vào nước hến sôi, bỏ bầu vào nêm thêm chút muối để độ một hai phút thì bắc xuống bỏ hành lá xắc nhỏ, ăn nóng rất thơm ngon.) Ngày nào mẹ bắt được con tôm thì nấu trả canh tôm bầu (Mẹ giả tôm chung với củ hành, mẹ tao sơ tôm qua chảo dầu nóng, đổ nước sôi vào, bỏ bầu đã xắc vào, nêm muối, bắt xuống bếp, ăn nóng.) Ngày nào mẹ bắt được con cá sông thì mẹ nấu cho canh bầu cá (Mẹ làm sạch cá, luộc cá chín, nêm gia vị vào cá đã luộc rồi cho vào chảo dầu nóng đảo qua đảo lại, cho nước sôi vào rồi cho bầu vào sau đó cũng ăn liền cho nóng)… Có ngày không bắt được con gì, mẹ nấu canh bầu nêm mắm cái, luộc khoai lang, anh em chúng tôi ăn cũng ngon lành. Trã canh bầu các loại của ngày xưa mẹ đã nuôi anh em chúng tôi khôn lớn, trưởng thành. Ngày thơ ấu  con ăn canh bầu thấy ngon vì hương vị của nó, vì đói, vì thiếu dinh dưỡng… Con đâu biết còn vì công nhọc nhằn và tình yêu con của mẹ nữa mẹ ơi!
            Con lại về đây, bên giàn bầu năm xưa của mẹ, các thế hệ bầu vẫn tiếp tục lớn lên theo mùa và người ta vẫn tiếp tục ăn bầu và chế biến bầu nhiều kiểu để thưởng thức (bầu nấu với hột vịt lộn.) cho lạ vì cái lưỡi ăn ngon của họ bị bão hòa mẹ ạ! Dù bầu có được chế biến thêm những kiểu gì con vẫn yêu nhất trã canh bầu năm xưa của mẹ. Trả canh mẹ chắt chiu bằng những nguyên liệu quê hương!



         
                                                                                               



an nam 2.tif
 
 







Không có nhận xét nào: