Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

Tinh thần đấu tranh trong vè ở Đà Nẵng

Đinh Thị Hựu



Tinh thần đấu tranh trong vè
ở Đà Nẵng



          Vè là thể loại văn học dân gian rất phổ biến ở Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung. Như tên gọi của thể loại, là thuật ngữ hoàn toàn thuần Việt, bắt nguồn từ việc trình bày hiện thực cuộc sống bằng cách nói vần vè. Vè bao quát một phạm vi đề tài rộng lớn, phản ánh đầy đủ mọi khía cạnh trong đời sống sinh hoạt lao động, chiến đấu của nhân dân. Vè vừa có tính tự sự vừa có tính trữ tình. Đặc trưng của vè là tính thời sự, tính chiến đấu, tính mộc mạc, tính địa phương. Nhưng trong đó tính thời sự và tính chiến đấu là hai đặc trưng cơ bản. Căn cứ vào đề tài chúng ta có thể chia vè Đà Nẵng ra làm hai bộ phận chính: Vè sinh hoạt-xã hội và vè lịch sử .
1. Tinh thần đấu tranh trong vè sinh hoạt - xã hội ở Đà Nẵng:
Vè sinh hoạt xã hội là bộ phận vè mang tính thời sự và tính địa phương rõ rệt. Loại vè này rất gần gũi với đa số quần chúng nhân dân. Mọi việc xảy ra trong làng trong xã nếu gây ra dư luận và tạo nên sự thu hút của mọi người đều có thể trở thành đề tài của vè sinh hoạt. Loại vè này rất nhanh, nhạy nên nhân dân ngày trước xem đây như một loại “khẩu báo” .Tại các làng ở Đà Nẵng ngày trước thỉnh thoảng lại xảy ra một sự kiện làm náo động dư luận như việc một cô gái chửa hoang (Vè gái hư) hay một đám cúng linh đình (Vè đám cúng) một đám thách cưới gây lãng phí (Vè đám cưới)... loại vè này chủ yếu nhân dân đấu tranh với cái xấu, cái lạc hậu, xa rời nếp sống giản dị, chất phác của người bình dân.
Trong phạm vi đề tài này, Vè còn tập trung phản ánh những thiên tai bão lũ, hạn hán của người dân miền Trung như: Vè bão năm Ất Mão, bão lụt năm Thìn, hạn năm Dần, đói năm Giáp Tý .....Về chủ đề này, tinh thần đấu tranh của nhân dân thể hiện ở sự dũng cảm chống chọi với thiên tai, dịch bệnh, để duy trì sự sống. Vượt lên trên những gian khổ đó là tinh thần dũng cảm đấu tranh với thiên nhiên khắc nghiệt.
Tinh thần đấu tranh trong vè sinh hoạt tập trung nhất là ở bộ phận vè phản ánh thái độ hạch xách nhiễu nhương của bọn địa chủ cường hào. Bản chất tham lam, độc ác, tàn bạo của bọn địa chủ thì ở đâu cũng giống nhau. Đà Nẵng sớm là nhượng địa của Pháp nên bọn cường hào thường cấu kết với thế lực thực dân, hà hiếp dân lành. Ở Đà Nẵng có bài vè Thừa Văn phản ánh, thói tham lam cậy quyền thế của bọn địa chủ. Thừa Văn là một địa chủ khét tiếng ở vùng Nam Ô, lợi dụng thế lực thân Pháp giành đất với nhân dân Xuân Thiều. Đặc biệt, bài Vè Mất đất phản ánh đầy đủ, chi tiết bản chất cướp đất để làm giàu của giặc Pháp tại vùng gần sân bay Đà Nẵng:
Kể từ Tây lại cửa Hàn
Lệnh trên đại Pháp dọn đàng đi chơi....
Tai nghe ông Hãn có một cái vườn
Ảnh ham hoa lợi tìm đường hỏi thăm.....(1)

Dưới chế độ phong kiến thực dân, nhân dân ta một cổ hai tròng thật là cơ cực. Sau Thế chiến thứ nhất, bọn giặc Pháp càng ra sức vơ vét tài nguyên, lương thực ở các nước thuộc địa. “Tức nước vỡ bờ”, “có áp bức, có đấu tranh”, ngày 11/3/1908, Cuộc biểu tình chống sưu thuế lớn nhất ở nước ta vào đầu thế kỷ XX nổ ra đầu tiên ở Đại Lộc sau lan xuống Điện Bàn, Hội An, Đà Nẵng.
Lẳng lặng mà nghe
Cái vè xin thuế...
            Phong trào chống thuế ở Trung Kỳ nổ ra rất nhanh, lan ra cả nước. Điều này càng chứng tỏ ý thức tự giác đấu tranh giai cấp của nhân dân xứ Quảng là rất cao. Phong trào bị chính quyền bấy giờ đàn áp khốc liệt, nhiều người tham gia bị tù đày, tra tấn nhưng tinh thần đấu tranh chống sưu thuế của nhân dân không bao giờ bị dập tắt về chủ đề này ở Quảng Nam, Đà Nẵng có đến bốn bài vè khác nhau: vè xin xâu, vè xin sưu, vè xin sưu chống thuế, vè xin sưu thuế.
            Trong vè sinh hoạt - xã hội có một bộ phận vè rất đậm đà tính chất trữ tình đó là những bài vè than thân (vè đi ở, vè đày tớ...). Với dung lượng dài hơn ca dao than thân, vè than thân kết hợp nhuần nhuyễn hai yếu tố tự sự và trữ tình đã phản ánh sâu sắc những nỗi khổ cực đắng cay của những thân phận thấp kém trong xã hội ngày trước:
Thân tôi hơn chó
Gặm đũa mà thôi
Chưa ló mặt trời
Đã mò ra ruộng
Cái ăn cái uống
Miếng mặn, miếng thừa
Từ sáng chí trưa
Thân bầm, vai bỏng
Mùa hè nắng nóng
Mùa đông rét tê
Ao rách lê thê
Đêm nằm ổ quạ....
                        (vè đi ở)

Cùng với ca dao than thân, vè than thân ở Đà Nẵng đã góp thêm tiếng nói nhân ái, bênh vực và đấu tranh cho quyền sống của những người bị áp bức trong xã hội cũ.


2. Tinh thần đấu tranh trong vè lịch sử ở Đà Nẵng.
Vè lịch sử ở Đà Nẵng phản ánh cả một thời kỳ dài của lịch sử địa phương. Đa số những bài vè lịch sử sưu tầm được ở Đà Nẵng đều gắn liền với những sự kiện chính trị quan trọng của địa phương từ đầu thế kỷ XVIII đến thế kỷ XX. Lịch sử nước ta đã từng nổ ra những cuộc khởi nghĩa long trời lở đất của nông dân chống áp bức. Nếu trong bộ sử chính thống của triều đình phong kiến không dám ghi hoặc ghi lại một cách xuyên tạc thì tác giả dân gian đã dũng cảm ghi lại một cách trung thực, chi tiết với một cảm quan tiến bộ bằng thể loại vè. Ký ức về những người anh hùng nông dân và những cao trào đấu tranh giải phóng giai cấp được ghi lại một cách chân thực qua các bài vè ở địa phương và cả nước. Ở Đà Nẵng nói riêng và vùng Nam Trung Bộ ngày trước rất phổ biến  Vè chàng Lía. Chàng Lía là một cố nông tự phát đấu tranh với bọn cường hào về sau trở thành thủ lĩnh nổi tiếng của nông dân chống áp bức. Dưới chế độ phong kiến, cơ cấu xã hội chủ yếu có hai thành phần: Kẻ thống trị và người bị trị. Do đó, tiếng nói đấu tranh trong nội dung của vè chủ yếu là tiếng nói của những con người bị trị vùng lên đấu tranh chống bọn thống trị. Tuy nhiên suy cho cùng mức độ đấu tranh chỉ mới dừng lại ở sự phản kháng.
Vì chưa được giác ngộ giai cấp chưa có một đường lối đấu tranh đúng đắn, nên việc phản kháng của nhân dân chỉ mới là kể lể, vạch trần tố cáo mà chưa đi đến chỗ quyết liệt đấu tranh đạp đổ chế độ phong kiến. Nhiều bài vè mô tả tỉ mỉ chi tiết sự áp bức một cách tàn nhẫn của bọn địa chủ:
            Một điều ý sai
Đánh chảy máu mồm
Ăn một bát cơm
Đổi đôi bát máu...
Bọn chúng hành hạ người nghèo khổ thật tàn nhẫn dã man:
            Chị ơi nó tàn ác quá chừng
Nó lột hết áo quần, phơi giữa nắng chang chang
Chị ơi ! Tóc em dài rồi ngắn
Nó gọt trọc mấy lần,
Bắt em phải há miệng ăn phân!

Đề tài đấu tranh chống giai cấp ở Đà Nẵng có nhiều bài vè hay, có giá trị nhưng phải nói rằng vè chống Pháp, vè chống Mỹ mới là bộ phận vè phát triển rực rỡ nhất trong kho tàng vè ở Đà Nẵng.

2.1 Tinh thần đấu tranh trong vè chống Pháp ở Đà Nẵng:
Đây là bộ phận vè phát triển rực rỡ, có rất nhiều bài vè đặc sắc, phản ánh đầy đủ cuộc kháng chiến chống Pháp ở Đà Nẵng. Ngay từ buổi đầu tiên giặc Pháp và liên quân bắn vào Đà Nẵng chiều 31 tháng 8 năm 1858, nhân dân đã biết sử dụng vè như một loại “khẩu báo” để ghi lại một cách trung thực, sinh động sự kiện lịch sử trọng đại này:
Tàu này tàu lạ
Chưa biết dữ hiền
Sức hết ghe thuyền
Với lương vô Tỉnh
Các quan ngồi tính
Tàu này làm hung
Phái ông Chánh Chung
Qua nơi sơn thủy
Xây bờ đắp lũy
Để chống quân Phiên...
Vè còn tả lại một cách sinh động cảnh bắn phá của giặc Pháp trong những ngày đầu tiên xâm lược:
            Thần công nó bắn
            Đạn nổ đùng đùng
            Nó bắn lung tung
            Vào thành Đà trốn...
Ngay từ buổi đầu, nhân dân Đà Nẵng đã đào hào đắp lũy, vận dụng mọi  kế chước để đánh giặc. Ở vùng Tây Bắc Đà Nẵng có trận mù u  lý thú, do Ông Ích Khiêm  chỉ huy. “Đà Nẵng, Sơn Chà, Miếu Bông, Cẩm Lệ. Chuyện trăm năm còn kể trận mù u”. Ở vùng Thanh Khê nhân dân lại giăng lưới đánh giặc “Lĩnh truyền đem lưới bủa giăng, tàu mắc nhùng nhằng nó không đi được...!”
Bức tranh đánh Pháp trong những ngày đầu khi quân giặc vừa đặt chân lên đất này đã được vè ở Đà Nẵng ghi lại một cách thật chi tiết:
Chiều qua vào lúc giờ thân
Tam bản thân rần rần xạc ngược bờ sông
Xạc sâu vào đến đòn Đông (tức thành An Hải)
Nổ súng đùng đùng quyết chiếm đồn ta
Trên bờ ta bắn pháo ra
Hai cây hỏa hổ bắn đà thiệt hung
Cột buồm nó gãy
Tam bản nó tung
Tây phiên hải hùng nó kêu, nó xổ
Nó la hố hố, tam bản xẹc lại
Trời đã tối rồi, ta không đánh nữa.
Trong kho tàng vè chống Pháp của cả nước, phải nói rằng chỉ có vè ở Đà Nẵng mới ghi lại được một cách đầy đủ cả không khí lẫn bức tranh chống Pháp trong những ngày đầu. Có thể xem đây như những tư liệu quý báu để các thế hệ sau thấy được toàn cảnh nhân dân Đà Nẵng chống giặc trong những ngày đầu giặc Pháp xâm lược.
Trong suốt quá trình đấu tranh chống Pháp, nhân dân đã sử dụng vè như một vũ khí đấu tranh. Bài vè được nhiều người biết đến là Vè Khâm Sai. Vè Khâm Sai xuất hiện khoảng 1886 phản ánh việc khâm sai Nguyễn Thân đem quân triều đình vào đàn áp phong trào Nghĩa Hội ở Quảng Nam do Nguyễn Duy Hiệu lãnh đạo. Đây là phong trào chống Pháp tiêu biểu của nhân dân Quảng Nam, Đà Nẵng được các chí sĩ yêu nước bấy giờ hưởng ứng mạnh mẽ:
Lẳng lặng mà nghe
Cái vè sai đạo
Quân vi cấp báo
Vụ dễ an dân
Khâm sai đại thần
Kéo vô Đà Nẵng...
            Sau cuộc đàn áp này, phong trào bị lắng xuống, nhưng sau đó lại tiếp tục nổi lên với những tên tuổi của những chí sĩ yêu nước Xứ Quảng như: Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, Thái Phiên...
Phong trào Duy Tân lúc bấy giờ hoạt động thật rộng rãi, đa dạng, cá nhà yêu nước lập các hội buôn, hội nông, các nhà nho thi đỗ không chịu ra làm quan về mở trường dạy học. Bấy giờ phong trào bình dân học vụ ở Đà Nẵng phát triển rất mạnh (vè bình dân học vụ). Ngoài ra, phong trào còn hô hào bài trừ mê tín dị đoan  (vè bài trừ mê tín) kêu gọi ăn mặc âu phục, vận động cắt tóc ngắn (vè cúp tóc)....Về sau, khi phong trào chống Pháp lan rộng công cuộc đấu tranh trở nên quyết liệt cam go, vè thực sự trở thành vũ khí sắc bén. Ở vùng Đà Nẵng chúng tôi sưu tầm được khoảng 40 bài vè về đề tài này. Xuyên suốt nội dung của vè chống Pháp là tinh thần quyết tâm đánh giặc, thề không đội trời chung với giặc:
            Dân ta chỉ có câu này
Thì cùng giặc Pháp có mày không tao
Dân ta cầm súng cầm dao
Thề cùng giặc Pháp có tau không mày
Nước non còn, dân tộc còn
Quyết tâm kháng chiến lòng son sử vàng...

2.2. Tinh thần đấu tranh trong vè chống Mỹ ở Đà Nẵng
            Sau hiệp định Giơ-ne-vơ và nhất là sau chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng tưởng rằng đất nước sẽ sạch bóng quân thù nào ngờ đế quốc Mỹ đã âm mưu nhảy vào, mở màn cho một một giai đoạn xâm lược mới. Do đặc điểm địa lý đặc biệt, Đà Nẵng một lần nữa chứng kiến gót giày xâm lược đầu tiên của bọn giặc Mỹ. Sau ngày 19/2/1965 nhân dân Đà Nẵng cùng nhân dân cả nước bước vào một giai đoạn kháng chiến mới: Kháng chiến chống Mỹ. Trong giai đoạn này nhiều bài vè  đã ra đời, vạch rõ tội ác của giặc:
            Bọn giặc Mỹ một phường gian ác
Giết dân ta đốt phá cửa nhà
Tháng 3 ngày 16 vừa qua
Mân Quang thảm cảnh chan hòa máu tươi
                        (Vè Mân Quang)
Quảng Nam, Đà Nẵng có hàng trăm bà mẹ Việt Nam anh hùng, hình ảnh những bà mẹ anh hùng đấu tranh chống Mỹ đã được vè ghi lại một cách cụ thể:
- Căm thù ấy càng thêm nung nấu
Vác xác con lên thấu tĩnh đường
Súng nào ngăn nổi tình thương
Gươm nào ngăn nổi con đường đấu tranh
Trong suốt 100 năm chống Pháp, 30 năm chống Mỹ, nhân dân Đà Nẵng đã sáng tác rất nhiều bài vè để cổ vũ động viên nhân dân chiến đấu. Có thể đó là lời của người mẹ khuyên con, người vợ khuyên chồng, người cha khuyên con, hay lời của những người bên này chiến tuyến kêu gọi những người lầm lạc bỏ hàng ngũ địch để về với quân dân ta. Các chiến sĩ Cộng sản cũng đã biết vận dụng một cách linh hoạt hình thức nói vè của nhân dân để tuyên truyền đấu tranh. Chính vè cùng với ca dao kháng chiến đã chuyển tải một cách tài tình chủ trương đường lối của Cách mạng Việt Nam đến đông đảo quần chúng nhân dân. Nhìn chung, vè luôn đồng hành cùng lịch sử, vè không chỉ phản ánh một cách trung thực, tỉ mỉ các biến cố chính trị tại địa phương mà còn thể hiện quyết tâm đánh giặc, thắng giặc, phản ánh khí thế hào hùng của cả một dân tộc ra trận.

2.3 Vè đấu tranh xây dựng Chủ Nghĩa Xã Hội
Trên con đường đấu tranh xây dựng Chủ Nghĩa Xã Hội, vè là công cụ hữu hiệu để nhân dân đấu tranh thực hiện lý tưởng. Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, vè đã phản ánh khí thế lao động sản xuất xây dựng đất nước, hàn gắn vết thương chiến tranh, đấu tranh với những cái lạc hậu lỗi thời để xây dựng một đất nước Việt Nam hòa bình, công bằng, tiến bộ và văn minh.
            Đọc lại những bài vè  đấu tranh ở Đà Nẵng ta càng thấy quý trọng mảnh đất anh hùng, càng yêu những con người hồn hậu thủy chung và kiên trung bất khuất. Vè thực sự là vũ khí đấu tranh lợi hại của nhân. Trần Hữu Thung có ý kiến rất hay và cảm động về thể loại vè: “Tôi hiểu lịch sử thôn tôi, về những sự kiện đời trước trong vùng qua những bài vè. Tôi học bài học lịch sử, địa lý vỡ lòng qua những bài vè, và con người, vâng, tôi học đạo lý làm người và hiểu con người qua những bài vè của quê tôi một cách thấm thía”(1). Trong giai đoạn mới vè Đà Nẵng sẽ còn tiếp tục làm nhiệm vụ chức năng của mình để cho ra đời những bài vè mới đáp ứng tốt yêu cầu của thời đại mới.
 

Chú thích:
(1) Đọc thêm Võ Văn Hòe, Văn hóa dân gian Hòa Vang, NXB Đà Nẵng 2008 tr. 174.
(2)Trích “Vè dòng sữa quê hương Nghệ Tĩnh”, Vè Nghệ Tĩnh tập I, NXB Văn học 1964, tr.23.








an nam 6.tif
 
 



Không có nhận xét nào: