Thứ Hai, 26 tháng 3, 2012


Lưu Anh Rô

VỀ TRI THỨC DÂN GIAN
NGƯỜI QUẢNG
                                                                                   
      Tri thức dân gian (folk knowledge) là hệ thống kiến thức của một dân tộc hoặc một cộng đồng tại một khu vực cụ thể nào đó, nó tồn tại và phát triển trong những hoàn cảnh nhất định với sự đóng góp của mọi thành viên trong động đồng. Tri thức dân gian được hình thành trực tiếp từ lao động sản xuất và sinh hoạt văn hoá, xã hội của mọi người dân trong cộng đồng, nó được hoàn thiện dần từ đời này sang đời khác và được truyền thụ chủ yếu bằng miệng hoặc bằng tay trong các gia đình, thôn bản qua ca dao, tục ngữ, luật tục, sử thi...  
      Người Quảng thường có khả năng tổng kết các hiện tượng tự nhiên, quan sát sự vật, con người để đúc rút ra những bài học quý. Theo chúng tôi, tri thức dân gian người Quảng được tổng kết chủ yếu qua ca dao, tục ngữ mà phần lớn là các nhóm đề tài về: khí hậu thời tiết, ẩm thực và quan hệ gia đình và xã hội. Một năm có bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông song để thích nghi và tồn tại, người Quảng xưa đã căn cứ vào từng tháng, từng mùa để tổng kết, rút ra những kinh nghiệm quí báu nhằm tránh những tai ương sẽ xảy đến trong một chu kỳ của tự nhiên, hòng bảo vệ mùa màng và tránh những tổn thất vì thiên tai, bão, lụt... Do nắm được qui luật của khí hậu và thời tiết nên người Quảng có nhiều câu tục ngữ rất hay, có tính dự báo mà mức độ sát xuất đúng khá cao về tri thức thời tiết. 
      Nếu ở miền Bắc lượng mưa đạt cực đại vào tháng Bảy (mưa tháng Bảy gãy cành trâm) thì đến tháng Mười ta, lượng mưa mới đạt cực đại tại các tỉnh Trung bộ. Vậy nên người Quảng có câu: “Thương anh biết lấy chi đưa - Đôi dòng nước mắt như mưa tháng Mười”. Về bão, nếu miền Bắc nước ta bão tập trung vào tháng Chín thì sang tháng Mười bão dịch chuyển dần về phía Nam, đạt cường độ cao tại Trung bộ, nên có câu: 
“Con ơi nhớ lấy lời cha
Mồng Năm tháng Chín thật là bão rươi
Bao giờ cho hết tháng Mười
Thì con ra lộng vào khơi mặc lòng” 
      Với người Quảng, khi nào mà “chớp bể mưa nguồn” ứng ở một địa phương nào đó thì tương ứng với một cách hành xử rất riêng của từng vùng, từng ngành nghề khác nhau, như: 
                        Mống đóng Cu Đê, trở về dọn gác
                        Mống đóng Phường Lạc, trở về trốc  phân.
                        Mống đóng Hòn Đền, bình yên vô sự 
                        Cơn đàng Đông vừa trông, vừa chạy
                        Cơn đàng Nam vừa làm, vừa chơi
                        Cơn đàng Tây mưa rây gió giật
                        Cơn đàng Bắc, mưa gió rét căm.  
Chớp Đèo Le  lấy ghè đựng nước,
Chớp La Nga thì hạn, chớp Cao Ngạn thì mưa 
Đời ông cho đến đời cha,
Mây phủ Sơn Trà không gió thì mưa. 
      Trong cái sấm chớp tự nhiên lẽ thường đó, người Quảng biết mình phải làm gì và không nên làm gì, nếu: “Chớp phía Đông, hồng phía Tây - Ghe câu lên bãi 3 ngày ngồi chơi” hoặc “Động biển Bàng Than, bắc nồi rang bắp”. Không hề là chuyên gia của ngành Sinh vật khí hậu học song người Quảng đã có những tổng kết tài tình qua tìm hiểu những biểu hiện của sinh vật xung quanh để dự lường khí hậu, thời tiết sắp đến như: “Dù là cỏ chỉ cỏ gà - Đang xanh hoá trắng, ắt là có mưa” hoặc “Kiến đen tha trứng lên cao - Thế nào cũng có mưa rào rất to”... Nhận xét nhân dạng để phân ra tốt, xấu dữ, hiền của người Quảng cũng khá độc đáo và đắc địa, ví như: “Bụng phì, chân thắt, đít von - Thì về giúp vợ, bế con đuổi gà” hay “Cá tươi thì xem lấy mang - Người khôn xem lấy hai hàng tóc mai" hoặc “Những người béo trục, béo tròn - Ăn vụng như chớp, đánh con cả ngày”... Quan niệm về “thuật phong thuỷ” của người Quảng cũng đáng để những người am hiểu về phong thuỷ phải nể trọng: “Càn, Khôn, Cấn, Tốn  thị kim lâu - Làm nhà, cưới vợ, tậu trâu thì đừng”, hoặc “Dời mả tránh ngày trùng tang - Trồng khoai lang tránh ngày gió bấc”, “Mồng Năm. mồng Tám, Hăm Ba – Di chơi cũng lỗ lựa là đi buôn”...  
      Khả năng tổng kết kinh nghiệm, tư duy sản xuất nông nghiệp theo mùa, theo tháng của người Quảng cũng có lắm nét đặc sắc, nhiều câu đã trở thành sấm truyền vô cùng linh nghiệm. Đã là người Quảng thì ai cũng hiểu câu: “Ông tha mà bà chẳng tha - Trời cho cây lụt, hăm ba tháng mười”. Người Quảng hoàn toàn có lý khi tổng kết rằng: “Đầu năm trồng chuối - Cuối năm trồng trầu” và từng tháng trong năm cần làm những công việc đồng áng gì để có được năng suất, hiệu quả cao: 
                        Tháng Giêng đồng lúa xanh già
                        Tháng Hai lúa trổ, tháng ba lúa vàng
                        Tháng Tư đồng cuốc đất lang
                        Tháng Năm bừa cấy, tiếng nàng hò lơ
                        Tháng Sáu làm cỏ dọn bờ
                        Tháng Bảy trổ cờ, tháng Tám chín thơm
Riêng: 
                        Tháng Chạp mà cấy má  non,
                        Thà rằng công ấy bồng con ở nhà
                        Tháng Sáu mà cấy má già
                        Thà để công ấy ở nhà bồng con. 
      Xem thế mới thấy được giá trị “trông trời, trông đất, trông mây” của người dân xứ Quảng Nam xưa trong việc đấu tranh sinh tồn với tự nhiên. Từ những chỉ dấu trên, cho ta thấy, sự đóng góp của người Quảng về tri thức dân gian đối với tri thức dân gian Việt Nam là không nhỏ. Bởi, “Ca dao tục ngữ của dân tộc ta nói về khí tượng có một giá trị nhất định về khoa học. Điều đó chứng tỏ rằng, trong thực tiễn lao động sản xuất, đấu tranh gian khổ với tthiên nhiên, dân tộc ta đã có những nhận thức tương đối vững vàng về quy luật khí hậu và thời tiết, có liên quan trực tiếp đến đời sống và sản xuất hằng ngày của mình. Những điều này đã có một tác động nhất định trong việc đấu tranh với thiên nhiên và khai thác những mặt thuận lợi của thời tiết khí hậu để bảo vệ đời sống và phát triển sản xuất”. 
      Sau khi việc đồng áng trong năm đã mãn, thì “tháng Giêng là tháng ăn chơi” bắt đầu. Trước khi Tết đến, người Quảng phải làm gì, chuẩn bị những gì, đối phó với cái gi... cũng được tổng kết bài bản: “Tháng Mười, ai cười người mang tơi - Tháng Chạp sắm tết hụt hơi lẽ thường”. Mà “Ngày tết đã đến bên lưng – Con chó thì mừng, con lợn thì lo”. Con lợn lo bị giết thịt, con chó mong được gặm xương là một lẽ thường trong khi con người, nhất là những gia đình túng thiếu mướt mồ hôi vì con nợ đến... quanh hè. Nên chi: “Giàu ba mươi tết mới hay - Đói ba mươi Tết nợ quay cuống cuồng”...  
      Người Quảng cũng có một cách tổng kết về con người, vùng đất và nhất là đặc sản từng vùng “không giống ai” song cũng chẳng lẫn lộn vào đâu được. Sẽ chẳng hiểu gì nếu không biết xưa kia người dân bên kia sông Hàn sống chủ yếu bằng nghề đi củi đốt than và đánh bắt cá. Vì vậy mới có câu: “Dù em mình ngọc mình ngà - Lấy chồng Sơn Trà gánh củi, đốt than” hoặc “Giao Thuỷ đất tốt trồng hành - To cây, lớn củ, lại lành con trai”... Nói về đặc sản vùng thì vùng nào có thứ gì đặc trưng cũng được tổng kết, tuyên truyền cho nhau biết để mỗi khi có dịp là thưởng thức: “Nước mắm Nam Ô, cá rô Xuân Thiều”, hoặc: “Cá rô, chim chéo, gạo trì  - Ai về Điện Tiến thì đi không đành”. Bởi, “Cơm trì với cá rô chiên - Ăn đà no bụng, còn ghiền muốn thêm”. Riêng về ẩm thực thì tri thức dân gian về lĩnh vực này có cả một kho tàng đồ sộ và đa dạng, chỉ tục ngữ ăn uống đã cung cấp cho ta một lượng kiến thức cơ bản và rất độc đáo. Người Quảng chọn vật theo thời gian, theo vị trí từng bộ phận của vật phẩm, theo đặc điểm của từng vật phẩm khác nhau mà có sự chọn lựa, chế biến tương thích. Chọn vật phẩm sẽ quyết định đến kỹ thuật chế biến và chất lượng của các món ăn, nhất là sử dụng gia vị, bảo quản thức ăn đã chế biến: “Nem tỏi, gỏi riềng”, “Thịt thơm vì hành, trăng thanh vì cuội”, “Ếch tháng Ba, gà tháng Mười”, “Bầu tháng Chín, bí tháng Mười”, “Chó già, gà non”... Ngoài việc giới thiệu đặc sản mỗi vùng, những vật phẩm chế biến đặc trưng, người Quảng cũng cảnh báo những món ăn nếu ăn kết hợp không đúng sẽ gây nguy hiểm, điển hình như: “Đậu xanh, rau muống, cải chua - Có tính dã thuốc, chớ cho ăn cùng”…  
      Ở đây cần lưu ý một điều: Tục ngữ giới thiệu cho chúng ta những thông tin ban đầu về vấn đề ẩm thực (đặc sản, ăn uống, chế biến), các tri thức đó phần lớn có giá trị thực tiễn song không ít những thông tin nay chỉ còn trong quá vãng hoặc chỉ thích hợp với hoàn cảnh lịch sử trước đây mà nay không còn thích hợp nữa; hoặc chỉ thích hợp với vùng này mà không thích hợp với vùng khác... Tuy nhiên, những tri thức dân gian trên đây rất ích dụng trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân và phát huy một cách có hiệu quả các giá trị văn hoá, tinh thần hiện nay. Trở ngại lớn nhất của tri thức dân gian là tâm lý chỉ ham chuộng những kỷ thuật mới lạ từ bên ngoài đem đến hiện nay, chê bai kiến thức dân gian của cha ông là lạc hậu, lỗi thời. Chính tâm lý đó đã làm cho cộng đồng dân cư – những địa phương có nhiều bí quyết, kinh nghiệm quí báu trong sản xuất, trong sinh hoạt đời sống cũng dần mất lòng tin vào chính khả năng của mình, làm cho con người ngày càng trở nên phụ thuộc vào các kỹ thuật hiện đại, làm hạn chế khả năng tự giải quyết những vấn đề rất đặc trưng mà chính cha ông ta đã từng giải quyết rất thành công. Điển hình nhất là sự mất đi của cái bếp chồ, khả năng sống chung lới lụt và nhất là sự “cưỡng bức” các loại hình sản xuất đặc trưng theo ý chí chủ quan từ bên ngoài như việc trồng quế Trà My đại trà trước đây.  
      Ngày xuân xin “nhàn đàm” đôi điều về cái “trí tri” của người Quảng, rất mong độc giả “mua vui cũng được một vài trống canh”!./.

Không có nhận xét nào: