Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

Truyền thuyết bên bờ thành Chăm


Vạn Ninh




Truyền thuyết
bên bờ thành Chămpa

                                                                                                         

Trong dân gian có rất nhiều truyền thuyết kể lại những câu chuyện về Chămpa. Chuyện con cua vàng Hời bò đi ăn đêm. Chuyện thi đắp tháp giữa Đại Việt ta với người Chăm,…Và câu chuyện thi đắp bờ thành tại thôn Cẩm An, (tên hợp nhất của hai làng Cẩm Sơn và An Thành) thuộc xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam), giữa nước ta và Chămpa, là một trong những câu chuyện còn truyền khẩu tại đây. Nơi đã để lại câu ca, phản ảnh một thời cơ cực của chốn đèo heo hút gió, gian khó khổ nghèo trên vùng đất xưa
            Điên cha mồ tổ chi hành
            Đem con mà gả An Thành – Cẩm Sơn
, Nhưng bây giờ đây, cuộc sống người dân trên vùng đất ấy đã dần dần phồn sinh. Những mái nhà ngói đỏ xinh xắn chạy dọc theo hai bên đường rộng thoáng. Đồng lúa mơn mởn xanh từ những bàn tay chăm chỉ, đã đem lại đầy đủ cho niềm tin yêu, sự quyết tâm về một nơi được lộc trời ban tặng:
            Bao giờ Cấm Nhọn hết cây
            Đập Đá hết nước, thì dân đây mới hết tiền
    Những địa danh Cấm Nhọn nằm về hướng Nam. Cấm Sải, Cấm  Chè, Cấm Lớn, dãy Tam Sơn chắn dài và bao quanh cả một phía tây bắc. Những ngọn núi được gọi tên theo hình dáng. Từ thời xa xưa, các núi ấy cấm không cho mọi người dân lên đây. Quy định bất thành văn “cấm” ấy, ngày nay chỉ còn hiệu lực đối với  ngọn núi Cấm Nhọn mà thôi. Bây giờ ngay cả những gia đình quần cư, hoặc sống rải rác đưới chân núi Cấm Nhọn, họ vẫn tự tuân thủ. Xem đấy như là một ngọn núi thiêng của đất Cẩm An. Vì thế, Cấm Nhọn, từ bấy lâu vẫn là một ngọn núi nguyên sinh, đầy bí ẩn, còn giữ nhiều truyền thuyết huyễn hoặc.
Nhà thơ Sa Hoài Nhân (Phạm Sa), đang làm việc tại xã Duy Trung, không những kể lại huyền thoại thi đắp bờ thành, mà còn dẫn tôi đến nơi để mục sở thị cái bờ đất truyền thuyết ấy. Chuyện kể rằng:  Sau khi hai bên Việt - Chăm giao hẹn tập kết vật liệu trong thời gian quy ước, và đồng thuận chỉ cùng đắp thành trong một đêm mà thôi. Nếu bên nào đắp thành dài hơn, cao hơn, thì bên ấy sẽ thắng cuộc. Bên thua phải dời đất, nhường lại cho bên thắng, phần đất đã thỏa hiệp.
Thế rồi, bên nào cũng dốc toàn nhân lực để đắp thành. Đến khi hết thời gian quy định, quân Chămpa vô cùng ngạc nhiên nhìn thấy thành của ta cao và dài hơn thành của họ rất nhiều. Thế là họ đành thua cuộc, dời bỏ đất mà đi! Tương truyền dân ta đắp thành bằng khung tre, trộn rơm nhồi đất sét, tương tự như làm phên đất nhà ở. Trong lúc đó, người Chăm ra sức, hì hục chuyển đất đắp bờ.  Câu chuyện ấy, thực hư thế nào thì không rõ. Nhưng cái bờ thành của người Chămpa kia, cho đến ngày nay, vẫn là sự hiễn hiện trước mắt chúng ta.
Đường lên bờ thành.
Qua khỏi cầu Chìm chừng vài trăm thước, (nay là chiếc cầu mới hiện đại) tại Trà Kiệu, rồi rẻ về phía tay mặt độ hơn 3 cây số. Du khách sẽ gặp giếng cổ tại thôn Cẩm An, nằm bên trái con đường đất rộng. Tại đây, chỉ cần đi thêm một đoạn chừng 500 mét nữa thôi, là chúng ta đã tiếp cận với bờ thành. Bờ thẳng tắp, đắp dài khoảng 1000 mét. Gối đầu với con đường dẫn lên khe Dâu, nơi hợp lưu nước hội về khe Cát. Thưở xa xưa, không rõ thành cao và rộng bao nhiêu. Nhưng cho đến hôm nay, mặt bờ thành hiện tại, rộng hơn 5 mét, và bờ thành ấy còn cao đến những 3 mét. Tuy nhiên, có một vài nơi bị xói mòn do mưa lũ. Nhưng chỗ thấp nhất vẫn cao đến khỏi đầu người lớn. Dẫn theo lời của các vị cao niên, thì khoảng 50 năm trước, bên trong phía chân thành, còn có những hào cạn. Nhưng càng về sau, người dân phá vỡ, lấp dần để làm ruộng. Do đó đến nay, không còn dấu vết gì để lại. Hiện thời, trên bờ thành di tích ấy, người dân địa phương trồng cây keo lá tràm.
Đi trên bờ truyền thuyết, trước ngọn gió từ phía thượng ngàn kéo trên những đám ruộng phù sa trải xanh mênh mông. Gió tràn qua hàng cây keo lá tràm thẳng đứng, nghe âm thanh xào xạc khiến ta liên tưởng đến những tiếng hô xung kích của quân Đại Việt tràn lên bờ thành. Ngọn gió rung lên tiếng giáo mác giáp trận.

Thăm ruộng của người Chăm xưa.
 Đường dẫn vào bên trong thành, xe máy từ từ chạy qua những đoạn quanh, những đường dốc lởm chởm đá núi, qua một khe nước nhỏ chạy dọc ven đường. Theo các lão nông tri điền, thì con nước ấy, ngày xưa rộng lắm. Đó là nguồn tưới tiêu vườn trại, cây cối cho dân trong làng. Tại đây, chúng ta có thể lên với đồi, để được nhìn thấy, và để được đi trên những thửa ruộng bậc thang của người Chămpa xưa. Những đám ruộng chia thành nhiều hình dáng khác nhau. Diện tích không đồng đều. Những đám ruộng ấy được xác lập sỡ hữu bằng những bờ đá do người Chăm đắp dựng, đến nay vẫn còn. Đấy là những bờ thửa, mà người Chăm dùng đá núi để phân định. Những viên đá màu đen sẫm, hoặc xám nâu, mang nhiều hình thù khác biệt, được sắp thành hàng. Từ phía dưới nhìn lên, nối – nối bờ đá lô nhô. Trong bậc tầng dãy ruộng khô, mọc phủ đầy những cây cỏ dại trên vùng nắng nung, lá cằn cỗi. Theo lời của anh Phạm Sa, các nhà khảo cổ, cũng như những người chơi đá cảnh, đã tìm đến nơi này để khảo sát, và họ cho rằng đây là loại nham thạch. Có thể từ hàng triệu năm trước, nơi này là miệng của một ngọn núi lửa? Vì thế, đã có một dạo, những tảng thạch di dạng ở xung quanh tầng ruộng bậc thang này, đã được các nhà chơi đá cảnh chiếu cố. Không gian thiên nhiên bị phá vỡ bởi những tay săn lùng đá lạ. Do đó chính quyền địa phương sở tại đã nghiêm cấm việc khai thác đá bừa bải tại nơi đây, để bảo tồn nguồn đá cổ.

            Đường lên thượng ngàn:                    
  Xa hơn về phía núi, dẫn lên con đường đất thoai thoải, một vài chiếc ô tô chạy ngược chiều. Trên xe chất đầy những cây keo gỗ lá tràm. Chúng ta lên dần, lên dần, sẽ vô cùng thanh thản trước không gian yên  bình của hồ Đập Đá.  Hồ xanh biếc một màu miên man. Mặt nước hiền hòa gợn bóng những công nhân đang thu hoạch cây keo lá tràm từ trên dốc cao nghiêng nghiêng. Các chàng trai khỏe khoắn, những cô gái xinh xắn. Họ đang rộn ràng vào vụ thu hoạch.
Chiều gác Cấm Nhọn chênh vênh. Trở gót Cẩm An yên bình. Quay lưng bờ thành Chăm tại Duy Trung. Đi giữa cuộc sống thanh bình, giã từ những nụ cười hiếu khách, chúng ta cảm thấy lâng lâng một niềm vui khó tả của một chuyến du xuân…









an nam 8.tif
 
          








Không có nhận xét nào: