Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

Giếng nước làng quê

Phan Thị Mỹ Khanh



Giếng nước làng quê



            Trong những điều kiêng kỵ của nhân dân một địa phương, thường có tục kiêng kỵ đào giếng. Người ta cho rằng nếu đào sâu xuống lòng đất, có thể động đến những mạch ngầm, là nơi cai quản của các vị thần linh, sợ e gặp điều bất lợi. Không những chỉ bất lợi cho bản thân những người đào, mà còn ảnh hưởng đến cả những hộ dân dùng chung giếng nước ấy.
            Thế nhưng, không hiểu vì sao tại làng tôi, một làng nhỏ ven sông Thu Bồn lại có đến 18 cái giếng, từ làng Đông đến làng Tây. Cách đây bảy, tám mươi năm, lứa tuổi chúng tôi lớn lên đã thấy những giếng ấy rồi. Giếng nào cũng sâu từ 8 đến 10 mét, nước rất trong và mát, ngọt lạ lùng ! Thuở nhỏ, mỗi lần gánh đôi vò ra giếng lấy nước về dùng, thế nào khi múc gàu cuối cùng, tôi cũng uống mấy ngụm và xối lên hai cánh tay, hai bắp chân cho mát rồi mới gành nước về.
            Giếng xây bằng đá tấm, được đẽo cong theo lòng giếng, có khứa nhỏ cho khớp liền từ dưới đáy giếng lên. Trước giếng có gắn bia đá ghi công đức những người đóng góp công, của vào việc buổi đầu xây giếng. Giếng làng tôi thường mang tên những người có nhà ở gần giếng để phân biệt vị trí của từng cái giếng. Vì vậy, ai đến làng tôi đều nghe bà con địa phương nói: “Giếng ông Duân, giếng bà Tri Hậu, giếng ông Cửu Bốn, giếng ông Thị, giếng bà Thủ Ba Hoàng, v.v…
            Giếng nước dùng chung cho một xóm nên những hộ dùng nước đều tuân theo một nội quy của bản hương ước xóm đề ra là:
            - Không được tắm giặt ở giếng.
            - Không được xả rác bừa bãi quanh giếng.
            - Không được phóng uế gần giếng.
            Nếu ai vi phạm sẽ bị trưởng xóm lập biên bản, phạt bằng tiền.
            Để nước giếng được trong, ngọt, cứ ba năm một lần, xóm tổ chức vét giếng. Trước ngày vét, ban phụ trách xóm nhóm họp quy định ngày giờ, phân công cho mỗi thành viên dự họp và thông báo cho các hộ biết.
            Từ sáng sớm, tiếng thanh la được đánh lên ba hồi như giục giã, tức thì bà con từ trong các ngõ kéo đến tập trung ở khu đất trước giếng. Ai có tre thì đóng góp tre, ai không có tre thì đóng góp công. Nhất là những thanh niên khỏe mạnh cần dùng sức để kéo rác lên. Có hộ toàn đàn bà con gái yếu ớt thì nấu nước chè hoặc sắn khoai phục vụ cho người lao động. Tre được chẻ ra, bện thành những sợi dây to, có độ dài đến vài chục mét, chắc chắn để buộc vào hai quai của chiếc thùng gỗ. Xóm đã chọn một người đàn ông mạnh khỏe, không có bệnh ngoài da, đưa xuống lòng giếng để vét rác. Trước khi xuống giếng, anh phải tắm rửa sạch sẽ, chỉ mặc quần đùi, ngồi vào thùng gỗ. Thùng được thả xuống tận đáy giếng, anh bước ra, dùng hai tay vét các loại rác, cỏ, cây lá và bùn đất bỏ vào thùng gỗ. Khi rác đã đầy thùng, bà con đứng thành hai dòng người nắm lấy hai mối dây tre kéo thùng lên. Bùn, rác đầy nên thùng rất nặng, họ vừa kéo, vừa hò reo inh ỏi. Rác kéo lên được đổ vào chỗ bụi tre ở ngoài khu vực giếng. Hết thùng này đến thùng khác, rác được kéo lên liên tục, cho đến khi nước giếng hết vẩn đục, rác được vơ vét sạch mới được thả thùng xuống kéo người vét giếng lên. Một số chị em dùng chổi chà tre quét hết rác rưởi còn vương vãi trên nền giếng, múc nước dội lại cho sạch sẽ. Những dụng cụ như thùng gỗ, dao rựa, dây tre được thu dọn gọn gàng. Sau khoảng ba tiếng đồng hồ lao động cật lực, mọi người ra về trong niềm vui phấn khởi vì đã tham gia thực hiện xong một việc công ích.
            Giếng nước làng quê còn là nơi hò hẹn của các đôi trai gái có quan hệ tình cảm với nhau. Họ thường chọn những lúc vắng người như giữa buổi trưa hè hoặc đêm trăng sáng tỏ để tâm sự bên bờ giếng. Những cuộc tình trong bối cảnh mộc mạc thô sơ ấy còn lưu lại vài ba câu ca dao ý nghĩa. Khi họ còn mặn nồng với nhau thì:
                        Ra về nhớ nước giếng khơi
                        Nhớ mắt em liếc, nhớ lời em trao.
Hoặc:
                        Năng mưa thì giếng năng đầy,
                        Anh năng đi lại thì thầy mẹ thương.
            Nhưng khi tình duyên không được như ý, người con gái rẽ sang ngõ khác, thì người yêu cũ buông lời dèm pha:
                        Tiếc tài con cá giếc đang tươi,
                        Nhảy vô giếng loạn, mười người mười chê.
Hoặc:
                        Tiếc thay cái giếng nước trong,
                        Để cho bèo tấm, bèo ong lộn vào.
            Cố nữ sỹ Hằng Phương thuở bé vốn sống ở làng Bảo An Tây với ông ngoại, khi về thăm lại quê hương năm 1978, đã viết:
                        “Giếng xưa như vẫn còn thương,
                        Cô em gánh nước tưới vườn rau xanh”.
                                                (Về lại quê Quảng Nam, năm 1978)

Để chỉ cái giếng gọi là giếng Ông Thị ngày nay vẫn còn.

            Qua cuộc chiến tranh chống Mỹ khốc liệt với hàng ngàn tấn B52 rải thảm, một số giếng quê tôi vẫn còn đứng vững, cung cấp cho bà con nguồn nước sinh hoạt, khi nước máy thủy cục chưa về đến nông thôn.

Không có nhận xét nào: