Thứ Hai, 26 tháng 3, 2012


Võ  Văn  Hòe
Do cái vần lưng?                                         
Tại sao trong các loại thể thơ: lục bát, Đường luật, tự do, song thất lục bát…thì thể loại thơ Đường lại nhanh chóng vắng mặt trên văn đàn nhanh như vậy mà ca dao lục bát lại sống lâu dài và thường xuyên xuất hiện trên văn đàn, cả khi những nhà thơ không chuyên hoặc những nghệ nhân dân gian trong làng xã vẫn thường sử dụng thể loại này như một công cụ truyền đạt thông tin trong những buổi hát huê tình, hò khoan đối đáp ?  
          Từ vấn đề trên có thể nhìn thấy rằng ca dao lục bát xứ Quảng đã có thể tồn tại và đi theo cùng sự phát triển lịch sử - văn hóa một vùng đất như hiện nay là nhờ vào việc vươn ra, mạnh dạn bứt phá quy ước cũ. Một số nhà chuyên môn tìm hiểu ca dao đất Quảng cho rằng đấy là biểu hiện của sự phóng khoáng trong cách tư duy phản ánh hiện thực của người dân vùng đất này. Chính đó mà ca dao lục bát và cả khi có nhiều câu ca dao có biến thể vẫn được mệnh danh là thơ ca dân tộc, là thể loại mà bất cứ giai đoạn lịch sử văn học nào cũng thường xuyên và đôi khi cần phải sử dụng để truyền đạt thông tin đến với mọi người. Thơ lục bát/ca dao cho dù được mệnh danh như vậy nhưng không phải là chuyện đương nhiên phải vậy, trái lại phải nghĩ rằng do đâu mà thể loại thơ lục bát có khả năng đi cùng và tồn tại lâu dài với lịch sử - văn hóa dân tộc từ xưa đến nay. Cũng phải ghi nhận rằng thơ Đường luật (nhiều loại) đã một thời làm nên sóng gió trên văn đàn bởi tính hàn lâm bác học, còn bởi tính khái quát cao của thể loại mang đến và còn bởi cách gieo vần, đặt chữ của thể loại đã cho phép tạo nên những vần thơ có khả năng thể hiện tính tĩnh, “sang trọng” của loại thể và đồng thời nhiều nhà thơ đã tung hoành ngọn bút của mình một thời và dĩ nhiên đã làm lay động không chỉ trong giới văn nghệ sỹ mà còn thấm sâu đến các tầng lớp bạn đọc. Có điều dễ nhìn thấy là trải qua mấy thế kỷ, thể loại thơ Đường với thể thức thực hiện của nó có lẽ đã tự thỏa mãn với cách gieo vần luân phiên bằng - trắc mà không nghĩ đến sự cách tân hình thức luân phiên ấy. Do đó, thể loại đã không tự hóa thân để đi theo cùng thời đại được mà “nửa đường” phải nhường bước cho các thể loại thơ anh em khác vươn lên thể hiện khả năng biểu đạt của mình, bấy giờ thơ Đường giữ vai trò lịch sử của mình. Lẽ ra trong mỗi giai đoạn tiến hóa của lịch sử - văn hóa, bản thân thể loại luật Đường phải tự đổi mới, tự thân vận động để tiến lên giữ vai trò tích cực trên văn đàn, phù hợp với sự phát triển của hiện thực thì tiếc thay thể loại dù cựa quậy đến mấy cũng không thể thoát ra được luật bằng - trắc đã quy định sẵn. Nhà thơ nào muốn thành công thành danh phải vận dụng đúng phép luật thơ, nếu không không là nhà thơ nữa. Xem trong văn học trung, cận đại Việt Nam sẽ rõ điều này.
          Lẽ ra bản thân thể loại thơ Đường phải tự cách tân bằng cách nào đó tùy thuộc vào sự phản ánh hiện thực khách quan, nhưng chắc chắn phải phá vỡ tiết tấu ngôn ngữ, luân chuyển các biểu tượng biểu hiện và đặc biệt phải biết “dịch chuyển thanh và vần điệu” sao cho phù hợp với tâm lý người đọc vào mỗi thời kỳ phát triển. Nói cách khác là thay đổi cách biểu đạt và cách chứa đựng nội dung sao cho thích nghi được và đồng thời đáp ứng điều mà người đọc mong muốn tìm thấy trong những vần thơ với đầy đủ các yếu tố “thất tình” của con người một cách sinh động, chi tiết và cụ thể nhất. Thơ  Đường không vượt qua hình thức thay đổi cách biểu hiện và không thể miêu tả chi tiết cái mà con người đương đại trông mong nên khi điểm danh đã thấy trống vắng trên văn đàn đương đại mà một thời thể loại này từng gây sóng gió trong thi ca.
          Khảo sát câu ca dao lục bát, điều có thể nhìn thấy rõ rằng để tồn tại cùng với quá trình phát triển lịch sử - văn hóa dân tộc, vùng miền, ca dao luôn có sự biến đổi, thích nghi, đôi khi biến động để đi cùng năm tháng, nếu không cũng sẽ mất vai trò và bị giữ lại để trở thành “người đưa đường” trong văn đàn thi ca vùng miền. Để biến hóa, câu thơ lục bát/ca dao tự dung nạp, hay cần phải tạo ra yếu tố ngôn ngữ dư (phá luật), đặc biệt tạo ra khả năng lựa chọn ngôn ngữ để biểu đạt mà không (đôi khi) phải giữ lại luật, thể hiện ở vần lưng - một cái vần khó chịu trong thơ lục bát. Để hiệp vần với câu lục, đến lượt câu bát không thể sử dụng phương thức kết hợp ngôn ngữ mà phải thực hiện thao tác lựa chọn. Chính đó, ca dao đất Quảng đôi khi phải tự phá vỡ niêm luật để “đi theo” và đồng thời tạo nên sự hy sinh về luật để đạt được khía cạnh biểu đạt, cái có thể biểu đạt khi cuộc sống người Quảng đang dập dồn lao nhanh về phía trước, câu ca dao theo đó phải thích ứng, phải tự cắt bỏ bớt niêm luật (khi cần thiết). Chính vì có khả năng dịch chuyển thanh, vần tại cái vần lưng khó chịu kia mà câu ca dao người Quảng thể hiện được tính hiện thực, cái cần hiện thực cụ thể để văn đàn đưa tay thường xuyên tiếp nhận “đi cùng năm tháng” với quần chúng nhân dân trong quá trình phát triển văn hóa - lịch sử của mình.
                    - Tay anh cầm cần câu trắc, ống câu trúc
                                                lưỡi câu thau
                    Muốn câu con cá biển chớ con cá bàu thiếu chi.
          Hoặc:
                   -Tai nghe trống chiến, trống chầu
                   Xếp ba miếng đậu phụng, lộn đầu lộn đuôi.

                  
                                     
          Theo đó, có thể thấy theo từng giai đoạn phát triển văn học, ca dao lục bát đất Quảng chung sống cùng văn hóa bản địa luôn “biết người biết ta”, biến hóa tài tình, khi yếu tố dư xuất hiện, lúc cần cũng có thể dịch chuyển vần lưng để đạt nguyện vọng biểu đạt cái cụ thể, hiện thực khách quan và đồng thời phục vụ kịp thời tâm lý người dân trên vùng đất chưa mưa đà thấm được hài lòng, toại nguyện.
 - Ai kia mười lăm năm lỡ biết bao lần,
Chứ em đây mười lăm năm mới lỡ chỉ một lần.
Nhưng rứa mà không lỡ,
Để làm gương cho khách hồng trần thử xem.

- Ai người ham chuộng giàu sang
Còn tôi cuộc sống có cơm đủ rồi
Đói cơm, áo rách sá gì
Miễn sao lý tưởng cao sang cho người.
          Và từ đó, ca dao lục bát đất Quảng luôn tìm được cách thể hiện riêng không chỉ làm hài lòng con người nơi đây mà còn giữ được cho mình một khả năng biểu đạt không bao giờ bị sử dụng đến cạn kiệt khả năng thích ứng để có thể sẽ phải lặp lại chính bản thân câu thơ lục bát hoặc do bị “cạn” nên dễ rơi vào vùng lõm của văn đàn, tức thì có nguy cơ bị bỏ quên ngay trên mảnh đất ca dao dân ca đất Quảng. Chính chỗ đó, cho thấy rằng ca dao lục bát ra đời tại vùng đất chưa mưa đà thấm đôi khi biến tấu thành những câu dài ngắn khác nhau không tuân thủ niêm luật lục bát như bản thân lục bát vậy mà vẫn phục vụ được bao người, vẫn thấy hài lòng, vẫn có cái nhìn bao dung khi thể loại cựa quậy vươn ra ngoài niêm luật.
- Ba đời bảy họ nhà khoai
Dù ngọt dù bùi cũng thể lăn tăn.

- Bớ cô gánh nước trồng cây
Tôi xin một miếng tưới dây tơ hồng
Dây tơ hồng không trồng mà mọc
Gái chưa chồng tôi chọc tôi chơi [1].

- Cao bờ thì tát gàu giai
Gàu sòng chỉ tát được nơi thấp bờ.

- Cây xanh thì lá cũng xanh
Anh giỏi trồng lúa, em rành trồng bông
Mai ngày lúa chín đầy đồng
Bông nở trắng đồng, thi thử ai hơn [2]
Khi ca dao cần sự thể hiện chi tiết tâm tư, nguyện vọng mà nhất là biểu đạt tâm trạng thương yêu, hờn giận trong tình yêu đôi lứa, hoặc mối quan hệ xã hội đan xen nhiều chiều, lục bát có thể mở rộng vòng tay, khoan dung biến thể ngay trong cấu trúc để làm hài lòng những nghệ nhân dân gian đang cần một thể loại nới rộng câu chữ, niêm luật, vần điệu để ứng xử ngay khi cần thiết mà không phải chọn lựa niêm luật, vần… nào cả. Câu thơ lục bát do đó có thể kéo dài câu chữ ra để đáp ứng nhu cầu sử dụng bằng cách luân phiên thay đổi biểu tượng biểu hiện, ngôn ngữ, âm thanh, vần và tính hiện sinh của cuộc sống là có thể phản ánh cái rất cụ thể, khi cần. Cái mà bất kỳ người đọc nào cũng cảm nhận được theo cách riêng của họ mà không cần phải thuyết minh ngay trong câu chữ dược dùng. Và thế là ca dao đất Quảng đã mượn lục bát để làm được công việc rất cụ thể là thể hiện tâm trạng con người trong những hoàn cảnh khác nhau, dưới nhiều giác độ khác nhau.


[1] Có bản ghi: Bớ cô gánh nước giếng mây – Cho tôi một miếng tưới cây ngô đồng – Cây ngô đồng không trồng mà mọc – Cô mô chưa chồng tôi chọc tôi chơi.
[2] Có dị bản: Em giỏi cấy lúa, anh rành trồng bông Bông nở trắng vồng thi thử ai hơn.

Không có nhận xét nào: