Thứ Hai, 26 tháng 3, 2012


Võ  Văn  Hòe

VĂN HÓA PHƯỚC THUẬN                                             

1. Các thiết chế văn hoá làng
Xưa kia cùng với quá trình tụ cư và sinh sống, bước đầu người dân Phước Sơn đại xã (nay là thôn Phước Thuận, xã Hoà Nhơn, huyện Hoà Vang), thiết lập các thiết chế văn hoá nhằm có nơi sinh hoạt, đáp ứng nhu cầu tâm linh cho dân làng nhưng đồng thời cũng để bảo lưu, giữ gìn những di sản văn hoá vật thể và phi vật thể của Phước Sơn. Theo đó, đã phản ánh đời sống tinh thần của người dân nơi đây rất phong phú. Các thiết chế gồm chùa làng, đình làng, miễu xóm, các miễu thờ Thái Giám, Cao Các, lăng Âm linh và các nhà thờ của các chư phái tộc.
Thế nhưng do tác động bởi chiến tranh nên các di tích tại Phước Sơn từ xưa đến nay cả một vùng Ngũ xã đều không còn nguyên vẹn. Hiện chỉ còn các kiến trúc cổ như đình làng Thạch Nham, Phước Thuận, Phú Hoà, trong đó đình làng Phước Thuận được Uỷ ban nhân dân thành phố cấp bằng công nhận di tích Lịch sử - Văn hoá cấp tỉnh thành.
Đình làng:  Đình Phước Thuận là ngôi đình cổ, ban đầu toạ lạc tại Cồn Am (cạnh Cồn Nồ), xứ Bàu Dài, tục gọi là Minh Đình (nay là xóm trên).Thời gian đầu mới dựng, đình làm bằng tranh tre, gỗ tạp để di dân trú ngụ có nơi sinh hoạt chung, nơi tập trung đồng tâm chống lại thú dữ, là địa điểm trú phòng khi mưa nắng, lụt bão, coi ngó sơn phỉ.
Thời Hồng Đức (thời Lê Thánh Tông – không rõ năm) đình làng Phước Sơn dời đổi về xứ Cây Trôi thuộc khu vực đất làng. Đến đời Gia Long, đình làng được xây cất lại gạch ngói, sườn đình làm bằng gỗ tại địa phương. Gạch ngói được lấy đất từ ruộng Hồ Lư tại xóm trên để nung, nay còn dấu tích. Viên gạch lớn, hình chữ nhật giống gạch người Chăm. Đây là thời kỳ Phước Sơn đại xã chưa bị chia cắt, do đó nhân dân trong làng đông đúc, các ngày tế lễ kỳ an, kỳ phước người dân được ăn xôi, cháo, thịt cũng là đặc sản tại Phước Sơn. Đến dự tế lễ xuân thu nhị kỳ tại đình, người dân trong làng thường mang theo chén đũa cho tiện, nhằm kết thúc lễ hội là có thể dọn dẹp gọn gàng trong ngày mà không phải thức đến thâu đêm.
Đình Phước Thuận là một ngôi đình lớn, trong dân gian còn lưu truyền “Đi vô xem đình La Qua, đi ra trông đình Phước Thuận”. Đến nay làng Phước Thuận còn lưu giữ được bộ đinh, bộ điền thời Thái Đức – Gia Long (có ấn chỉ niên hiệu Thái Đức), và bảng Khoán ước thời Gia Long nay còn lưu giữ được, cho thấy tại Phước Thuận, một làng quê trung du của huyện Hoà vang vẫn còn những văn bản Hán – Nôm, chứng tỏ thời kỳ Phước Sơn đại xã, nơi đây đã từng thiết lập được một nền nếp sinh hoạt văn hoá trong nhân dân mà nay còn được lưu truyền trong dân gian.
Đến năm Tự Đức thứ III (1849) đình làng được gia cố đổi từ gỗ lim, gỗ muồn sang gỗ mít, kiền kiền. Hiện nay giàn gỗ vẫn còn nguyên vẹn. Trên một cây xà có khắc: Tiền triều lịch đợi, giáp thìn niên, bổn xã hội tề cải thiên đình, toạ cấn hướng khôn trạch đắc, bát nguyệt, cửư nhật, thìn thời khắc, thượng lương [1]
Sau hiệp định Giơ ne vơ năm 1954, đình làng Phước Thuận đã bị máy bay của Pháp đánh phá gây sụp đổ. Nay cây cột cái của đình còn mang dấu đạn. Nhân dân làng Phước Thuận vận động quyên góp trùng tu, tôn tạo, giữ nguyên kiến trúc xưa.
Năm 1998, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, được sự cho phép của chính quyền địa phương xã Hoà Nhơn, nhân dân chung sức cùng với kẻ xa quê hương, người bám trụ với sự hỗ trợ của các công ty xí nghiệp đóng trên địa bàn thôn đã đóng góp tiền của tu sửa, chỉnh trang để có được ngôi đình như hiện nay.
Thời gian đầu xây dựng nên ngôi đình, mục đích dùng làm nơi trú ngụ nắng mưa cho nhân dân đi khai hoang phục hoá mở mang bờ cõi có nơi nương tựa, sinh hoạt, đình được gọi là Minh Đình, dần về sau gọi là Thống Hội Đường, biến thành nơi thờ thần Thành hoàng bổn xứ bảo an chính trực, thờ các vị Tiền hiền khai khẩn, Hậu hiền khai cư của làng. Từ đó về sau các lễ hội kỳ yên, kỳ phước của làng được tiến hành tại đình.
Trong đình, gian hậu tẩm có các câu đối: -Thần linh bảo hộ nhơn dân thịnh,Thánh đức phò trì bá tánh hưng.Hai bên tả hữu đình thờ Tiên khai, Hậu vũ tức thờ Tiền hiền, Hậu hiền của làng, có câu:-Phước Thuận khai nguyên tiên Ngũ xã,Đà Châu nhậm hoán hậu Trần, Lê.[2] Hàng cột cái trước có:-Tiền đình hoa khai Phước thuỷ long phi trợ,Hậu tẩm hoá văn Thuận địa hổ lai phò. Bức bình phong có câu đối:-Giang sơn thiên cổ tú, Phong cảnh tứ thời xuân.Trụ biểu có 2 câu đối:- Phước khai thái vận hậu thế miên trường danh kế thạnh,Thuận vũ phong điều thuần nông tục mỹ bách tánh hưng.- Hoà hợp tiền nhân khẩn thổ khai nguyên lưu hậu thế,Nhơn cơ đức hậu an cư lạc nghiệp niệm thâm ân.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đình Phước Thuận còn là nơi tụ họp thanh niên và nhân dân tổng Phước Tường, các làng phụ cận đến luyện võ nghệ dưới sự chỉ huy của Thủ lĩnh xã đoàn, chờ thời cơ tổng khởi nghĩa. Tại đình, nhân dân nghe ông Trần Định đọc lệnh khởi nghĩa giành chính quyền trong cách mạng tháng Tám năm 1945. Đình Phước Thuận còn là nơi lý trưởng Ngũ xã nộp ấn triện cho chính quyền cách mạng.
Thời kỳ 1908 nổ ra phong trào kháng thuế tại Trung kỳ, các ông Trưởng Nghệ, Bồi Lộc luyện võ nghệ tại đình, đánh Pháp, xuống đường xin xâu kháng thuế dưới sự lãnh đạo của Ông Ích Đường.
Những năm 1950 – 1954 đình Phước Thuận đón nhận đồng bào di cư từ các làng lân cận không chịu nổi sự khủng bố của giặc Pháp như làng Phú Hoà, Thạch Nham, Phước Thái, Đông Lại, Nghi An, Đông Phước… trốn địch dựa vào núi non rậm rạp của làng Phước Thuận để ẩn mình. Đình còn là nơi để cán bộ cách mạng dừng chân trong trận đánh Pháp năm 1952 tại Thạch Nham, trận phục kích đoàn xe của Pháp tại Truông Tranh,  Cẩm Bình năm 1954.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đất nhị Phước: Phước Hậu, Phước Thuận là căn cứ địa cách mạng, nơi cung cấp thông tin liên lạc, lương thực, thuốc men cho bộ đội tại cấm Ông Dụng. Chính đó, giặc Mỹ bắn phá đình làm hư hại, sụt móng. Từ sau 1975, trong hoà bình xây dựng, đình làng Phước Thuận là nơi làm kho giữ lúa của hợp tác xã số 2 Hoà Nhơn và là nơi làm việc của đội sản xuất số 10.
Ngoài đình làng còn có Chùa làng, Miễu Tam vị, Miễu bổn xứ, Miễu Thái giám, Dinh Bà, Lăng Âm linh, Nhà thờ các chư phái tộc.
2. Khoán ước làng Phước Sơn
Tại làng Phước Sơn nay là thôn Phước Thuận, xã Hoà Nhơn, huyện Hoà Vang còn lưu giữ lại bản khoán ước của làng, lập vào thời Gia Long thứ 7 (1808). Bản khoán ước được viết bằng chữ Hán trên giấy dó, kích thước 20 x 30 cm. Về nội dung gồm 10 quy định về việc cúng tế ở đình làng, về mừng thọ lên lão, về cưới hỏi lấy vợ, lấy chồng của trai gái trong làng, về sự tương thân tương ái, giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn, về khuyên răn làm những điều tốt, không trộm cắp, không phá của cải, tài sản chung của làng…
            Mở đầu khoán ước ghi: “Chúng tôi là những viên chức lớn nhỏ trong xã, thuộc xã Phước Sơn, tổng Phước Tường thượng, huyện Hoà Vang, phủ Điện Bàn. Nay lập đồng ưng định cử ông cựu cai tên Đàm lên làm chức trùm cả để chăm sóc các việc trong đình, chùa, sắp đặt lễ cúng và cứ theo khoán lệ khu xử những việc đúng sai trong xã, giữ gìn bờ cõi thuộc địa phận của xã. Từ nay những nam phụ, lão ấu trong xã và những người ngụ cư, nhóm họp tại đình, tưởng niệm các bậc tiền hiền đều phải giữ đúng phép tắc hợp với thuần phong, trên thuận dưới hoà, để giữ lấy danh dự với các làng lân cận. Từ nay về sau con cháu trong làng đều phải tuân theo những điều mà trước đã vạch sẵn”. Và, bản khoán ước cũng chỉ rõ việc xử phạt khi các thành viên trong làng không chấp hành: “Những viên chức nào trong xã không dựa theo lệ khoán của các bậc tiền hiền mà làm trái lại những điều đã định ước trong tờ ưng định này lại có những lời phán ngôn ngang bướng thì phải chịu phát vạ một heo và cả trầu rượu dùng đủ, để làm sáng rõ nghi tắc của các bậc tiền hiền, để nêu gương cho những lớp trẻ sau này, ngõ hầu giữ được sự phát triển của làng”.

        Ngay từ lời mở đầu bản khoán ước đã ghi rõ trách nhiệm của con cháu – các thành viên trong làng phải biết gìn giữ lễ nghi, phép tắc, thuần phong mỹ tục của làng mà các bậc tiền hiền khi đến khai canh, khai cư lập làng đã đề ra và một khi ai đó không chấp hành, không thực hiện đúng thì sẽ phải chịu phạt trước dân làng. Trong 10 điều khoán ước có những điều ghi về tinh thần tương thân, tương ái như: “Dựa theo khoán lệ của tiền nhân thì trên đời này có kẻ giàu, người nghèo không giống nhau, nên phải giúp nhau mới phải”, hay: “Dựa theo lệ định của tiền nhân, trong làng có người quá cố mà con cháu trong nhà muốn tỏ lòng hiếu thảo, hoặc có lễ tạ khi tống táng xong, việc ấy tuỳ theo khả năng của gia chủ, bất luận ít nhiều. Khi có đám tang gia chủ phải trình xã trưởng để cắt người trợ táng hoặc trợ tế”.  Bản khoán cũng nói về việc gìn giữ, cấm phá tài sản chung của làng như: “Dựa theo phép tắc của quan trên, măng tre mới nhú lên cần phải được bảo vệ, để dùng vào những việc có ích sau này. Điều này đã có giấy tờ cấm ngặt từ trước, nghĩa là cấm không được cắt măng tre. Nếu ai còn phạm vào điều cấm ấy, cắt trộm măng tre khi bị bắt phải nộp lệ khoán một quan, một tiền và thu thêm 5 tiền để thưởng cho người bị bắt được”. Tuy nhiên, bản khoán ước cũng có mặt hạn chế như “Người con gái phải đúng 14 tuổi trở lên mới được gả chồng” và phải “giữ đúng 6 lễ từ vấn danh đến lễ cưới”, tuổi lấy chồng của người con gái quy định như vậy còn quá sớm. Hiện nay, theo Luật Hôn nhân và Gia đình chỉ rõ là nữ phải đủ 18 tuổi trở lên thì mới lập gia đình.

     Bản khoán ước này được lập vào ngày 4 tháng 9 năm Gia Long thứ 7 (1808) 1.

         Như vậy, khoán ước cũng như hương ước có vai trò quan trọng đối với việc ổn định, xây dựng cuộc sống trong làng Phước Thuận, theo đó, chấp hành tốt sẽ làm cho làng xóm yên vui, mọi người dân trong làng đoàn kết, trên thuận dưới hoà. Có được điều đó có thể một phần do các hình thức phạt và hình thức khen thưởng mà khoán ước hay hương ước đã nêu ra. Qua đó, chúng ta thấy khoán ước đã phản ảnh các quy tắc ở làng xã mà mọi thành viên trong cộng đồng buộc phải tuân theo; đồng thời phản ánh một phương diện quan trọng của văn hoá làng, đó là những quan niệm về điều hay, lẽ phải của dân làng, đưa họ vào khuôn phép và thực hiện những điều đã quy ước. Do vậy, có thể nói khoán ước là một khế ước tự nguyện của toàn thể dân làng Phước Thuận, gắn bó dân làng với nhau, điều tiết các trách nhiệm cũng như quyền lợi của mọi thành viên trong làng. Khoán ước đã bổ sung cho luật pháp khi cần xử lý những vấn đề cụ thể luôn nảy sinh trong cuộc sống hằng ngày của nhân dân. Vì vậy, mặc dù cách chúng ta ngày nay gần 200 năm, nhưng bản khoán ước của làng Phước Sơn đại xã vẫn còn nhiều ý nghĩa và giá trị trong việc xây dựng làng văn hoá hiện nay. Chúng ta cần tiếp thu và phát huy cách ứng xử mang đầy tính nhân văn và tự nguyện của các thành viên trong làng xã ngày trước, để cùng nhau quy ước rồi thực hiện, nhằm làm cho từng thôn, làng, từng tổ dân phố, khu dân cư được an vui, yên ổn, môi trường xanh - sạch - đẹp và phát triển. Có thể từ môi trường văn hoá làng xóm ấy, Huê tình ca được tập hợp từ những lần sinh hoạt văn nghệ, diễn xướng dân gian mà có chăng? Ngày nay, chúng ta có thể hiểu được, trước ta đã có người làm công việc lưu giữ vốn văn nghệ dân gian này rất tích cực và hiệu quả. Hiệu quả không chỉ bằng trí nhớ mà còn ghi lại bằng văn bản, đã mấy chục năm hoặc lâu hơn như bản khoán ước Phước Sơn đại xã được thiết lập cách ta trên 200 năm vẫn có thể sưu tầm và xử lý được. Từ hôm nay nhìn về quá khứ, đó cũng là cách bảo tồn, tàng trữ di sản văn hoá địa phương, mong ở đấy sẽ phát huy được tinh hoa văn hoá dân gian với tinh thần “ôn cố tri tân”, góp phần xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Hiện nay trong cuộc vận động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” quy ước cộng đồng đã trở thành một trong những nội dung quan trọng và chủ yếu trong công tác xây dựng thôn, bản, làng văn hoá, tổ dân phố văn hoá…Nội dung của quy ước cộng đồng dựa trên cơ sở kế thừa và phát huy những thuần phong mỹ tục của cha ông qua hương ước, khoán ước. Nhưng chỉ với những quy ước mang tính tích cực, còn những quy ước lạc hậu thì chúng ta cần loại bỏ, làm sao cho mỗi gia đình, mỗi tộc họ hiểu biết và gìn giữ những thuần phong, mỹ tục tốt, góp phần làm cho người dân có ý thức trách nhiệm với cộng đồng. Đồng thời giáo dục cho thanh thiếu niên, con cháu trong gia đình, dòng tộc chăm lo làm ăn, cố gắng học tập, không đua đòi hư hỏng, không rơi vào các tệ nạn xã hội…nhằm đem lại đời sống ấm no, hạnh phúc, nếp sống  có văn hoá, văn minh ở các làng quê, khu phố được phát huy, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng thành phố văn minh, giàu đẹp.
3. Sinh hoạt văn nghệ dân gian
Trong lao động sản xuất, đặc biệt trên vùng trung du âm âm gió núi, mưa chiều như làng Phước Thuận thì hẳn sinh hoạt văn nghệ phải được tổ chức để có chỗ cho thanh niên nam nữ và nhân dân nói chung sau những buổi lao động mệt nhọc ngoài đồng, trên núi có nơi sinh hoạt, tạo không khí sôi động mà quên đi những mệt nhọc trong lao động hằng ngày. Xuất hiện những câu ca dao tục ngữ từ vùng trung du này thường gắn với địa danh, mang hơi thở của tâm lý về đặt tên đất, tên làng – những địa danh được đặt tên khi “từ Bắc nhi nam lai” khai khẩn. Ấy vậy nên địa danh đất đai sông suối đã đi vào những câu ca dao, tục ngữ được truyền tụng tại Phước Sơn đại xã từ ngày lập làng còn lại đến giờ.
Tục ngữ: Mống chuồn đóng tại Gò Chòi [3], Mấy cô con gái đi coi mống chuồn. Qua đấy, cho thấy rằng dân gian vận dụng cách nói lái  trong tiếng Việt khi nhìn thấy quan quân qua lại trên Gò Chòi, thanh niên trong làng trào lộng cho vui với các cô con gái. Cô nào “muốn chồng” lên trên ấy mà chọn. Giống như câu: “Trai khôn tìm vợ chợ đông,  Gái khôn tìn chồng giữa chốn ba quân cũng là cách sinh hoạt văn nghệ dân gian nơi quê kiểng. Mống Cửa Đại cá mại chết khô. Người dân Phước Thuận truyền tụng rằng ngồi tại đình làng, lấy nơi này làm hệ quy chiếu ngó ra đèo Đá Trạc hướng Cửa Đại, Hội An có mống (7 sắc cầu vồng) đóng thì trời có hạn. Đấy là phóng tầm mắt ra xa. Còn nếu người dân làng nhìn gần chỉ thấy: Mống Đá Trạc không khát cũng khô. Hoặc, tục ngữ tại làng có: Mống Cu Đê chạy về dọn gác. Ngồi tại đình Phước Thuận ngó về hướng sông Câu Đê qua ngõ Đại La có mống là trời lụt. Và nếu nhìn gần thì lại: Mống Đại La mưa sa bão táp.
Điều đó cho hay rằng người dân làng Phước Thuận lấy đình làng là trung tâm của mọi sinh hoạt và cũng là trung tâm của mọi dự đoán và từ tâm lý này có thể nhìn nhận được rằng đình làng ngày xưa là trung tâm, là nơi dân làng ngưỡng vọng, đấy cũng là nơi tập trung mọi buồn vui, ái nộ của làng, là nơi thể hiện lịch sử - văn hoá chung của làng. Nơi thờ Thành hoàng làng. Từ đây chúng ta có thể hình dung ra được thanh niên nam nữ Phước Thuận xưa thường tụ tập về đình làng sinh hoạt văn nghệ. Thế nên từ đó những câu ca dao, tục ngữ, có cả hát hò cũng ra đi từ ngôi đình làng, vì đấy là khu vực trung tâm làng. Ngày xưa cả vùng rộng lớn của Phước Sơn đại xã và về sau là đất Ngũ Phước vẫn phải lấy đình là trung tâm cho mọi sinh hoạt của người dân trong làng. Huê tình ca cũng trong hoàn cảnh đó mà ra đời và được ghi chép lại như một minh chứng cho những lần sinh hoạt văn nghệ dân gian nơi làng quê trung du yên ả của Phước Thuận xưa.
Trong lịch sử phát triển làng, Phước Thuận luôn có sự tiếp xúc, giao lưu với các làng bộ lân cận qua việc di cư đổi nơi cư trú, qua hôn nhân, phát triển kinh tế, trao đổi các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Do đó văn hoá làng Phước Thuận không đóng khung trong môi trường diễn xướng nhỏ hẹp của làng mà còn tìm nhiều cách lan toả ra bên ngoài, chính đó là giao lưu và tiếp nhận biến đổi các thành tố văn hoá cho hợp với phong thổ địa phương, nâng lên thành cái riêng Phước Thuận. Văn hoá văn nghệ dân gian tại làng Phước Thuận xưa, qua tư liệu Hán – Nôm Khoán ướcHuê tình ca cho thấy hoạt động hò hát diễn ra thường xuyên vào những ngày nông nhàn, những đêm trăng thanh, có lễ hội thì sinh hoạt càng có dịp phát triển. Các loại hình hò khoan đối đáp, nói vè, chiếu tuồng… được tổ chức biểu diễn và được mọi người quan tâm tham dự, nhất là lực lượng trai tráng lực điền, nam thanh nữ tú trong làng.
4. Huê tình ca Phước Thuận xã
            Đây là cuốn sách viết kiểu chữ Nôm trên loại giấy dó bằng mực xạ, chép lại những bài ca của thanh niên nam nữ xã Phước Thuận, huyện Hoà Vang. Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, xã Phước Thuận là xã cánh tây của huyện Hoà Vang, đất đồi gò, vùng trung du, tiếp giáp từ chân Bà Nà - núi Chúa xuống và núi Phước Tường lên, kinh tế thuần nông, chủ yếu là làm ruộng và trồng trọt các loại hoa màu khác như khoai, sắn, các loại đậu, mè (vừng), một ít gia đình có chăn nuôi bò, có cả bò bầy. Sau cách mạng, xã Phước Thuận đổi thành thôn Phước Thuận thuộc xã Hoà Nhơn, huyện Hoà Vang, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.

            Cuốn sách "Huê tình ca" (hát huê tình) sau khi phiên dịch từ Nôm ra tiếng Việt là tập hợp những bài ca dân gian, phần lớn dùng trong hát hò khoan, ngâm nga giải trí, một trong những thể loại đặc trưng của văn nghệ dân gian Quảng Nam, Đà Nẵng. Đôi khi cũng dùng cho phong cách tự sự. Sách không có cốt truyện, có 45 bài chia làm 4 phần, mỗi phần thể hiện một chủ đề.

            Phần I: Huê tình ca  có 7 bài, tập trung ngợi ca tình yêu đôi lứa, thể hiện tâm tình nam nữ trong làng.

            Phần II: Lý Mã Hiền đoạn . Có 13 bài, cảm tác từ trích đoạn  tuồng Lý Mã Hiền, phần Ngọc Dung - vợ Lý Mã Hiền - bị chú mình dùng cung tên sát hại. Thông qua phần này cho biết ngày ấy người dân làng trung du Phước Thuận đã tiếp cận với tuồng, và thích xem tuồng đồ, thường đến với các chiếu tuồng.

            Phần III: Kiều tích ca. Có 9 bài. Cảm hứng từ Truyện Kiều (Nguyễn Du), bài ca xúc cảm từ những tình huống xảy ra trong mười lăm năm Vương Thuý Kiều mắc nạn, đầy nỗi dằn vặt, phải đau khổ lắm trước khi có thể vượt qua được những nghiệt ngã.[4]

            Phần IV: Cách cú. Có 16 bài. Là những câu ca thở than về tình yêu chông chênh, xa cách giữa nam nữ trong làng.

            Sách Huê tình ca được chép bằng chữ Nôm đầu đời Minh Mạng, đến năm 1941, Bảo Đại thập lục niên, nhuận nhị ngoạt, sơ tứ nhựt được sao lục lại lần nữa [5]. Năm 1997, cụ Võ Văn Xuân người làng Đông Phước, xã Hoà Phát, huyện Hoà Vang phiên âm từ Nôm sang Việt.

            Huê tình ca là tiếng ca vui buồn từ những chuyện tình mà thông thường người ta vẫn đọc cho nhau nghe trong những lần sinh hoạt văn nghệ trong làng hay có thể là hát hò khoan đối đáp huê tình vào những đêm trăng sáng. Vì đây là thể loại dân ca dân gian, do đó cho phép ta nghĩ rằng thông qua hình thức diễn xướng trong sinh hoạt văn nghệ làng xã, nam nữ thanh niên Phước Thuận xã nhớ và tập hợp có bài bản, tự ký nhằm lưu giữ và phổ biến lâu dài, đồng thời tránh nguy cơ bị quên lãng cùng với thời gian theo năm tháng đời người.

            1. Đúng như tên gọi của nó, "Huê tình ca" càng hát càng thấy gay cấn, ngổn ngang, cái ngổn ngang có thật nơi trần thế. Thường chỉ hai nhân vật: chàng - nường (nàng) hoặc chàng - em, có khi thay thế bằng hai đại từ: đây - đó. Chủ thể trữ tình được nhấn mạnh tạo nét viền đậm vì đấy là đối tượng phản ánh. Họ thường đổi vai nhau trong lúc hát, khi ngổn ngang về phía nữ, lúc trục trặc thuộc về nam. Chuyện của những chàng trai cô gái xảy ra trong không gian vật chất cụ thể làng Phước Thuận, tuy hẹp ở xóm làng nhưng lại có đủ những cung bậc phức tạp của thuộc tính tâm lý tình yêu trong quan hệ xã hội, con người. Cái ao ước, khát vọng trăm năm của các nhân vật dân gian trong sách chẳng bao giờ cũ cả. Mọi thời đại, tình yêu thương vẫn là cốt lõi trong quan hệ con người. Một người con gái ray rứt với nỗi buồn vời vợi, yêu suốt quãng đời con gái, nhưng chỉ một lúc nào đó: Chiều chiều một gánh cang thường, Nỗi nầy cho phỉ biết tường cùng ai, Dẫu mình thác xuống tuyền đài, Dầu nay khuất mặt, hậu lai cũng gặp chàng. Hoặc: Phân ra cho rõ cội nguồn, Đừng tham phú quý bỏ nghĩa nầy bơ vơ.Tất nhiên với tình yêu đôi lứa trong nỗi u hoài luôn có hy vọng nhóm lên.

            2. Khác với Huê tình ca là cảm tác từ những trích đoạn tuồng Lý Mã Hiền, đoạn Ngọc Dung - vợ Lý Mã Hiền - bị chú sát hại bằng mũi tên. Chủ đề tập trung khai thác, phản ánh bằng thể loại dân ca, qua chiết đoạn Ngọc Dung gặp nguy. Đây là đoạn thương cảm nhất, thể hiện sự đau xót cho kẻ ngay ngộ nạn. Khuyên em ráng bước chưn dời, Lên yên tị nạn lánh hồi tai ba...Ruột đau từ đoạn như giần, Phần thời bị mũi tên thần, Phần thời đau dạ, khổ muôn phần chàng ơi. Vào thời điểm bị tên bắn, ốm nặng, lại trở dạ muốn sinh, tiều tuỵ lắm rồi nhưng ai biết đâu lòng cô vợ trẻ lại long lanh ý thức tuyệt vời và trong sáng: Đạo cương thường trời khiến bỏ nhau, Thương cho chàng đỡ trước ngăn sau có một mình. Chỉ mỗi lời nguyện ước sống có nhau nhưng mà hỡi ơi, thật khủng khiếp làm sao, những bài ca từ chiết đoạn là một tấm lòng của một con người, họ đã sống một cuộc sống tình cảm dằn vặt, khổ tâm với những kỷ niệm nhức nhối, và người vợ trẻ - Ngọc Dung - mong được chết nhẹ nhàng, êm ả. Rất dân gian và rất gần gũi với cuộc sống đời thường nơi quê kiểng.

            3. Không có nỗi đau nào giống nhau cả, "Kiều tích ca"  là những tiếng thở than, thương tiếc, cảm hoài cho một đời tài hoa nhưng phận bạc. Có một ít ước mong về hạnh phúc thôi, mà sao thật khó! Âm thầm chịu đựng, âm thầm đau. Đau trong âm thầm hy vọng như Kiều đã có lần hy vọng trong than thở: Đã hay hoạ khởi vô đoan, Thằng bán tơ gieo hoạ nên thân nường khổ thay, Còn gì một chút đoạ đày, Dẫu có khôn bảy vạn cũng tay giang hồ. Nỗi đau ngoài ước muốn của Kiều cũng là của “nữ nhi" đôi khi cũng gặp nơi làng quê trung du yên ả nầy, từ đây một câu ca, một tiếng hát bật lên trôi nổi, thở than. Điều không mong đợi, đơn giản nhưng lại ngoắc vào tâm trạng những ngổn ngang nhức nhối: Bởi Hoạn Thơ có dạ ghen tuông, Đem thân đày đoạ nghĩ phận nường không ra chi, Làm cho mặt bủng da chì, Sự hoàn chi hậu bỏ đi lên chùa, Cho hay tài sắc kém thua, Duyên còn chi nữa mà tranh đua bớ nường....Mười lăm năm bướm chán ong chường, Chờ cho một kiếp Tiền Đường ra chi. Có thể xem đấy là những trục trặc có thể có trong tình yêu nam nữ. Thế nhưng tha thứ và cảm thông với những trúc trắc vẫn là điều cơ bản, là thước đo tấm lòng của mỗi con người đã được đem ra hát giao lưu cũng là cách nhắc nhở giải bày. Người ta hát về Kiều khách quan không hề ân oán, không lấy oán trả oán, lấy ân trả ân mà cư xử với tấm lòng vị tha đúng đạo nghĩa cang thường như lý lẽ của người xưa vậy: Dẫu không thương cũng nghĩ chút tình. Lẽ mô phụ bạc duyên mình rứa răng, Lời nguyền thuỷ kiệt sơn băng, Non cao tạt dạ, đá bằng đề thơ. Có một điều chiêm nghiệm qua thực tiễn, trong tình yêu tâm trạng bi không ít nhưng chưa thấy luỵ. Nhớ người yêu cũ khôn nguôi rồi liên tưởng đến nhân tình thế thái kèm theo thái độ hoài niệm với nhiều lưu luyến trong các câu ca "cách cú" là điểm nổi lên trong những câu xa cách. Một lớp thế hệ thanh niên Phước Thuận trước cách mạng Tháng Tám trải qua những sóng gió của trần thế ngổn ngang tâm trạng, các câu xa cách gần như hết hy vọng, không giống khúc hát huê tình buổi đầu tiên. Nỗi niềm đây ruột thắt trăm chiều, Đã mang phận bạc kêu thời với trời xanh. Cũng có mối quan hệ tham lam, bủn xỉn, khôn vặt, vụ lợi. Tuy thế vẫn không ngờ ở cái xã Phước Thuận ngày nọ lại có những con người vươn lên trong sinh hoạt tinh thần, làm đẹp cho xứ sở quê hương như vậy. Nghĩ như ta với bạn còn thiếu niên, Ngày xuân không lẽ ôm duyên ngồi chờ.

            Như thế, vẫn thấy nhân vật trong sách hiền hậu, trải nghiệm và thật thà. Kể cũng đáng trân trọng, đáng yêu sao bởi không luỵ vì tình. Đấy là cái quý của  Huê tình ca Phước thuận xã. Dẫu thế, những câu ca dân gian hát về xa cách không thiếu chất lãng mạn, tao nhã. Huê tình ca có giọng điệu riêng của miếng đất đồi gò, trung du, bán sơn địa, thuần nông nghiệp trải qua bao lần đổi thay của đất nước, người dân Phước Thuận đã thể nghiệm đủ những ngổn ngang của cuộc sống trần gian, họ đã định hình, lưu giữ được những bài ca, làm bằng chứng cho phương thức sinh hoạt văn nghệ dân gian làng xã phát triển một thời.

            Một cuốn sách tâm tình nam nữ được dân gian lưu hành ở một làng nhỏ phía tây thành phố Đà Nẵng cho ta nhìn được không gian của những cuộc biểu diễn dân gian làng Phước Thuận với những tâm tình ngưng đọng, những sinh hoạt, cả phong tục, cách xử sự với tha nhân, lời ăn tiếng nói với khung cảnh làng quê, thiên nhiên, cỏ cây, vườn tược, con người...phong phú nhiều mặt. Những bài ca có lời văn dí dỏm, sắc sảo, quê kiểng, mang đậm dấu ấn dân gian làm nổi bật một làng quê trung du mà nay vẫn còn đọc cho nhau nghe những bài ca dân dã. Chính đó đã góp phần nhỏ vào công tác giữ gìn di sản văn hoá Hán – Nôm quý báu tại địa phương, nuôi dưỡng tinh thần, sức sống dẻo dai của người Hoà Vang nói chung và người dân tại làng Phước Thuận nói riêng để vươn lên xây dựng đời sống văn hoá tại một làng quê trung du cánh tây huyện Hoà Vang. Việc sưu tầm, giữ gìn các tài liệu Hán – Nôm có trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nhằm bảo tồn, lưu giữ để các thế hệ mai sau có thể sử dụng, cảm thụ và thưởng thức được những giá trị văn hoá địa phương, nâng cao hiểu biết về một thời kỳ những thế hệ đi trước đã ra công làm đẹp cho làng xã quê nhà.

            Tuy nhiên cũng sẽ nhìn nhận rằng không phải những gì của nhân dân làng Phước Thuận sản sinh ra trong quá khứ đều là những cái tốt, cái hay, cái đẹp mà không có những cái hạn chế, yếu kém đan xen. Chính đó, việc sưu tầm ghi chép lại vốn văn học quý này tại làng Phước Thuận vẫn phải trên tinh thần “gạn đục khơi trong”, đánh giá cho trúng những tích cực có trong văn nghệ dân gian, chỉ ra những hạn chế để tìm cách khắc phục tốt hơn.



[1] Tiếp tục triều trước nhiều đời, năm Giáp thìn, bổn xã di dời đình, xây dựng lại theo hướng tây – nam, nơi đất tốt. Ngày 9 tháng 8, giờ thìn thượng lương.
[2] Đà Châu: tức châu Đà Na là thung lũng Phước Sơn đại xã.
1 Bản khoán ước nguyên văn bằng chữ Hán do ông Trần Phước Hoàng 65 tuổi (nhà thơ Phước Đồng), thôn Phước Thuận lưu giữ, ông Nguyễn Đình Thảng, nguyên giảng viên Khoa Ngữ  văn - Đại học Khoa học Huế dịch. Tài liệu dẫn theo Hồ Tấn Tuấn, Tạp chí Văn hóa Đà Nẵng 2007.
[3] Gò Chòi: từ triền ruộng hố Bạc làng Phước Sơn đại xã lên dương núi Phước Tường đi ra ngõ Đà Sơn chừng 2 km gặp Gò Chòi. Trên gò có cái chòi nơi quan quân, người dân qua lại có nơi nghỉ chân. Còn gọi là Chòi Mông (mông lung nhìn xuống xem chừng thú dữ, cướp đường…). Câu trên dân gian vận dụng phương thức lái trong tiếng Việt.
[4] Trong công tác điền dã về làng Phước Thuận (xã Hoà Nhơn), chúng tôi gặp văn bản chữ Nôm bình luận về nhân vật Thuý Kiều bằng văn xuôi. Qua văn bản cho biết họ rất quan tâm đến tác phẩm truyện Kiều của Nguyễn Du, đặc biệt đánh giá nhân vật Kiều theo cách nhìn có đối chiếu vào các giềng mối, đạo đức  Nho gia đối với người phụ nữ.
[5] Người làng Phước Thuận kể rằng sách do cụ Hồ Đạm chép lại những bài ca do nam nữ thanh niên trong làng hát với nhau.

Không có nhận xét nào: