Thứ Hai, 26 tháng 3, 2012


Ca Dao


Quan hệ giữa con người với thiên nhiên
trong văn học dân gian.

      Trong suốt thời kì đấu tranh chống ách thống trị  của đế quốc phong kiến xâm lược, nhân dân ta nhiều phen lật đổ chính quyền của bọn đô hộ. Với chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền năm 938 thì  mới chấm dứt được ách thống trị của phong kiến phương Bắc và mở đầu thời kì của quốc gia độc lập. Tất cả thể hiện niềm tự hào về Tổ quốc, dân tộc.
      Khối cộng đồng người Việt vốn rất chặt chẽ từ  thời kì trước (vì đời sống cộng đồng đòi hỏi mọi người phải sống nương tựa vào nhau nên tính tập thể là đặc điểm tối ưu) càng được củng cố sau cuộc đấu tranh lâu dài đuổi ngoại xâm. Vì vậy sau khi giành độc lập thì ý thức về một đất nước càng thể hiện rõ.
      Với Việt Nam, thời trung đại chính là thời kì phong kiến. Ở đây, Văn hóa trung vừa thuộc phạm trù lịch sử vừa thuộc phạm trù giá trị. Và quan hệ giữa con người và tự nhiên trong văn hóa trung đại thể hiện khá rõ trong văn học- bởi văn học cũng chính là đời sống.
      Đối với người Việt Nam, tố chất cơ bản nuôi sống con người là hạt gạo bát cơm. Nghề sinh sống cơ bản xưa nay là nghề trồng lúa nước, đó cũng là cơ sở hình thành nên văn hóa Việt Nam - văn hóa làng xã. Có thể nói đây là yếu tố cơ bản để Việt Nam không bị Trung Hoa đồng hóa trong ngàn năm Bắc thuộc. Chúng ta vẫn thường cho rằng văn hóa là cách ứng xử thích hợp với thiên nhiên làm nên lối sống, nếp sống của một cộng đồng hay xã hội. Hay nói cách khác, văn hóa là những biểu hiện trong mối quan hệ giữa con người với tự nhiên.
      Như  đã nói, nước ta bắt đầu với nền văn minh nông nghiệp nên lẽ đương nhiên phụ thuộc rất nhiều vào tự nhiên. Đặc biệt trong thời phong kiến, khoa học kĩ thuật chưa là công cụ đắc lực cho con người như ngày nay. Chính vì vậy, con người và tự nhiên có mối quan hệ vô cùng gắn bó, mật thiết. Một mặt con người tôn sùng, tín ngưỡng trước những hiện tượng tự nhiên; một mặt cũng lo sợ trước thiên nhiên biến hóa không cùng, ngoài vòng kiểm soát của họ.
      Là  một dân tộc sống bằng nghề nông, phụ thuộc vào thiên nhiên nặng nề nên chưa có một vũ  trụ quan có hệ thống mà chỉ có những tín ngưỡng nguyên thủy. Đầu tiên là thờ các thần tự nhiên như thần mặt trời, thần nước, thần sông, mây mưa, sấm chớp…sau đó là thờ thần lúa với rất nhiều lễ nghi, lễ hội như: rước nước, lễ xuống đồng, lễ cơm mới. Long Quân diệt ba con chằn tinh ở ba vùng cho dân yên ổn làm ăn thì đất nước có ba vùng. Cùng với sự trồng lúa nước có sự phát triển của chăn nuôi và những hoạt động sinh sống khác từ trước vẫn còn tiếp tục (chài lưới, săn bắn) nên việc thực hiện tín ngưỡng phồn thực hay thờ sinh thực khí của nam và nữ cũng xuất hiện.
      Đi gần tới việc trời đất, vạn vật được sinh ra thế nào thì truyền thuyết. thần thoại nước ta không thiếu những lời kiến giải ngây thơ. Vẫn là thần, nhưng thần Trụ Trời là người đã tách trời khỏi đất, làm nên sông hồ, núi non. Tiếp theo đó là những “ông”: ông tát bể, ông kể sao, ông trồng cây, ông xây rú. Những Ông ấy được tạo ra từ hình dáng con người và chính con người với sức lao động của mình- cả cơ bắp lẫn tư duy- đã tạo ra thế giới ấy. Trường ca anh hùng của người Mường “Mo đẻ đất đẻ nước’ rõ rệt, trọn vẹn hơn cả. Trong đó có lời kể về cả một quá trình sáng tạo vũ trụ, hình thành nên muôn loài, hình thành con người và xã hội loài người.
      Thời trung đại, con người chưa nhìn tự nhiên như một khách thể và mình là chủ thể. Đối với con người trung đại, tự nhiên là để tiêu dùng chứ không còn ý nghĩa nào khác. Bởi vì nông nghiệp là chủ yếu nên con người khai thác tự nhiên mà sống. Dần dần sau đó, con người thấy mình trong tự nhiên, bắt đầu từ thân thể. Người ta vẽ mắt vào đằng mũi thuyền để tránh đá ngầm, nước xoáy; hoa sen tượng trưng cho đức Phật; hay, “cổ tay em trắng như ngà, con mắt em sắc như là dao cao, miệng cười như thể hoa ngâu, chiếc khăn đội đầu như thể hoa sen”. Người ta nhìn thấy một phẩm chất nhất định và tốt đẹp ở sự vật và bản thân mình cũng có phẩm chất ấy nên gán luôn cho cảnh vật: phẩm chất kiên cường, bất chấp gian nan, thử thách ở cây tùng cây bách “tuế hàn nhi tri rùng bách chi hậu điêu”
      Trong quá trình tiến hóa của xã hội tự nhiên thì việc xuất hiện của con người được xem là một kết quả của quá trình phát triển vượt bậc. Con người là một động vật bậc cao với sự phát triển hoàn chỉnh của bộ não và đôi tay được xem là một thành tựu. Cùng với sự phát triển đó của con người thì rất nhiều quan niệm khác về con người ra đời.
      Nền giáo dục Nho học thì thường chú trọng vào khía cạnh đạo đức, chỉ quan tâm đến ứng xử  xã hội của con người. Đó cũng chính là yếu tố cốt lõi để phân biệt con người này với con người khác trong một xã hội. Ngược lại, phương Tây thì lại có quan niệm thực tế hơn, con người hay con vật khác nhau ở khả năng nhận thức, tư duy. Còn những triết gia hiện đại thì đề cao tư cách cá nhân của con người.
      Tự  nhiên nước ta nằm trong miền khí hậu nhiều nắng nóng, mưa ẩm quanh năm, có nhiều sông ngoài, ao hồ và có trên 3000 km bờ biển. Điều kiện tự nhiên ấy rất thuận lợi cho thực vật phát triển và phù hợp với đời sống con người trong xã hội săn bắt hái lượm. Tuy nhiên, khi dân số tăng lên, tự nhiên không đủ để duy trì cuộc sống của con người. Lúc đó, con người sẽ sang một thời kì khác- thời kì đồ đá mới. Với công cụ lao động là rìu, đá …đã đánh dấu bước phát triển vượt bậc so với những thời kì trước. Con người bắt đầu tiến mạnh xuống trung du và đồng bằng, chặt phá cây, mở rộng đất đai canh tác. Con người thuần dưỡng cây lúa hoang thành cây lúa nước theo mùa vụ
      Cùng với nguồn gốc đó, ta thấy ở các đền Hùng đều thờ những vỏ trấu rất to làm bằng gỗ, có sơn son thếp vàng. Hoặc câu chuyện chàng Lang Liêu lấy gạo nếp và đỗ xanh chế ra bánh chưng bánh dầy làm lễ vật dâng vua cha, được vua cha truyền ngôi cho.
      Vì  là nền văn minh nông nghiệp, lại chưa có nhiều công cụ nên con người sản xuất dựa vào phỏng đoán của mình vào tự nhiên là chủ yếu “  trăng quầng trời hạn, trăng tán trời mưa” hay “  chuồn chuồn bay thấp thì mưa…”. Lúc này, con người cũng bắt đầu tìm cách tác động vào tự nhiên, bắt tự nhiên phục vụ mình như đắp đê ngăn nước, làm thủy lợi dẫn nước…nhưng cơ bản vẫn lệ thuộc vào thiên nhiên. Với cuộc sống như vậy, con người luôn là nhân tố quan trọng trong công cuộc lao động sản xuất. Họ luôn xem “ người sống đống vàng”, “ người ta là hoa đất”. Với họ, con người còn quan trọng hơn của cải, họ có thể mất của chứ không thể mất người “của đi thay người” “còn người còn của ”…
      Trong lao động sản xuất, con người không nắm bắt được những quy luật của hiện tượng tự nhiên mà chỉ có thể dự báo dựa trên những kinh nghiệm của mình là chủ yếu “trăng quầng trời hạn trăng tán trời mưa”, “ráng mỡ gà có nhà thì giữ” hay “tôm đi chạng vạng, cá đi rạng đông”…Lúc bấy giờ, thiên nhiên với con người vẫn là điều bí ẩn. Trước những hiện tượng thiên nhiên mà họ không thể chống chọi hoặc lí giải được thì họ lại thần thánh hóa nó lên và gắn cho nó một sự tích hay một hình tượng nào đó để thờ cúng như Sơn Tinh Thủy Tinh gắn với hiện tượng lũ lụt hằng năm; thủy triều lên xuống với họ là thần biển đang hít thở; sấm chớp mây mưa đều do các thần tạo ra. Như vậy, thiên nhiên là nguồn cung cấp, nuôi dưỡng sự sống cho họ nhưng đồng thời cũng là kẻ thù mà họ chưa thể chống chọi lại được.
      Gia đình cơ bản của người Việt là một chồng một vợ và các con chưa trưởng thành cùng sinh hoạt trong một không gian theo chế độ phụ quyền. Gia đình kiểu này hình thành từ thời kì trước khi cuộc sống tự sản xuất ra của cải để nuôi mình phát triển thì đàn ông trở thành lao động quan trọng trong gia đình. Trong gia đình Việt Nam gắn với nền kinh tế tiểu nông là chính ấy, tuy là chế độ phụ quyền nhưng người đàn bà vẫn quán xuyến, lo toan, tần tảo kiếm ăn, thậm chí lo cho chồng con ăn học nên họ vẫn đóng vai trò quan trọng trong gia đình. Vì thế mới có truyền thống “lệnh ông không bằng cồng bà” người vợ là “ tay hòm chìa khóa” hay “ của chồng công vợ”…
      Nghề  nông nghiệp lúa nướcdiễn tiến theo từng giai đoạn nhỏ  nhưng phải hội tụ thành làng là một tất yếu tự nhiên xã hội, bởi nông nghiệp lúa nước phải gắn liền với trị thủy. Mà vấn đề trị  thủy phải đòi hỏi sức mạnh của cộng đồng mới có thể xây dựng hệ thống mương, đập chống hạn, đắp đê ngăn lụt. Như vậy, trong mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên thì đã bắt đầu xuất hiện khát vọng chinh phục tự nhiên và bước đầu họ đã tiến hành thực hiện nó. Kinh tế nông nghiệp Việt Nam không chỉ đơn thuần có cây lúa mà còn có rất nhiều loại cây hoa màu khác cho củ, quả, hạt…cây lâu năm ăn trái và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nền tảng kinh tế ấy dĩ nhiên phụ thuộc nặng nề vào tự nhiên. Nghề nông gắn liền với trị thủy. Vấn đề trị thủy không giới hạn trong mỗi làng mà còn yêu cầu sức mạnh liên kết giữa các làng, vùng, miền. Và cứ thế, con người tất yếu phải cư trú thành làng. Thế nhưng làng không thể mở rộng không gian cư trú vô hạn định, bởi nó chịu sự chi phối của nhiều yếu tố như phạm vi đất canh tác, điều kiện địa lí tự nhiên . . .
      Có  thể nói, văn hóa nông nghiệp lúa nước là nền văn hóa nhào nặn giữa Đất và Nước. Trường tồn trong lịch sử văn hóa Việt Nam đã diễn ra như  thế.
      Mở  đầu từ châu thổ sông Hồng, sông Mã khi nước biển bắt đầu rút dần thì con người tràn xuống trung du, đồng bằng tụ cư, khai phá đất đai, phát triển nghề lúa nước. Con người lúc này phải thường xuyên đối mặt với sự tấn công của thú dữ, lũ lụt, hạn hán và các thế lực ngoại xâm. Và trong quá trình chống chọi lại những thế lực đó tính cách con người hình thành.
      Con người Việt Nam giàu lòng nhân ái “lá lành đùm lá rách” , “của ít lòng nhiều”  . . .Con người Việt không phải sống theo kiểu “đèn nhà ai nhà nấy rạng” mà phải “tối lửa tắt đèn có nhau” cốt để cùng nhau tạo sức mạnh chống lại thiên tai. Vì thế người Việt thường “bán bà con xa mua láng giềng gần” và luôn cho rằng “ một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”.
      Trong các lĩnh vực khác của đời sống cũng vậy. Người Việt muốn “an phận thủ thường” nhưng lại khuyên nhau rằng “chớ thấy sóng cả mà ngả tay chèo” hoặc “ở bầu thì tròn ở ống thì dài” , “đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”. Con người nông nghiệp lúa nước Việt Nam, về cơ bản, luôn khát vọng yên ổn hòa bình. Bởi họ nghĩ có “an cư” mới “lạc nghiệp”, có yên ổn thanh bình thì con người mới có thể làm ăn. Vì vậy họ trọng tình, “dĩ hòa vi quý”, “hiếu hòa hơn hiếu thắng”. Họ sẵn sàng “chín bỏ làm mười”, “đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại”. Sự bao dung, độ lượng cũng là nét tính cách của người Việt.
      Có  thể thấy rằng, văn hóa của con người trồng cấy Việt Nam là cái bản lĩnh biết nhu- cương, biết công biết thủ, biết “trông trời trông đất trông mây. Trông mưa trông nắng trông ngày trông đêm” rồi tùy thời mà làm ăn theo chuẩn mực “nhất thì nhì thục” ấy là khả năng ứng biến của con người Việt Nam, của lối sống Việt Nam, văn hóa Việt Nam.
      Trong quan hệ với tự nhiên, con người tận dụng triệt  để môi trường tự nhiên để duy trì sự sống, để chống lại các thế lực ngoại xâm. Nếu như nhiều dân tộc coi ăn uống là chuyện tầm thường không đáng nói thì người Việt coi rất thiết thực, thậm chí công khai cho rằng “có thực mới vực được đạo”, nó quan trọng đến mức “trời đánh còn tránh bữa ăn”. Ngay cả khi tính thời gian cũng lấy ăn uống và cây trồng làm đơn vị: làm gì nhanh thì trong khoảng “giập bã trầu” lâu hơn thì “chín nồi cơm”, còn kéo dài lâu nữa thì tới “hai mùa lúa” . . .  
      Trong cơ cấu bữa ăn của người Việt cũng in đậm bản sắc lúa nước của mình. Không thể thiếu là  cơm, cà, dưa, rau rồi mới đến thịt. Cả trong phương thức ăn cũng thể hiện tính cộng đồng rất rõ-quây quần cả nhà bên nhau ăn uống vui vẻ.
      Trong việc ứng phó với môi trường tự nhiên, thể  hiện rõ nhất qua việc mặc. Việc mặc giúp con người ứng phó với cái nóng, rét, mưa, gió. Nhân dân ta đã nói một cách đơn giản: “được bụng no, còn lo ấm cật”. Vì vậy, cũng như trong chuyện ăn, quan niệm về mặc của người Việt Nam cũng là một quan niệm rất thiết thực “ăn chắc mặc bền” . . .
      Nhưng mặc không chỉ để ứng phó với môi trường tự nhiên mà còn có ý nghĩa xã hội rất quan trọng “quen sợ dạ, lạ sợ áo”. Mặc trở thành mục đích để trang điểm, làm đẹp “người đẹp vì lụa lúa tốt vì phân”, mặc giúp con người khắc phục những nhược điểm về tuổi tác “cau già khéo bổ thì non, nạ dòng trang điểm lại giòn hơn xưa”.
      Ở xã hội Việt Nam cổ truyền bản chất của nông nghiệp là sống định cư nên con người ít di chuyển. Có đi thì cũng đi rất gần. Hoạt động chủ yếu của con người nông nghiệp Việt Nam là đi từ nhà ra ruộng, lên nương. Việt Nam là vùng sông nước, kênh mương chằng chịt và bờ biển dài. Bởi vậy, vấn đề đi lại từ ngàn xưa chủ yếu là đường thủy; và người Việt xưa giỏi bơi lặn, thạo thủy chiến, giỏi dùng thuyền. Sông ngòi phong phú thuận tiện cho giao thông đường thủy phát triển lại gây khó khăn cho giao thông đường bộ. Vì vậy Việt Nam hay có những cầu tre, cầu dừa, cầu dây . . . chính vì thế mà hình ảnh sông nước ăn sâu vào tâm thức của người Việt Nam “chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”, “ăn cỗ đi trước lội nước theo sau”, “thuyền theo lái gái theo chồng”. Người Việt hay nói “chìm đắm trong suy tư”, “thời gian trôi nhanh”, “ăn nói trôi chảy”, “thân bọt bèo”. Ngay cả khi đi bộ cũng nói theo kiểu đi trên sông “lặn lội đến thăm nhau”, “quá giang”. ..
      Những người sống bằng nghề sông nước thường lấy ngay thuyền, bè làm nhà ở. Nhiều gia đình quần tụ  lập nên xóm chài, làng chài. Ấn tượng với thiên nhiên sông nước mạnh đến nỗi nhà của người Việt thường được làm với chiếc mái cong mô phỏng hình thuyền. Chiếc mái cong ngoài hình ảnh con thuyền không có tác dụng thực tế gì cho nên về sau người bình dân thường làm thẳng cho giản dị, chỉ có những công trình kiến trúc lớn mới làm mái cong cầu kì.
      Bên cạnh việc xây nhà thì chọn hướng nhà cũng là cách tận dụng tối đa thế mạnh của môi trường tự nhiên để ứng phó với nó. Hướng nhà tiêu biểu là hướng nam- vừa tránh được cái nóng từ phía tây, cái bão từ phía đông, gió từ phía bắc và tận dụng gió mát từ phía nam “gió nam chưa nằm đã ngáy” hay “cất nhà quay cửa vô nam, quay lưng về chướng không làm cũng có ăn”.
      Ngoài ra người Việt cũng rất quan tâm đến việc chọn hàng xóm láng giềng. Đến thời kinh tế hàng hóa phát triển, người Việt còn chú ý chọn vị trí giao thông thuận tiện “nhất cận thị, nhị cận giang” những đô thị có tốc độ phát triển nhanh đều là những đô thị gần biển, sông thuận tiện giao thông.
      Con người thời đại này quan niệm thiên, địa, nhân nhất thể “thiên thời địa lợi nhân hòa”. Con người, trời dất đều có cấu trúc âm-dương, có chung một cấu trúc vật chất. Nếu trời đất vận hành theo qui luật âm- dương hài hòa, ngũ hành biến hóa thì con người cũng vận hành theo qui luật đó. Sự biến chuyển của vật chất là một quá trình cuối cùng trở về lại cái ban đầu: thủy sinh mộc, mộc sinh hỏa, hỏa sinh thổ, thổ sinh kim, kim sinh thủy, thủy sinh mộc. Cứ như vậy vật chất biến hóa theo chu kì. Quan niệm đó dẫn đến lối giải thích duy tâm: mọi tài năng của con người đều do trời phú mà có:
Ngẫm hay muôn sự tại trời 
Trời kia đã bắt làm người có thân 
Bắt phong trần phải phong trần 
Cho thanh cao mới được phần thanh cao
                                  (Nguyễn Du)
      Nhìn chung, con người đặt trong mối quan hệ với thiên nhiên là một quan hệ gắn bó không thể tách rời. Thiên nhiên nuôi sống con người, giúp con người chống lại những thế lực ngoại xâm nhưng thiên nhiên cũng là thế lực mà con người phải chống đỡ. Trong giai đọan trung đại Việt Nam, đối với con người thiên nhiên là một lực lượng siêu nhiên, thần thánh và con người cũng đã có những lúc run sợ trước những thế lực đó; Nhưng dần dần họ đã tìm ra nhiều cách để chinh phục thiên nhiên để phục vụ cho đời sống của mình.


Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Trãi – Thơ và đời – NXB văn học;
2. Văn hóa Việt Nam – Đỉnh cao Đại Việt – NXB Hà  Nội;
3.Đặc trưng văn học trung đại Việt Nam–Lê Trí Viễn–NXB văn nghệ Tp HCM.
4. Văn học Việt Nam – thể kỉ X – nửa đầu thế kỉ XVIII – Đinh Gia Khánh chủ biên  – NXB Giáo dục

Không có nhận xét nào: