Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

Ngữ nghĩa địa danh Đà Nẵng là gì ?


Vũ Hùng

Ngữ nghĩa
địa danh Đà Nẵng là gì?
                                                                              
Nhằm trả lời câu hỏi trên, từ trước đến nay nhiều nhà nghiên cứu quan tâm đã tìm hiểu nguồn gốc ngữ nghĩa của địa danh này. Ý kiến của các nhà nghiên cứu tuy có những điểm gặp nhau, nhưng vẫn còn khác biệt, và càng tìm hiểu thì càng nhận thấy câu trả lời thỏa đáng vẫn còn để  ngõ cho những ai quan tâm.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Tương cho rằng các danh xưng Hàn, Đà Nẵng đã có từ dưới thời Chămpa. Tiếng Chămpa là bộ phận của ngôn ngữ Mã Lai - Đa đảo, Hàn có nghĩa là Bến, còn từ Đà Nẵng có nghĩa là Sông Già, Sông Lớn ( Đà là sông, nước; Nẵng là già, lớn)(1).
Nhà nghiên cứu Lam Giang (2) cho rằng người Chăm gọi tên vùng này là ‘Hang Đanak” là bờ biển buôn bán. Còn “ Đanak” hay “ Đarak” có nghĩa là“ Sông Lớn”, tức sông Hàn.
Trong cuốn Địa chí Quảng Nam - Đà Nẵng (3), phần thứ sáu, Phụ lục, có giải thích “Đà Nẵng: địa danh có nguồn gốc Chăm (Đà có nghĩa là sông, nước, còn Nẵng có nghĩa là lớn)”.
Theo nhà nghiên cứu Lê Văn Hảo (4), Đà Nẵng là địa danh phiên âm từ tiếng Chàm “Hang Danak”, nghĩa là bờ biển buôn bán, chữ Danak hay Darak nghĩa là con sông. Theo Hán tự, chữ đà là con sông, chữ nẵng là xưa kia. Ông cho rằng “Đà Nẵng là tên gọi do người Việt mượn của tiếng Chàm mà Việt hóa theo âm Hán Việt một cách tài tình, giữ cả âm lẫn nghĩa: vùng sông nước xưa kia”.
Theo cụ Bố Thuận, con của quan Pháp Aymonier lấy vợ người Chăm, làm ở Viễn Đông Bác cổ, sống ở Phan Rí vào đầu thế kỷ XX, Đà Nẵng là biến dạng của từ Chăm cổ Daknan. Dak có nghĩa là nước, nan hay nưn là rộng. Địa danh Daknan hàm ý chỉ vùng sông nước rộng mênh mông cửa sông Hàn bây giờ. Người Việt phiên âm ra thành Đà Nẵng. Cũng theo cụ Bố Thuận thì chữ Daknan thì người Trung Hoa gốc Hải  Nam đọc là Tounan, sau này biến đổi thành Tourane.
Nhà nghiên cứu Sakaya cho rằng, tiếng Chăm và Raglai là như nhau, thuộc ngôn ngữ Malayo - Polynesia, nhưng hiện nay ngôn ngữ cổ của người Chăm đã rơi rụng nhiều, riêng người Raglai còn lưu giữ nhiều yếu tố cổ hơn. Trong ngôn ngữ người Raglai ở Khánh Hoà, Danang nghĩa là nguồn, sông nguồn. Phải chăng Danang là nguồn gốc của địa danh Đà Nẵng ?
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Sinh Duy (5), địa danh Đà Nẵng hình thành không ngoài quy luật giao thoa các ngôn ngữ Ấn, Hoa, trong đó từ nguyên Phạn - Hán không thể không xét đến. Người Ấn Độ đã đi lại và lưu trú trên dãi đất này từ thế kỷ thứ III-II trước công nguyên, nền văn minh Ấn với Phạn ngữ du nhập trước tiên, bản địa hóa thành Chăm ngữ. Người Trung Hoa diễn dịch ngôn ngữ Ấn sanskrit bằng âm Hán, sau khi ảnh hưởng của Ấn suy yếu, người Hán đã thay thế bằng cách Trung Hoa hóa, đặc biệt là các danh xưng. Ông cho rằng dãi đất bên tả ngạn sông Hàn đối diện với bán đảo Sơn Trà ngày nay, trong thịnh thời của người Chăm ngự trị châu Amaravati, có tên là Hang Danak (chữ minh họa kèm theo). Hang có nghĩa là dãi đất do biển rút cạn để lộ ra. Danak có nghĩa là cửa sông tiếp giáp biển. Danh xưng Đà Nẵng bắt nguồn từ âm Chăm Danak, có nghĩa là cửa sông tiếp giáp biển. Theo từ nguyên Hán ngữ, Đà là nước từ sông chảy ra, sông nhánh; Nẵng là dòng chảy của nước, nước trong núi chảy thông ra người bản thổ, dòng nước trong núi chảy ra sông người nước Thục. Người Hoa Nam phát âm Đà Nẵng là Tu – rang, người Bồ Đào Nha khi đến Quảng Nam trong thế kỷ XVI, XVII đã ký âm thành Turan, Turam, Turao, Turơn, Turone.v.v… Người Việt đã diễn dịch âm Chăm Nak thành Nãng với tự dạng Hán tự có nghĩa là xưa, trước kia, nhưng vẫn đọc là Nẵng. Ông cũng cho rằng tên gọi Hàn nguyên là âm Hán – Việt của Chăm ngữ Hang và có nghĩa là dãi đất do biển rút cạn để lộ ra.
Như vậy, các nhà nghiên cứu trên đều cho rằng tên gọi địa danh Đà Nẵng có nguồn gốc từ ngôn ngữ Chăm Danak hay Darak, qua quá trình tiếp biến thành tên gọi như ngày nay chúng ta đang sử dụng. Về nghĩa của Đà Nẵng từ tên gọi gốc Chăm, không căn cứ vào Hán tự, có các  lý giải như sau: Là Sông Già, Sông Lớn; Con Sông; Vùng sông nước rộng mênh mông cửa sông Hàn; Cửa sông tiếp giáp biển; Nguồn, Sông nguồn.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu, chữ Chăm Hang Danak do nhà nghiên cứu Nguyễn Sinh Duy cung cấp không phải Phạn ngũ, không phải chữ Chăm cổ mà là chữ Chăm akhar thrah, một loại chữ Chăm tìm thấy trên văn bản hoàng gia Chăm vùng Nam Trung Bộ, Ninh Thuận và Bình Thuận, hiện nay cũng là chữ mà người Chăm vùng này đang sử dụng. Chữ Chăm akhar tharah có từ thế kỷ XVII đến nay, từ thế kỷ thứ XVI đến thế kỷ thứ IV là thời kỳ chữ Chăm cổ và từ thế kỷ thứ IV trở lên là chữ Phạn (6). Theo chữ Chăm akhar thrah (7), thì ngoài từ Hang khá trùng nghĩa với một số nhà nghiên cứu trên đã lý giải, là bờ, bực, bờ dốc đứng, nhưng Danak – một từ gốc biến âm thành Đà Nẵng, lại khác xa về nghĩa. Danak là một từ hai âm tiết có khá nhiều nghĩa: Biển, đại dương, liễng ( liễng trầu, xấp trầu), thứ tự, ngăn nắp, loại, dòng (tôn giáo), lệnh, đẳng cấp, khuynh hướng v.v… Từ Darak có nghĩa là chợ búa, vịnh, biển khơi. Trong ngữ cảnh này, Hang Danak, Hang Darak có nghĩa là bờ biển, bờ vịnh, bến (bờ) chợ, nếu tách ra thì Danak được hiểu là biển, Darak là vịnh, biển, chợ búa. Phải chăng Hang Danak là tên gọi địa danh Đà Nẵng do quá trình tiếp biến, có thể Hang và Danak bị tách ra, Danak biến âm thành Đà Nẵng, Hang biến âm thành Hàn, vì vậy Đà Nẵng cũng còn gọi là Hàn ( xứ Hàn, “Ra Hàn xuống Phố” - Ra Đà Nẵng xuống Hội An), và con sông chảy qua đây cũng gọi là sông Hàn ?
 Chữ Chăm akhar thrah phiên âm la tinh Hang Danak, Hang Darak có phải là tên gọi mà các nhà nghiên cứu trên đều làm cơ sở giải thich ngữ nghĩa địa danh Đà Nẵng hay không, xuất xứ từ đâu, trên bia ký hay tư liệu nào, và nếu cùng một từ dạng nhưng vì sao cách lý giải về nghĩa của từ này lại không giống nhau ? Trong cuốn sách của mình Nhà nghiên cứu Nguyễn Sinh Duy có kèm theo tự dạng chữ Chăm này nhưng không thấy chú thích từ nguồn nào. Các nhà nghiên cứu khác chỉ dùng chữ đã phiên âm la tinh, không kèm theo tự dạng Chăm. Cho đến nay chúng ta cũng chưa phát hiện chữ viết địa danh Đà Nẵng trên bia ký Chăm hay trong các văn bản của vương quốc Chămpa để so sánh.
Để lý giải sự khác nhau về nghĩa gốc của Đà Nẵng như đã nêu ở trên và đồng thời cũng là một phương thức tiếp cận để tìm hiểu ngữ nghĩa của địa danh này, cần đặt nó trong đặc điểm vùng miền với những khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ trong vương quốc Chămpa. Trong lịch sử, vương quốc Chămpa từng chia thành từng vùng như Inrapura (Thanh Hóa - Huế), Amavati (Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi), Vijaya (Bình Định), Khauthara (Phú Yên - Khánh Hòa), Panduranga (Ninh Thuận-Bình Thuận), mà một số nhà nghiên cứu cho rằng đó là các tiểu quốc với những đặc điểm về văn hóa và ngôn ngữ, trong đó không chỉ có cư dân thuộc ngữ hệ Malayo - Polynesien mà còn có những cư dân thuộc ngữ hệ Môn - Khmer. Vương quốc Chămpa có một thời kỳ sử dụng Phạn ngữ, sau đó Chăm hóa Phạn ngữ thành tiếng Chăm cổ. Ngôn ngữ Chăm cổ khác với ngôn ngữ Chăm hiện tại và mỗi vùng có thể không hoàn toàn giống nhau. Chữ Chăm akhat thrah hình thành từ thế kỷ XVII, nhưng trong Ô Châu Cận Lục, viết vào giữa thế kỷ XVI, đã có tên gọi địa danh Đà Nẵng. Như vậy trước đó rất lâu, có thể khi chưa thuộc Đại Việt, đã có tên gọi về vùng này như thế. Cư dân vùng Amaravati nói chung và cư dân ngay tại mảnh đất nay là Đà Nẵng thời ấy đã phát âm và viết về địa danh này như thế nào? Hang Danak là do người Chăm sau này phiên âm bằng chữ akhar thrah theo phát âm của người vùng Amaravati? Sự phiên âm này có thể dẫn đến thay đổi chữ và nghĩa so với bản ngữ. Và vì vậy phải chăng đã dẫn đến cách hiểu về nghĩa của nó khác nhau?

Không có nhận xét nào: