Thứ Hai, 26 tháng 3, 2012

Gia phong


Võ Văn Hòe
                            
Gia phong là phép tắc trong gia đình, là nền nếp riêng của một nhà. Trước đây, gia đình người Quảng xây dựng gia phong theo hệ tư tưởng phong kiến. Theo đó, gia phong chính là cách nghĩ, cách ứng xử của một gia đình trong gia tộc, với các tộc họ khác trong làng và cả với quan hệ xã hội của một gia đình theo hệ trục nhà – làng – nước.
Gia phong không tách rời khỏi gia giáo, trong một gia đình có gia phong thích hợp, trước hết phải có gia giáo, do đó gia phong và gia giáo có mối quan hệ nhau, bổ sung cho nhau cùng tồn tại và phát triển. Gia giáo có chức năng giáo dục, điều chỉnh hành vi của cá nhân trong gia đình, làm cho cá nhân tuân theo truyền thống tốt đẹp của gia đình như truyền thống hiếu học, truyền thống yêu nước, lao động cần cù trong sản xuất, sống có nghĩa tình, yêu thương nhau, kính trên nhường dưới… Chính đó, trong dân gian luôn có lời nhắc nhở: Công cha như núi Thái Sơn, Nghiã mẹ như nước trong nguồn chảy ra…Anh em như thể chân tay, Lá lành đùm lá rách đừng nói nhau nặng lời …là cách thể hiện sự giáo dục nhằm xây dựng gia phong tốt đẹp.
Gia phong không tách rời khỏi sinh hoạt chung của gia tộc, họ hàng và cộng đồng cùng cư trú trong làng được. Ngày xưa quan niệm Khắc kỷ phục lễ, tức phải thực hành đúng các nghi lễ dành cho một con người theo phong tục tập quán (là những quy định, thói quen của một làng, xã thời phong kiến), cụ thể là từ lời ăn tiếng nói đến đi đứng, ứng xử đã trở thành nếp nhà như là truyền thống riêng của một gia đình. Chính đó mà trong giáo dục người phụ nữ thời xưa phải có đủ công, dung, ngôn, hạnh …thì mới là phụ nữ có gia phong, biết giữ được phép nhà. Những điều như vậy đã được gia đình chọn lựa, phổ biến, truyền dạy trở thành truyền thống qua nhiều đời cha chú, nay con cháu cứ thế noi theo. Hoặc trong đi đứng gia phong thường nhắc nhở Đi đâu mà vội mà vàng, Mà vấp phải đá mà quàng phải dây. Trong ăn uống lại có Ăn coi nồi ngồi coi hướng. Trong quan hệ thì có Chọn bạn mà chơi, trong học hành thi cử lại khuyên răn Gần mực thì đen gần đèn thì sáng…
Xem đó, có thể nhìn nhận gia phong thuộc lĩnh vực văn hoá tinh thần, thể hiện đạo đức gia đình (đạo nhà). Người dân Quảng Nam luôn xem trọng gia phong, cho nên gia phong được xem là tinh thần căn bản của gia đình, các thành viên trong gia đình luôn sống theo đạo nhà, giữ gìn nền nếp gia phong từ trong ra ngoài cho thật tốt để giữ được gia thế cho gia đình. Chính đó khi răn dạy con cháu, người lớn tuổi thường nhắc nhở con nhà gia giáo hoặc con nhà gia thế, luôn ghi nhớ mới giữ đuợc gia phong.
Để giữ được gia phong, ông bà, cha mẹ, anh chị luôn là người làm gương cho con cháu, em út noi theo nhằm giữ gìn danh thơm cho gia đình, gia tộc tức phải giữ cho được gia thanh. Có được gia phong thì thế nào gia đình ấy cũng luôn có uy tín trong gia tộc và họ hàng cùng làng xóm. Đó là gia thế của gia đình để vươn lên tồn tại, xây dựng một gia đình hạnh phúc, giữ được đạo nhà.
Để thể hiện gia đình nề nếp gia phong, người xứ Quảng lấy việc học tập thành tài, giúp nước, giúp đời làm trọng và luôn phấn đấu vươn lên. Vùng Gò Nổi có tất cả 24 làng trong đó nhiều làng nổi tiếng nhưng nổi tiếng hơn có lẽ làng Bảo An, quê hương của chí sĩ Phan Thành Tài, của các nhà yêu nước Phan Thanh, Phan Bôi… của các nhà văn, nhà báo Lương Khắc Ninh, Phan Khôi, Nguyễn Bá Trác, Xuân Tâm, Nguyễn Đình…Làng nổi tiếng kinh tế, thương mại qua một số câu ca dao còn lưu truyền lại đến bây giờ:Bảo An trên bến dưới thuyền/ Góp phần phong phú một miền đồng quê. Hay là: Nông Sơn than đá thiếu chi/ Bảo An đường tốt, Trà My quế nhiều. Hoặc như: Tiếng đồn con gái Bảo An/ Khéo mua sợ nhỏ về đan mành mành.
          Trong làng có nhiều người đỗ đạt, theo thống kê chưa đầy đủ có tổng cộng 2 phó bảng, 23 cử nhân, và tương đương, 27 tú tài trong đó nhiều người nổi tiếng như phó bảng Nguyễn Duy Tự, cử nhân Phan Khắc Nhu, Nguyễn Bá Trác, Lương ngọc Trác, phó bảng Phan Trân…Phát huy nền nếp gia phong, các gia đình dòng họ tại Bảo An thời Pháp thuộc có nhiều người theo Tây học và đỗ đạt cao như Lương Khắc Ninh, Phan Thành Tài, Phan Bá Lân, Phan Thanh, Ngô Điền, Lương Thế Siêu…Trong vòng 30 năm, từ khi chuyển sang Tây học, cả làng đã có 50 người đỗ từ thành chung trở lên. Từ năm 1928, trong làng đã mở trường Tiểu học đào tạo nhân tài. Trường do thầy Phan Đắc Lộc làm hiệu trưởng, có nhiều thầy giáo giỏi giảng dạy như thầy Khương Hữu Dụng, thầy Lê Trí Viễn. Sau 1954, số học trò Bảo An tập kết ra Bắc nhiều người tiếp tục đi học, trong đó có nhiều người nổi tiếng như giáo sư toán học Hoàng Tuỵ, nhà lý luận phê bình văn học Lê Đình Kỵ, nhà ngôn ngữ học Hoàng Phê, nhà phê bình điện ảnh Lê Châu…Làng Bảo An còn là nơi sản sinh ra các nhà văn, nhà thơ, nhà báo nổi tiếng như Phan Khôi, người khởi xướng phong trào thơ mới vời bài Tình già một thời làm xôn xao văn đàn, ông cũng là người sáng lập Phụ nữ tân văn. Có Lương Khắc Ninh, chủ bút báo Nông cổ mím đàm. Các nhà thơ Xuân Tâm, nhà báo Phan Thao…Có được thành tựu như vậy không chỉ làm vẻ vang cho gia phong, giòng họ mà còn thể hiện được sự đóng góp công sức vào xây dựng quê hương đất nước, tạo nên thanh thế cho làng và cả vùng Gò Nổi từng nổi tiếng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước qua câu đúc kết dân gian: Nhứt Củ chi nhì Gò Nổi.
          Phải chăng với đặc điểm về kinh tế, văn hoá, lịch sử truyền thống hiếu học, truyền thống đấu tranh cách mạng và sự giữ gìn nền nếp gia phong trong mỗi gia đình, tộc họ, Bảo An được xem là một trong những làng quê nổi tiếng của đất Quảng.
          Trong dân gian việc coi trọng gia phong gắn liền với tục thờ cúng tổ tiên, chính đó tạo nên sự bền vững cho gia đình người Quảng nói riêng. Gia phong phát triển mạnh trên cơ sở tiếp thu tư tưởng Nho giáo và Đạo giáo đã được chọn lọc trong quá trình vận dụng thực hành phong tục, tập quán. Ngày nay gia phong được tiếp thu những chuẩn mực mới, tiếp nối đạo đức người xưa, phù hợp với sự phát triển xã hội, nhưng vẫn là tinh thần giữ gìn bản sắc, trọng bản, giữ nguồn cội, đề cao lòng hiếu thảo, thờ kính ông bà, cha mẹ, nhường anh nhịn em. Phát huy và xây dựng gia phong, người Quảng coi trọng việc xây dựng gia đình, sống thuỷ chung hiếu thảo, nghĩa tình…Bài vè Từ mẫu huấn tử lưu hành trong dân gian cho thấy người xứ Quảng coi trọng việc giáo dục các thành viên trong gia đình:         …
Nhớ mấy lời mẹ dặn !
Công mẹ đẻ đau mang nặng
La chi cho mỏi tiếng, hao hơi
Muốn cho lịch giác sự đời
Ngọc bất trác do hà thành khí [1]
Chữ:"Trượng phu chi chí thời thân nãi lập                                                                              thân." [2]
Hỡi! Làm người lo tảo lo tần [3]
Thời thiên hạ thường biết mày, biết mặt
Làm sao đặng rạng danh rỡ tiếng.
Lịch sự mẹ thời lịch sự con
Nghĩa quân sư con há dễ chiều lòn
Thầy há dễ tiếc công, tiếc sức
Người cũng người đạo đức
Nên tìm đến chốn ta
Gẫm người đời chữ nghĩa như ba [4]
Còn có thuở danh biêu bảng hỗ.
Lòng mẹ đà sở mộ
Nên trọng đạo sùng sư
Mẹ nói với con ngôn tận lý từ
Cho nhớ chữ:" Thời lai phong tống." [5]
                   …


[1] Ngọc bất trác do hà thành khí = Trác: mài, trao dồi. Ngọc (mà) không mài dũa (thì) sẽ không  sáng được. Người không trao dồi, rèn luyện sẽ không giỏi được.
[2] Trượng phu chi chí thời thân nãi lập thân = Nãi: bắt đầu. Kẻ trương phu có  chí bắt đầu lập thân khi  có thời cơ.
[3] Tảo, tần = Hai loại rau dùng để làm đồ tế. Trong Kinh thi có câu: Vu dĩ thái tần, nam giản vu chi tân, vu dĩ thái tảo, vu bỉ hàng lạo= hái rau tần bên bờ khe phía nam, hái rau tảo bên lạch nước. Theo ý trên, ở đây chỉ công việc lo toan, chăm chỉ của người vợ, dâu, mẹ hiền hái rau tần, rau tảo về tế tổ tiên, hiểu rộng ra là đức tính đảm đang của người phụ nữ.
[4] Ba = tức hoa. Do phạm húy vợ đầu tiên vua Minh Mạng  là Hồ Thị Hoa  (mẹ vua Thiệu Trị), sau khi sinh vua Thiệu Trị được 13 ngày, bà mất. Vua cha là Gia Long thương tiếc bèn xuống dụ cấm không được dùng "hoa" trong mọi trường hợp, do đó Thanh Hoa đọc là Thanh Hóa, Đông Hoa gọi là Đông Ba, hoa gọi là huê, bông...
[5] Thời lai phong tống = buổi lại gió đưa. Ý nói thời cơ đến rồi.

Không có nhận xét nào: