Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

Văn hóa dân gian Đà Nẵng một hướng đi, một sự nhận đường


Lưu Phương Định
 
“Văn hoá dân gian Đà Nẵng
cổ truyền&đương đại”  
một  hướng đi, một sự nhận đường.

      1. Đồng hóa hóa văn hóa cũng có nghĩa là đồng hóa tộc người, dân tộc. Lịch sử chứng minh các tộc người Việt ở phía Nam Trung Quốc: Ngô Việt, Mân Việt, Điền Việt, Nam Việt bị đồng hóa bởi văn hóa Hán – Đường nay thành cư dân Trung Quốc. Tộc người Lạc Việt không chịu đồng hóa văn hóa Trung Quốc mà xây dựng, bảo tồn một nền văn hóa Đại Việt để nay tồn tại nhà nước Việt Nam độc lập.
          Có trên 300 định nghĩa về văn hóa và có không dưới 10 trường phái về văn hóa học như trường phái tiến hóa -  văn hóa, “biên niên sử”, nhân học - địa lý, lịch sử - tinh thần, lịch sử - văn hóa v. v. . . . .
          Những điều nêu ra ở trên để nói lên một điều rằng đề cập đến phạm trù văn hóa nói chung, văn hóa dân gian nói riêng là điều không cùng và cũng là điều cần thiết, quí giá cho hôm nay và cho cả mai sau. Văn hóa dân gian Đà Nẵng – cổ truyền & đương đại của Hội Văn nghệ Dân gian Đà Nẵng xuất bản tháng 4 năm 2010 là món quà có ý nghĩa, chào mừng 35 năm giải phóng thành phố Đà Nẵng. Ý nghĩa không đơn thuần là vào ngày này, năm này nhất định phải có cái gì đó ra mắt như một “ vật chứng” mà ở chỗ trong suốt chặng đường 117 năm thực dân Pháp và đế quốc Mĩ đem văn hóa phương tây gieo hạt trên mảnh đất nầy liệu có ươm mầm, nẩy hạt, tốt lá, xanh cây hay chỉ như một loại chùm gởi đã hết hạn ký sinh. Mà thật, qua gần 700 trang sách tập thể các tác giả đã ghi lại cái hồn cốt, tinh hoa văn hóa của một địa phương, vùng, miền. Trước đã vậy thì nay cũng vậy. Những thứ đã trở thành quốc hồn, quốc túy (hẹp hơn trong cộng đồng dân cư ít) luôn được nhân dân trân trọng, giữ gìn, nếu cần có khi phải đánh đổi bằng cả sự mất mát, hi sinh. 
          2. Sách chia hai phần: Những vấn đề chung và Văn hóa dân gian trong đời sống. Có vẻ như không được “đăng đối”, bên trọng bên khinh (149 trang/529 trang) nhưng đâu đó lại là “ bất hợp lý” trong cái “ hợp lý”.
Văn hóa dân gian trong đời sống hiện lên ngồn ngộn, phong phú, đa  dạng với nào là văn hóa -  văn học, văn hóa - lễ hội, văn hóa - ẩm thực, tâm linh, nghề, tộc người v. v. . . được phần đông tác giả khai thác đã có cội rễ trong nhân dân từ bao đời nay không những không mất đi theo thời gian mà còn được lưu giữ, làm mới thêm theo hướng tư duy, phát triển, cập nhật đời sống hiện đại nên có bấy nhiêu  chứ còn hơn thế nữa  cũng là điều tất yếu.
         Điều đáng quí ở đây cái cổ truyền cũng là cái đương đại và cái đương đại không là gì khác ngoài cái “nền” cổ truyền. Thế xã hội văn minh, phát triển ở đâu? Xin thưa văn minh phát triển phải dựa trên cái đã trở thành quốc hồn, quốc túy ấy chứ không thể khác được. Nói một cách văn vẻ “có những điều đốt mãi chẳng thành tro” - ấy đấy là quốc hồn, quốc túy.
        Những vấn đề chung về văn hóa được các tác giả Võ Văn Hòe, Hồ Tấn Tuân, Bùi văn Tiếng, Tần Hoài Dạ Vũ, Tô Ngọc Thanh, Hoàng Hương Việt, Nguyễn Thị Thu Thanh giới thiệu  vừa mang tính lý luận vừa mang ý nghĩa thực tiễn.
        Trong phần II: Văn hóa dân gian trong đời sống như đã nói ở trên chiếm một tỉ trọng kha khá nhưng cái kha khá ở đây lại thiên về cả chất lẫn lượng. Về văn hóa – văn học xuất hiện khá đông vui các thể loại từ ca dao, tục ngữ, truyện cười, giai thoại, truyện cổ dân gian, nói, hát dân gian, đồng dao đến hò, lý, hát bả trạo, tuồng. Đâu đâu cũng như bắt gặp cha ông chúng ta của một vài trăm năm trước. Chỉ một vùng văn hóa thôi cũng đủ sức quyến rũ rồi huống chi nói đến một đất nước, một dân tộc. Không nói ra nhưng dõi theo những trang viết tôi như bắt gặp trong tâm thức của mỗi tác giả muốn làm một cái gì đó để những gì mình quan tâm không mất đi mà sống lại với đầy đủ hồn cốt, dạng vẻ như nó vốn có. Phải chăng mong mỏi ấy được phần nào đền đáp. Hòa  Vang, Lê Quốc Kỳ lần theo những câu ca dao mà giới thiệu được  hằng bao phương vật, món ăn chỉ mới nghe qua cũng đủ sức hấp dẫn, mời gọi (Đặc sản miền quê). Võ Văn Hòe, Lưu Anh Rô khá mới mẻ trong việc sưu tầm những bài thơ, những  vần điệu ca dao ca ngợi Bác và phục vụ công tác tuyên truyền cách mạng trong giai đoạn chống Mĩ.
         Văn hóa tinh thần qua văn cúng (Nguyễn Hoàng Thân), mừng nhà gươl người Cờ-tu (Đỗ Văn Vinh), mở cửa mả (Phan Thế Tập), sắc phong (Trần Trung Sáng) làm cho sắc thái văn hóa dân gian thêm phần đậm đà, đầy đặn. Văn hóa – nghề, văn hóa - ẩm thực, văn hóa vật thể cũng được các tác giả Nguyễn Phúc (Nghề mộc Kim Bồng), Phan Thị Miều (Nghề dệt đất Quảng), Thanh Minh ( sở dệt làng Bảo An), Phạm Hữu Đăng Đạt (Ẩm thực Đà Nẵng), Phạm Hữu Bốn (Đệ nhất hùng quan), Hồ Tấn Tuấn (Phế tích Chăm ở Đà Nẵng) cung cấp được nhiều tư liệu quí giá vừa có giá trị lịch sử, vừa có giá trị văn học. Những vấn đề các tác giả quan tâm, mong mới là bước khởi đầu vì rằng rất nhiều điều còn đang ở phía trước. Xem như công việc của chúng ta hôm nay còn ở trong giai đoạn đang hoàn thành chứ chưa phải đã hoàn thành. Cần phải đầu tư chiều sâu, nghiên cứu sâu hơn nữa, rộng hơn nữa, thực chứng phải bảo đảm yêu cầu khoa học và có tính thuyết phục cao. Chẳng hạng đọc Đệ nhất hùng quan tôi cứ băn khoăn tự hỏi: Đường đèo nguyên khởi là đường mòn, thành đường từ chân Bắc đến chân Nam năm nào, thời vua nào, ai chủ trương? Đường nhựa xuất hiện từ bao giờ? Nhà trò, trạm bỏ gậy ở đâu còn chăng chứng tích?  Hoặc như cái chợ kháng chiến ở Hòa Tiến với lời thơ Cao Phương:                   
                           “  Dẫu rằng chẳng bán, chẳng mua
                         Đi cho thằng Mĩ thấy thua dân mình “
      Chợ thời Pháp nhưng nhân vật xuất hiện thời Mĩ là sao?
       Trong phạm vi bài viết có tính cách điểm danh này, việc đi sâu khai thác giá trị bên trong là điều bất khả, mong chư vị tác giả không lấy làm phiền lòng.                      
        Bấy nhiêu trang sách cho một vấn đề quá mênh mông, đa dạng chắc chắn khó có thể nào đầy đủ. Thành công không ở một lúc, một người. Thời gian và sự quan tâm của những người đã, đang và sẽ dành cho văn hóa dân gian Đà Nẵng sẽ cho kết quả chính xác, toàn vẹn về vấn đề rất đáng được quan tâm nầy. Hãy nhớ lấy qui luật nghiệt ngã của sự tồn tại là cái gì không giữ sẽ mất. Chúng ta chẳng bao giờ muốn mất. Vậy hãy biết nâng niu, trân trọng, giữ gìn.

Không có nhận xét nào: