Thứ Hai, 26 tháng 3, 2012


Nguyễn Thị  Pháp 

TÂM TÌNH MỘT KHÚC BÁNH DA
      
      Anh tôi xốc lại cái ba lô mấy lần để chuẩn bị lên đường. Hình như anh chưa muốn đi, anh chưa  nỡ rời xa mẹ tôi. Còn mẹ cứ luýnh quýnh :
- Năm, con bỏ thêm một khúc bánh da nữa đi con !
- Ủa, mẹ đã bỏ vào mấy khúc rồi mà !
               - Con bỏ thêm một khúc nữa đi con để có cái lót dạ trên đường hành quân. Mày ăn một khúc bánh da có thể sống cả ngày con ạ!
      Anh tôi nhè nhẹ đặt cái ba lô xuống cho mẹ nhét thêm một khúc bánh da để mẹ yên lòng.
      Thế  rồi anh đi và đi mãi với khúc bánh da không trở về để mẹ tôi héo mòn chờ đợi lặng thầm. Anh đã mất ở đâu, xác anh bây giờ cũng không ai biết được. Mẹ tôi đã đắp cho anh một nấm mồ với tấm bia tưởng nhớ để khắc ghi rằng anh đã từng có mặt trên cõi đời này và rất yêu mẹ.
      Và  cứ thế thời gian cứ trôi đi và nỗi nhớ con của mẹ tôi cứ chất chồng tháng ngày. Cứ mỗi lần đến ngày giỗ anh (lấy ngày anh ra đi chứ không rõ anh mất ngày nào) mẹ đều làm mấy khúc bánh da cúng con. Rồi mẹ khóc, mẹ kể về những vui buồn của khúc bánh da, hương vị quê hương. Mẹ cứ lẩm bẩm mấy câu này khiến tôi thuộc lòng:
      Quê tôi ở chốn An Lương
      (một xóm nhỏ ở Phước Trạch – Hội An).
      Vì  giặc đánh phá mới tìm đường đến đây.
      Ngồi buồn kiếm chuyện giải khuây.
      Bánh da, bánh ít, bánh dày tôi mần luôn
      ( mần là từ địa phương của quê tôi có nghĩa là làm, sản xuất )
      Đó là mấy vần thơ của cha tôi “tức cảnh tản cư mà sinh tình!” Đi tản cư khó khăn, cùng túng, cha phải lấy nghề bánh gia truyền của mình ra làm kế sinh nhai (mẹ tôi bảo vậy). Cha tôi làm các loại bánh rất khéo mà khéo nhất là những khúc bánh da. Mẹ kể rằng khi cha làm bánh, anh Năm tôi còn nhỏ thế mà đã giúp được cha giã bột . Vậy nên mỗi lần làm khúc bánh da là mẹ lại càng nhớ anh da diết : “Giá mà còn thằng Năm thì nó giã bột giỏi phải biết”. Mẹ tôi cứ lẩn thẩn như vậy. Thương mẹ tôi phụ giúp người để có những khúc bánh da hằng năm giỗ anh tôi.
      Lúc nào, mẹ cũng dành những thúng nếp ngon thơm lừng để làm bánh. Tôi rang nếp cho thật vàng giúp mẹ, rồi hì hục giã nó một buổi có khi cả đêm trăng lên nhìn rõ vào tận cối đá (ở quê tôi hồi ấy không có máy xay nên phải giã cối đá). Nếp rang đã thơm, giã thành bột lại càng thơm hơn đến nỗi chỉ ăn cái bột nếp này cũng ngon chứ chưa nói đến ăn khúc bánh da. Nói vậy chứ ăn khúc bánh da thì ngon phải biết ! Giã nếp thành bột xong tôi cân ký. Cứ một ký bột nếp rang thì thén một bát rưỡi đường (bát đường là bánh đường nứa đun sôi đổ thành từng bát) nữa để trộn. Tuỳ thích ngọt hơn thì thêm độ ¼ bát đường nữa để thén. Thén đường làm bánh da cũng rất công phu. Đường sôi phải cho lửa riu riu, từ từ cho đến khi đường sên lại dính đũa thì cho cối gừng đã giã mịn vào đảo đều. Mùi thơm của đường khi tới quyện với mùi thơm của gừng theo gió mà bay thơm cả làng. Nghe mùi thơm là biết nhà này đang thén đường làm bánh da. Công đoạn tiếp theo là trộn đường và bột nếp, cho thêm một lon đậu phộng, mè rang vào và ra sức nhồi, nhồi mãi cho đến khi cả 4 vị : bột, đường, đậu, mè hoà nhập làm một và thành một cục bột dẽo thì bắt bánh. Bắt bánh phải thật khéo tay bánh mới tròn đẹp được  như người ta thường nói “Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn”. Cứ bốc một cục to rồi lăn tròn trên bột nếp khô cho thật tròn đều cân phân như cái ống gạt thóc là đẹp. Bánh da mới ra lò thì rất mềm dẽo, dễ cắt từng lát ra dùng hoặc cầm cả đòn bánh (đòn bánh từ dùng ở quê tôi) mà cắn ngấu nghiến. Ăn bánh da mà húp được ngụm chè tươi xanh thì không gì thú vị bằng. Bởi cái ngọt ngọt, thơm thơm, cay cay, béo béo của bánh lại cái chát chát của chè xanh thì vị giác phải khoái!
      Ở quê tôi ai cũng làm bánh da trong ngày Tết vì tất cả vật liệu đều tự sản xuất mà có (đường, nếp, đậu phộng, mè, gừng) có nhà làm cả thúng bánh da để cúng ông bà sau đó ăn lai rai cho đến ra giêng. Muốn để bánh da được lâu thì phải “thén đường cho tới”có nghĩa là thén đường phải kỹ, lại phải vùi những khúc bánh da vào thúng bột nếp để ở nơi khô ráo.
      Đó là cách chế biến và bảo quản bánh da theo kiểu dân gian ngày ấy chứ làm gì có tủ lạnh như bây giờ. Cả làng ăn bánh da cả tháng giêng mà không biết ớn . Cứ nhà này ăn thử bánh của nhà kia vài lát rồi so sánh bánh của nhà ai ngon hơn. Bánh nhà nào được khen ngon thì phỗng mũi, còn bị chê thì mặc kệ có bánh da ăn là quý rồi!
      Bây giờ thực phẩm ê hề, bánh trái nội ngoại  đủ kiểu nhưng tôi và những người dân quê tôi vẫn mãi thấy vị đậm đà của những khúc bánh da.
      Khúc bánh da đã trở thành kỷ niệm của riêng mẹ, của tôi và cả làng tôi. Ai không thích bánh da, không làm được bánh da để ăn thì không phải người làng, lại càng không phải là con người yêu thương gắn bó với nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Tôi nghĩ vậy khi lẩn thẩn nghĩ về quê tôi, nhớ khúc bánh da của mẹ, nhớ da diết người anh cùng khúc bánh da đi biền biệt không về.

Không có nhận xét nào: